Từ công nghệ đến tư duy

Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn không ít là phản hồi của các địa phương trong việc triển khai dạy học online. Vẫn biết đây là giải pháp tình thế, khó đánh giá hiệu quả nên lo lắng về chất lượng cũng là điều dễ hiểu.

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh phối hợp Sở GD và ÐT tổ chức ghi hình hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức phát trên các hạ tầng truyền thông. Ảnh: THÁI BÌNH
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh phối hợp Sở GD và ÐT tổ chức ghi hình hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức phát trên các hạ tầng truyền thông. Ảnh: THÁI BÌNH

Thuận lợi nhiều

Nhờ hệ thống học liệu điện tử, Trường đại học Mở Hà Nội đã sớm triển khai dạy học online giúp không gây xáo trộn nhiều trong kế hoạch chung của nhà trường cũng như kế hoạch học tập của từng cá nhân. TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội, cho biết: Ngay sau khi quyết định cho sinh viên nghỉ học ở nhà chúng tôi đã tính đến việc dạy học trực tuyến. Các đơn vị chức năng lập tức vào cuộc và sinh viên đã có thể truy cập cổng học liệu trực tuyến để học tập và nghiên cứu. Hệ thống học liệu điện tử tại địa chỉ này đã phát huy tốt lợi thế, ưu điểm. Bên cạnh học liệu điện tử, nhà trường còn có hệ thống thư viện điện tử với hơn 30 nghìn lượt truy cập thư viện số. Ngân hàng tài liệu số tiếp tục được bổ sung với tổng số hơn bốn nghìn đầu tài liệu.

Nhiều trường phổ thông ngoài công lập cũng đã sớm tổ chức dạy online khá hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết: Sau khi triển khai dạy trực tuyến các môn văn hóa, chúng tôi đã dạy cả môn thể dục. Việc dạy học trực tuyến thực hiện đúng theo thời khóa biểu. Học sinh có mặt vào 7 giờ sáng để điểm danh qua mạng và trong suốt giờ học phải liên tục tương tác, trả lời câu hỏi của giáo viên. Giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường có thể dự giờ bất cứ môn học nào của lớp để nắm tình hình, chấn chỉnh. Những học sinh bị trục trặc như mất in-tơ-nét, không có micro phone, không tương tác, thiếu tập trung, không hoàn thành bài tập về nhà đều được thống kê trao đổi với cha mẹ học sinh sau mỗi buổi học.

Khó khăn không ít

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, giải pháp tình thế triển khai dạy/học online có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người học và tinh thần trách nhiệm của các nhà trường. Không có chọn lựa nào khác nên buộc các địa phương phải chấp nhận. Từ đầu tháng 3, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) TP Hà Nội đã lựa chọn giáo viên cốt cán dạy học trên truyền hình cho học sinh khối lớp 9, lớp 12. Hà Nội cũng xây dựng hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study cho học sinh lớp 8, 9, 11,12. Các tỉnh Ðồng Nai, Vĩnh Long, Nam Ðịnh, Quảng Ninh,... cũng đưa việc dạy học lên sóng truyền hình. Việc triển khai trường học thông minh cũng được đẩy mạnh hơn,
như Nghệ An chọn phương án thiết kế các bài giảng qua mạng lưới trường học trực tuyến, các bài giảng của giáo viên các địa phương khác được đưa về trang thông tin trực tuyến của Sở để giáo viên cùng tham khảo thực hiện.

Ở Nam Ðịnh, NGƯT Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD và ÐT, chia sẻ: Thực tế là có những trường khi triển khai còn nhiều lúng túng, điều kiện khách quan là khó khăn về điều kiện kinh tế của phụ huynh, chưa có thiết bị để cho con học tập, còn chủ quan là hình thức này quá mới để cả GV và học sinh bắt kịp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn yêu cầu các nhà trường cần khắc phục khó khăn, tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin, tăng cường áp dụng việc dạy và học trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Chúng tôi cũng yêu cầu GV phải thường xuyên áp dụng bài giảng E-learning trong dạy học, ứng dụng các phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học. Học sinh được tiếp cận với việc học trong môi trường trực tuyến, có công nghệ thông tin hỗ trợ, tương tác đã thúc đẩy tư duy sáng tạo, kích thích nhu cầu rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm.

Thực tế cũng cho thấy, việc học trực tuyến diện đại trà mới chỉ dừng lại ở mức giáo viên giao bài tập, người học thực hiện và nộp lại qua mạng. Không có nhiều trường tổ chức học trực tuyến, điểm danh học sinh và dạy học được tất cả các môn. Ngay cả có điểm danh thì khoảng cách trên mạng, giáo viên cũng khó có thể biết học sinh của mình tự giác học tập đến đâu. Ðó là còn chưa kể đến việc giáo viên chưa có kinh nghiệm, kỹ năng, cũng như quy trình tổ chức học trực tuyến cần những kỹ năng khác chứ không chỉ là việc dạy học rồi phát lên sóng. Thêm nữa việc dạy một chiều rất cần người học có ý thức và tính tự giác cao. Người học phải có thói quen đọc sách, tự học... đây đều là những điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay.

Phương pháp dạy học E-learning đang được nhiều cơ sở giáo dục với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình đã năng động ứng dụng và phát huy hiệu quả do xây dựng hệ thống phần mềm học tập trực tuyến riêng từ trước nên khá chủ động và ổn định.

Không còn nghi ngờ gì nữa, dạy - học online đã và đang là thách thức nhưng đồng thời cũng là động lực cho phát triển. Tuy nhiên, để đạt được chất lượng, hiệu quả tốt, đòi hỏi xã hội, người dạy và người học phải từng bước chuẩn bị cả về điều kiện cơ sở công nghệ cũng như thay đổi phương thức tư duy và tiếp nhận kiến thức. Và điều đó cần được nhìn nhận như một nhu cầu cấp thiết, để không bị lạc hậu trong dòng chảy của xã hội thời đại công nghệ.

Ngày 25-3, Bộ GD và ÐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước, thảo luận về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo lãnh đạo Bộ, ba giải pháp được đưa ra tập trung vào tinh giản chương trình; triển khai dạy học đại trà qua truyền hình, in-tơ-nét và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Trong tuần này, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đào tạo từ xa và công nhận kết quả học tập bằng phương thức mới này. Theo đó, nhấn mạnh vai trò của địa phương, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm trong việc kết nối thường xuyên với học sinh để giao bài tập, đánh giá hiệu quả việc học qua truyền hình. Bên cạnh đó, Bộ sẽ sớm xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia, dự kiến tổ chức từ ngày 8 đến 11-8.