Từ lượng sang chất

Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh được chọn là địa phương triển khai thí điểm thực hiện mô hình Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiệu quả thuyết phục tại đây đã tạo tiền đề cho việc nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong cả nước, và những bài học kinh nghiệm từ thực tế vẫn đang được địa phương này chú trọng để tiếp tục hoàn thiện, nâng chất cho chương trình.

Từ lượng sang chất

Tạo ra hướng đi mới
 
 Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan... trong phát triển nông thôn, điển hình là phong trào mỗi làng, xã một sản phẩm của Nhật Bản và Thái-lan, tỉnh Quảng Ninh xác định, Chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất từ cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, doanh nghiệp đều có sự chủ động về ý tưởng, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ.
 
 Từ các bài học kinh nghiệm, Chương trình OCOP Quảng Ninh được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, chương trình xác định hai đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế tập trung vào hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN). Do vậy, chương trình được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, DN) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
 
 Tỉnh cũng duy trì các hội chợ OCOP thường niên thu hút hàng vạn lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng đạt trung bình 12 đến 15 tỷ đồng/kỳ hội chợ. Những con số trên cho thấy sức hút mạnh mẽ của các sản phẩm OCOP nói riêng và Hội chợ OCOP Quảng Ninh nói chung, đồng thời khẳng định vai trò cầu nối giữa cá nhân, tổ chức sản xuất và mỗi người dân.
 
 Sau hơn bảy năm triển khai, chương trình đã mang lại những hiệu quả đáng kể, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân. Từ đó tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Từng bước, người dân đã chủ động tham gia đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện sản phẩm.
 
 Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Trong đó có 10/32 điểm bán hàng được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Các điểm bán hàng đã quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ lượng lớn hàng hóa cho người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Cùng đó, nhiều sản phẩm của chương trình được đưa đến giới thiệu tại các lễ hội văn hóa, du lịch như lễ hội Trà hoa vàng huyện Ba Chẽ, Hội đình Tràng Y - xã Đại Bình, Hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội hoa sở Bình Liêu... thu hút đông đảo du khách và nhân dân trên địa bàn cũng là những hoạt động góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
 
 Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh Vũ Thành Long cho biết: Thành công của Chương trình OCOP đã có những tác động rất tích cực và rõ nét đến sự phát triển của kinh tế nông thôn, là kết quả của sự linh hoạt trong việc quan tâm tổ chức quảng bá, phát triển thương hiệu và xúc tiến thương mại, tổ chức triển khai chu trình phù hợp với điều kiện của địa phương. Quảng Ninh luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hai khía cạnh hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký sở hữu trí tuệ.
 
 Phát huy tối đa sức sáng tạo cộng đồng
 
 Không chỉ đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, Chương trình OCOP ở Quảng Ninh còn phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư và khẳng định sức hút mạnh mẽ với DN và người dân. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo và từng bước có tích lũy bằng việc phát triển các sản phẩm.
 
 Anh Nguyễn Hữu Nhượng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà chia sẻ: “Được sự quan tâm tạo điều kiện của địa phương và các cấp, các ngành nên DN đã chủ động, sáng tạo đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra các chuỗi sản phẩm chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao, từng bước phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của địa phương”.
 
 Dù đạt được nhiều kết quả, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn nhắc nhở các cấp, ngành, người dân, chủ thể tiếp tục nâng tầm thương hiệu OCOP. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh: “Kết quả mới chỉ là bước đầu, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng, các chủ thể, DN, HTX, hộ gia đình cần cố gắng nỗ lực phát triển ổn định, bền vững, từng bước khắc phục hạn chế yếu kém trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện Chương trình OCOP”.
 
 Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục chuyển từ lượng sang chất, phát triển các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, khu vực đô thị, huy động sức sáng tạo của người dân để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. 
 

 Trong bốn năm từ 2017 đến 2020, tổng doanh thu các sản phẩm tham gia chương trình OCOP tại Quảng Ninh đạt 1.571.073 triệu đồng, tăng 133% so giai đoạn 2013 - 2016; lợi nhuận đạt 270.156 triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho hơn 4.500 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp, với mức thu nhập ổn định bình quân từ 5 đến 9 triệu đồng/người/tháng.