Từ “hiện tượng” Sơn La...

Sơn La đã và đang được biết đến là điểm sáng về phát triển nông sản xuất khẩu. Ðể có được điều đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ nhằm tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhất là đẩy mạnh ưu tiên đầu tư công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu, nâng cao giá trị hàng hóa, thích ứng với xu hướng của thị trường.

Cán bộ Hội Nông dân xã Mường Khiêng (Thuận Châu) hướng dẫn người dân chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Duy Tùng
Cán bộ Hội Nông dân xã Mường Khiêng (Thuận Châu) hướng dẫn người dân chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Duy Tùng

Ðiểm sáng quy hoạch và xây dựng 

Tại Hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Sơn La đã hợp tác rất tốt với các nhà khoa học và các doanh nghiệp (DN) để mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Ðồng thời, liên kết tạo ra vùng nguyên liệu rất rộng lớn. “Tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức sản xuất, phát huy vai trò của các hợp tác xã, góp phần kết nối giữa các hộ trồng cây ăn quả với DN, đối tác tiêu thụ, tạo ra vùng sản xuất tập trung, có điều kiện áp dụng công nghệ cũng như quy trình sản xuất an toàn và đây được xem là điểm sáng, hiện tượng Sơn La”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quy mô diện tích cây ăn quả đứng thứ hai toàn quốc với hơn 360 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 80.500 ha cây ăn quả, sản lượng hơn 400 nghìn tấn chính là yếu tố quan trọng nhất giúp Sơn La thu hút được các DN, nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến. Một thí dụ nhỏ, chỉ tính riêng cây nhãn Sơn La có diện tích đạt 17.292 ha, gấp bốn lần diện tích nhãn của tỉnh Hưng Yên. Mỗi khi đến mùa thu hoạch, người dân lại lo tiêu thụ, do sản lượng nhãn lớn, lại thu hoạch trong thời gian ngắn. Khi nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ đi vào hoạt động thì phần đầu ra cho quả nhãn giảm bớt áp lực tiêu thụ, giá cả ổn định.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Ðông, Kết luận số 121-TB/TU về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành ngày 30-11-2015 có ý nghĩa cởi nút thắt, mở đầu cho quá trình chuyển đổi sản xuất. Trong giai đoạn 2015-2020, HÐND tỉnh đã ban hành ba Nghị quyết liên quan đến các chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo vùng nguyên liệu. Trong đó, phải nhắc đến Nghị quyết số 76/2018/NQ-HÐND ngày 4-4-2018 của HÐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản mang lại hơi thở mới, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. “Từ chỗ mở rộng sản xuất, vùng nguyên liệu lớn, nhưng công nghiệp chế biến nhỏ lẻ, chưa tương xứng, sau khi tác động bởi chính sách đã đáp ứng bước đầu việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, Bí thư Nguyễn Hữu Ðông nhấn mạnh.

 Với định hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, chỉ chưa đầy 5 năm, diện tích cây ăn quả của tỉnh (bao gồm cả cây sơn tra) đã lên tới 80.500 ha, tăng gấp ba lần so năm 2015. Nhiều sản phẩm nông sản của Sơn La đã và đang chinh phục thị trường trong nước và vững bước vươn ra quốc tế.

Bước đi vững chắc

Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp sạch, sản phẩm bảo đảm chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, việc Sơn La chú trọng thu hút các DN đầu tư các nhà máy chế biến nông sản để giúp cho nông nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao Ðinh Cao Khuê, để nông sản Sơn La có chỗ đứng trên thị trường, phát triển bền vững thì mô hình như Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La chế biến rau quả khép kín, từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu, đến chế biến tinh, chế biến sâu, phát triển hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu là hướng đi phù hợp với thị trường hiện nay.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây ăn quả và tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, xuất khẩu được hoa quả tươi sang thị trường các nước có thể mang lại nguồn lợi lớn, nhưng các rào cản thương mại, quy trình kiểm tra chất lượng đối với mặt hàng này rất nghiêm ngặt. Ðơn cử như quả chanh leo của Sơn La được thị trường châu Âu đánh giá cao, nhưng mỗi lần xuất tươi đều phải chiếu xạ, thực hiện các thủ tục quy định pháp lý tốn kém. “Nếu Sơn La có nhà máy công nghệ hiện đại, đóng hộp, cấp đông, sản xuất với số lượng lớn thì xuất khẩu dễ dàng hơn rất nhiều. Ðặc biệt, về lâu dài, muốn phát triển bền vững thì phải đầu tư xây dựng nhà máy chế biến công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khó tính…”, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khẳng định.

Sau một thời gian tập trung tổ chức sản xuất làm ra sản phẩm hàng hóa, đến nay Sơn La đang chuyển sang chú trọng tổ chức đầu ra cho sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ cho người dân. Với tốc độ tăng trưởng nhanh trong nông nghiệp, dự báo trong vài năm tới diện tích cây ăn quả ở địa phương này sẽ cán đích 100 nghìn ha, sản lượng đạt một triệu tấn, vì vậy vấn đề tiêu thụ cần được tính toán hết sức khoa học và đồng bộ. Do đó, tỉnh đang triển khai xây dựng Ðề án “Phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”.

Theo ý kiến chuyên gia, nhiệm vụ quan trọng của địa phương là cần tiếp tục có những giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; rà soát quy hoạch, xác định bốn loại cây công nghiệp (cà-phê, chè, mía, sắn), tám loại cây ăn quả (nhãn, xoài, mận, chanh leo, dứa, chuối, sơn tra, quả có múi) và các loại rau củ, cây dược liệu… có ưu thế trên thị trường; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm...

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 33 nhà máy chế biến quy mô vừa và lớn, 900 cơ sở chế biến nhỏ đang hoạt động tương đối hiệu quả, bước đầu xây dựng được những chuỗi liên kết hàng hóa trong nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có những nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả... xuất khẩu được đầu tư quy mô, hiện đại với số vốn hàng nghìn tỷ đồng, tạo nên diện mạo mới cho ngành công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu ở Sơn La.