Từ bỏ thói quen “ăn xổi”

Ý thức của người lao động trong việc thực hiện hợp đồng lao động chưa cao chính là nguyên nhân khiến cho nhiều thị trường hạn chế hoặc đóng cửa với lao động Việt Nam. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng lao động đang là đòi hỏi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Các học viên học nghề tại trường Đào tạo Nhân lực quốc tế AIC. Ảnh: VH
Các học viên học nghề tại trường Đào tạo Nhân lực quốc tế AIC. Ảnh: VH

Học tử tế để trúng tuyển

Bước chân vào lớp học tiếng Nhật của công ty Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình (chi nhánh tại Long Biên, Hà Nội) thật ấm lòng khi các học viên đứng dậy cúi người chào theo phong cách người Nhật. Tuấn Anh, 20 tuổi, quê Phú Thọ cho biết, em tham gia khóa học ba tháng, vừa học vừa dự phỏng vấn các đơn hàng có sự đại diện phía Nhật Bản tuyển chọn.

Nhà làm nông, để thực hiện giấc mơ đổi đời, gia đình Tuấn Anh phải lo trang trải tiền ăn, tiền học phí 10-12 triệu đồng/ khóa học, khi trúng tuyển sẽ nộp mức phí từ 100-120 triệu đồng tùy theo đơn hàng, chưa kể phải chứng minh tài chính ở ngân hàng khoảng 50 triệu để chống trốn. Nếu trúng tuyển Tuấn Anh sẽ sang Nhật làm việc thời gian ba năm, với mức lương từ 22-27 triệu đồng/tháng.

“Không học tử tế thì không thể trúng tuyển để xuất cảnh được”, Tuấn Anh nói. Vậy là, em ngày đêm nỗ lực học tập, từ học nói, viết tiếng Nhật, đến kiến thức về ứng xử theo văn hóa, phong tục, con người Nhật Bản. Anh Nguyễn Văn Điệp - cán bộ công ty Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình cho biết: “Không có kiến thức cơ bản về tay nghề, tiếng nói nước sở tại thì khó mà lọt vào tầm ngắm của người tuyển dụng. Nắm bắt điều này các học viên đều cố gắng trau dồi kiến thức”.

Anh Điệp bộc bạch: “Hiện nay vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp tuyển lao động đi gấp, đào tạo qua loa. Song nếu đào tạo kiểu “ăn xổi” thì người lao động (NLĐ) không đặt chân được tới nước Nhật, Hàn Quốc. Phía các công ty ở Nhật Bản luôn đòi hỏi phía công ty chúng tôi phải cam kết đào tạo từ ba đến sáu tháng thì mới được cho thi tuyển”.

Có một thực tế là, được đào tạo nghề nghiêm túc trước khi đi XKLĐ giúp NLĐ có cơ hội tìm được công việc phù hợp, cho thu nhập cao hơn. Ba năm trước, bạn Phan Pháp, 26 tuổi, rời quê hương Nghệ An đến Thuận Thành (Bắc Ninh) theo học nghề và tiếng Hoa tại trường Đào tạo Nhân lực quốc tế AIC. Trải qua sáu tháng học miệt mài em mới trúng tuyển sang Đài Loan làm việc tại công ty dệt Đài Nguyên. Xa xứ, làm việc trong môi trường công nghiệp, bất đồng ngôn ngữ, thời gian đầu Pháp cảm thấy lẻ loi và khó hòa nhập. Nhưng cứ nghĩ tới món nợ ngân hàng còn hơn 100 triệu đồng ở quê bố mẹ đang phải tích cóp từ tiền bán rau để trả lãi, em đã nỗ lực để vượt qua khó khăn.

Chăm chỉ, nhanh nhẹn, Pháp nhanh chóng được giao công việc chỉ huy một dây chuyền sản xuất sợi. Tháng 9-2015, sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước, Pháp được tiếp tục nhận vào làm việc tại chi nhánh mà công ty dệt Đài Nguyên mới mở ở khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam), với mức lương năm đầu tiên được trả tương đương khi làm việc tại Đài Loan.

Phan Pháp cho biết, cùng thời gian em xuất cảnh, một người bạn đồng hương cũng sang Đài Loan qua một công ty môi giới tại Vinh. Thật ngạc nhiên, chỉ học tiếng và học nghề trong vòng chưa đầy một tháng người bạn đã cầm tấm vé lên đường. Chính từ sự “ăn xổi” này, sang Đài Loan một thời gian ngắn, người bạn bị “đánh bật”, bơ vơ ở xứ người.

Với thị trường Đài Loan, ông Tạ Hải Anh - Hiệu trưởng trường Đào tạo Nhân lực quốc tế AIC cho biết: “Với mức phí 80 triệu đồng /một người cho đơn hàng đi làm việc ba năm ở Đài Loan, nhiều lao động có thể đủ kinh phí để tham gia, thế nhưng việc tuyển dụng không dễ dàng do phía đối tác tuyển rất kỹ, đòi hỏi người lao động phải có tay nghề, vừa biết tiếng Hoa căn bản, vừa có ý thức kỷ luật. Để giữ uy tín với đối tác và bảo đảm quyền lợi cho người lao động, chúng tôi đào tạo nghề và tiếng Hoa, tiếng Nhật cho học viên sau ba tháng. Khi tuyển chúng tôi cũng đặt mục tiêu tuyển những người thực chất đi làm việc thật sự”.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Theo quy định của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trước khi đi xuất khẩu, NLĐ phải được đào tạo 74 tiết về nghiệp vụ, thông tin luật pháp, văn hóa… của nước sở tại, và từ một đến ba tháng về ngoại ngữ tùy theo thị trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã đào tạo cấp tốc, cắt giảm thời gian học nghiệp vụ, ngoại ngữ, thậm chí chỉ tổ chức một, hai buổi hướng dẫn về nghiệp vụ. Nhất là với các thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao như: Ma-lai-xi-a, Ả-rập Xê-út thì tình trạng không nghiêm túc trong đào tạo diễn ra phổ biến. Các doanh nghiệp XKLĐ vừa và nhỏ thì càng bỏ ngỏ chương trình này.

Điều này dẫn đến hậu quả khi sang làm việc tại xứ người, trước áp lực công việc, khả năng giao tiếp hạn chế dẫn đến một số trường hợp xảy ra mâu thuẫn bất đồng do không hiểu công việc giữa hai bên. Từ đó phát sinh ra những vụ việc đáng tiếc, như: NLĐ bị chủ ngược đãi, hoặc NLĐ bỏ trốn tìm nơi làm việc khác. “Thực tế, những vụ việc lao động bị ngược đãi và bỏ trốn thời gian gần đây tại Ả-rập Xê-út, hay Ma-lai-xi-a có nguyên nhân từ đào tạo kỹ năng nghề, phong tục tập quán, luật pháp nước sở tại, cũng như ngoại ngữ chưa được thực hiện đầy đủ từ cả phía doanh nghiệp và NLĐ”, chuyên gia XKLĐ Nguyễn Văn Điệp nhận định.

Nếu thực hiện đúng quy trình đào tạo, NLĐ sẽ đến được nước bạn làm việc nhiều hơn, được chủ sử dụng lao động trọng dụng. Đơn cử như với thị trường Đài Loan mới mở cửa trở lại cho nghề khán hộ công gia đình (chăm sóc người già) đòi hỏi phải có nghiệp vụ tương ứng. Do công việc là chăm sóc người già có bệnh, nên việc đào tạo NLĐ không đơn thuần là quét dọn như giúp việc gia đình, mà phải có kiến thức như những y tá, hộ lý. Bởi vậy, nếu quy trình đào tạo ẩu, yếu kém, dẫn đến chất lượng lao động thấp sẽ rất khó trúng tuyển đơn hàng này.

Trong tình hình XKLĐ hiện nay, thiết nghĩ Bộ LĐ - TB&XH cần kết hợp với Hiệp hội Xuất khẩu lao động đưa ra quy chế và khung đào tạo phù hợp cho từng thị trường, bảo đảm quyền lợi NLĐ và của doanh nghiệp. Đối với thị trường trọng điểm có nhiều doanh nghiệp XKLĐ tham gia cần có đầu mối thống nhất để cùng giám sát khung đào tạo phù hợp. Các doanh nghiệp XKLĐ cần có cơ chế phối hợp các trường dạy nghề trong đào tạo, để được cung ứng nguồn lao động tốt nhất. Bên cạnh đó, cần siết chặt khâu tuyển chọn, tạo nguồn, đặc biệt là việc nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tránh tình trạng NLĐ nhảy việc, hoặc tự ý bỏ dở hợp đồng và làm việc bất hợp pháp ở các nước sở tại.