Tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo

Từ mục tiêu đến nỗ lực thực chất

Tạo sinh kế, việc làm cho phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn luôn là bài toán nan giải, bởi lực lượng lao động nơi đây thường có tay nghề thấp, tính ổn định không cao... Dù đã có nhiều chiến lược, chương trình đặt mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế có được môi trường sống tích cực hơn, song kết quả đạt được trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy, cơ hội nào để giúp những phụ nữ chân yếu tay mềm nơi các miền quê còn nghèo tìm kiếm việc làm và tiếp cận thực chất hơn với các quyền lợi cơ bản?

Nhiều phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển. Trong ảnh: Phụ nữ huyện Than Uyên (Lai Châu) thu hoạch lúa. Ảnh: Ð
Nhiều phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển. Trong ảnh: Phụ nữ huyện Than Uyên (Lai Châu) thu hoạch lúa. Ảnh: Ð

Nhiều bất lợi trong mưu sinh

Ðể tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho phụ nữ, tại nhiều địa phương đã có những mô hình hay, sáng tạo, và hiệu quả. Như chia sẻ của bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ðakrông (Quảng Trị): Trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều mô hình tạo sinh kế cho phụ nữ như trồng dứa thâm canh, trồng sả lấy tinh dầu, hay gian hàng nông sản sạch… đều lấy người dân làm trọng tâm và xem đây là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Theo bà Kim Cúc, trong quá trình thực hiện, các mô hình sinh kế này được thiết lập bằng nhiều hình thức nhằm bảo đảm tính phù hợp với điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa; mặt khác phát huy nội lực của cộng đồng và hộ gia đình, phụ nữ được tham gia và trao quyền từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn hoạt động sinh kế, triển khai thực hiện… Tuy nhiên, về lâu dài, các mô hình này cần chuyển đổi hình thức từ "quản lý" sang "hỗ trợ - bắt tay chỉ việc - kết nối"; tăng cường các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật đến tận hộ gia đình; lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với khả năng, nguồn lực của từng hộ gia đình (như đất đai, trình độ, khuyết tật…) và tập trung vào xây dựng và phát triển các hàng hóa nông sản mang tính đặc trưng vùng, miền.

Theo bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Kon Tum, mặc dù điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây sâm dây, tuy nhiên trước đây vì chưa có định hướng cụ thể, nên người dân trồng manh mún, tự phát. Nhờ sự vận động tuyên truyền từ cán bộ Hội, huy động được nguồn lực từ các chương trình, chính sách giảm nghèo, vay vốn…, gần đây mô hình trồng sâm dây đang phát triển trên diện rộng. Hiện, sản phẩm được sản xuất ra đều có truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bà Liên cho biết, để đưa mô hình trồng sâm dây trở thành sinh kế cho phụ nữ tại địa phương, Hội LHPN tỉnh đã chủ động, tích cực vận động sự ủng hộ từ những doanh nhân nữ thành đạt trên địa bàn tỉnh trong đầu tư, tiêu thụ sản phẩm. Có thể thấy, các cấp chức năng ở nhiều địa phương đã rất nỗ lực tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, lao động nữ đang chịu khá nhiều thiệt thòi, bởi cùng lúc họ phải đảm nhận nhiều trọng trách: Vừa sinh con, nuôi dưỡng con, vừa làm kinh tế, thu vén nội trợ. Thêm vào đó, quá trình làm việc cũng gặp nhiều khó khăn hơn do không được đánh giá cao, gây bất lợi không những cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những đối tượng được hưởng lợi từ họ.

Bất lợi này được Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ - TB và XH) Doãn Mậu Diệp nêu rõ qua con số: Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức hiện nay còn khá cao, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (62,4% số lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% số lao động nữ làm những công việc giản đơn). Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng nhưng đầu ra cho họ sau học nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Một nguyên nhân khách quan là do các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ chưa thật sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp, thiếu các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa... Theo Viện Nghiên cứu gia đình và giới thì việc thay đổi phương thức sản xuất đang diễn ra ở khu vực nông thôn đã khiến nhiều lao động nữ thất nghiệp trên chính mảnh ruộng của mình. Những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đang được áp dụng trong nông nghiệp đã tạo ra những bước tiến vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh, nhưng lại làm giảm đáng kể số lượng việc làm của lao động giản đơn, do được máy móc thay thế, đồng thời đòi hỏi lao động phải có trình độ kỹ thuật cao hơn. Ðiều này đang gây ra nhiều bất lợi cho phụ nữ nông thôn, vốn được coi là có trình độ kỹ thuật thấp hơn.

Với phụ nữ dân tộc thiểu số, theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam: Nhiều phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển: 26,56% phụ nữ không biết đọc, biết viết; 7,2% số lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; khoảng 26% phụ nữ đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (phụ nữ dân tộc Kinh là 56%). Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất bình đẳng giới nói chung và bất bình đẳng ở phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng.

Tăng quyền tiếp cận cho phụ nữ

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đang được thực hiện, trong đó các chỉ tiêu quan trọng tập trung vào phụ nữ nông thôn là "Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50% vào năm 2020" và "Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100% vào năm 2020".

Ðể hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, giúp họ tiếp cận được các quyền cơ bản, theo các chuyên gia, các chính sách liên quan tạo sinh kế, việc làm cần được đẩy mạnh, thực thi, như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu đưa 100% tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Theo đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ khi triển khai cần đạt mục tiêu đề ra.

Cùng đó, chương trình "Sáng kiến thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình" nhằm hỗ trợ phụ nữ nông thôn tiếp cận với chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nguồn vốn chính thức và phi chính thức thông qua các dự án đầu tư của các tổ chức nước ngoài cần thực hiện hiệu quả, từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập giúp xóa đói, giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn. Ngoài vấn đề tăng cường năng lực về phát triển kinh tế, vốn vay, quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ phụ nữ nông thôn tăng cường tiếp cận đất đai một cách thực chất.

Và để tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, như ý kiến của ông Ðào Văn Tiến, Vụ trưởng Ðào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LÐ-TB và XH) thì, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các bộ, ngành cần phối hợp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, mô hình đào tạo nghề; thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn.

Cùng đó, cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương về xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình, dự án về thúc đẩy bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển sinh kế và cải thiện việc làm, tăng thu nhập cho giới nữ nói chung, phụ nữ vùng khó khăn nói riêng.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Phương Thảo, Hoàng Nghĩa Nam.