Triết lý nào cho những hàng cây Hà Nội?

Chương trình phát triển một triệu cây xanh mới (giai đoạn 2016 - 2020) của Hà Nội cần thực hiện một cách khoa học, có triết lý rõ ràng và thu hút được những hạt nhân là cộng đồng dân cư tham gia vào.

Hệ thống cây xanh nhiều tầng trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Phạm Hùng
Hệ thống cây xanh nhiều tầng trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Phạm Hùng

Một triệu cây xanh mới

Sau hai năm được trồng, dù chưa tạo ra được bóng mát đáng kể, nhưng đến nay hàng nghìn cây xanh mới đã phủ lên cảnh quan Hà Nội một mầu xanh tươi mới. Ðường Võ Nguyên Giáp nối từ sân bay Nội Bài vào nội đô rợp mầu bằng lăng, phượng vĩ, long não, khu vực dải phân cách được trồng mới 1.000 cây hoa ban trắng và cây hoa ban đỏ… Những cây hoa giấy, hoa ban cũng đã bắt đầu khoe sắc bên bờ Hồ Gươm. Ðường Trần Khát Chân, đoạn mới mở được trồng thêm cây lát hoa, loài cây được đánh giá là khá phù hợp với đô thị. Cây chiêu liêu, cọ dầu được bổ sung vào danh mục cây đô thị trồng trên nhiều tuyến phố…

Theo quy định của Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội được phép trồng khoảng 35 chủng loại cây trong dự án Một triệu cây xanh mới (giai đoạn 2016 - 2020) này. Bên cạnh đó, theo chủ trương của thành phố, trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 25 công viên, trong đó có năm công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện dự án trên, tính đến hết năm 2017, thành phố đã trồng được gần 500 nghìn cây xanh, trong đó có gần 40 nghìn cây xanh đô thị, 50 nghìn cây hoa, cây cảnh, gần 40 nghìn mét vuông các loại cây mảng hoa, cây thảm...

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, vẫn còn những băn khoăn rằng việc trồng cây xanh theo chủ đề, tuổi thọ của cây xanh, cũng như khâu cắt tỉa… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự bền vững và giá trị đặc trưng của các tuyến phố. Hệ thống vườn ươm còn hạn chế về quy mô, số lượng, chủng loại còn ít, chưa đáp ứng được thị trường cây xanh của thành phố, kể cả cung cấp cây cho dự án và bảo đảm cây dùng để thay thế…

Trồng mới thì như vậy, việc quản lý cây xanh đã trồng cũng còn những bất cập. Ông Vũ Kiên Trung, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thừa nhận: “Hệ thống công viên cây xanh ở Hà Nội tuy đã phát triển hơn một thế kỷ nay, nhưng thực tế cho thấy: Công viên của thành phố chưa theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị; việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống công viên cây xanh chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường và cảnh quan đô thị…”. Theo đó, có khoảng gần 100 nghìn cây xanh đô thị tại các tuyến phố trên địa bàn 12 quận nội thành chưa được quản lý bài bản và khoa học. Công tác tuần đường, phát hiện các cây chết, cây sâu mục, cây nghiêng nguy hiểm chưa được làm thường xuyên, và chủ yếu vẫn là phát hiện bằng mắt thường hay dựa trên kinh nghiệm - điều này tạo nên những nguy cơ gãy cành, đổ cây khi mùa mưa bão đến.

Cần từng tế bào hạt nhân

Ðể thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh, theo ông Vũ Kiên Trung, trong thời gian tới, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho lĩnh vực công viên cây xanh. “Công tác phát triển hệ thống cây xanh không chỉ dựa vào nguồn lực Nhà nước. Thành phố cần có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống công viên cây xanh, kết hợp với các dịch vụ vui chơi giải trí gắn liền với công viên. Nhà nước cần phải quản lý công tác quy hoạch, thiết kế và bố trí trồng cây, các công đoạn khác có thể giao cho các doanh nghiệp thực hiện”, ông Trung đề xuất.

Chúng ta cũng cần đầu tư và thành lập bộ phận chuyên nghiệp thực hiện công tác tuyển chọn (trong nước cũng như quốc tế) các loại cây vừa đẹp vừa có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Nội. Trước mắt, nên chọn các loại cây đô thị đã được kiểm nghiệm trong thực tế, như cây hoa ban, chà là, sao đen, cây bàng lá nhỏ, muồng hoàng yến, phong lá đỏ, mận anh đào...

Hơn thế, muốn giữ gìn, bảo tồn các cây xanh lâu năm, cây xanh di sản, cần cân nhắc giữa việc mở rộng đường phố với việc đốn hạ cây xanh. Mỗi cán bộ của các đơn vị hành chính cấp địa phương như phường/ xã cần hiểu rõ yêu cầu và trách nhiệm trong bảo vệ cây xanh, nhằm tránh trường hợp chặt hạ bừa bãi. Hà Nội cũng cần xử lý nghiêm những vi phạm, như xâm phạm, bức hại, dán biển quảng cáo lên cây xanh, nhằm buộc mỗi người dân luôn có trách nhiệm và ứng xử đúng với cây xanh trong thành phố. Các cơ chế, chính sách cần hướng đến khuyến khích và vận động người dân tự giác bảo vệ, giữ gìn, quản lý cảnh quan từ không gian riêng đến không gian chung.

Hỗ trợ cho điều đó, cần khơi lên các phong trào tự quản, tự tạo vườn hoa, cây xanh từ tế bào hạt nhân là tổ dân phố. Mỗi xã/phường cần xây dựng mô hình các nhóm cộng đồng và tôn vinh các cộng đồng có những sáng kiến bảo vệ, phục hồi, phát triển cây xanh. Ý thức của mỗi cá nhân, mỗi nhóm cộng đồng ấy mới chính là cách bền vững nhất để bảo vệ và nhân rộng mầu xanh mát mắt cho những đường phố Thủ đô.

TS, KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: “Hà Nội cần một triết lý phát triển cây xanh đô thị theo hướng góp phần tạo bản sắc, thương hiệu cho từng tuyến phố, con đường, cho tổng thể đô thị… trên cơ sở khai thác các yếu tố đặc thù rất riêng của Hà Nội”.