Triển vọng con đường xuất khẩu phim Việt Nam

Mới đây, bộ phim Hai Phượng đã ghi dấu mốc đầy ấn tượng trong hành trình đưa phim Việt Nam vươn ra ngoài biên giới, khi lần đầu phát hành song song và cùng lúc đạt doanh thu cao ở cả hai thị trường Việt Nam - Mỹ. Đặt mục tiêu chinh phục khán giả mê phim hành động tại chính kinh đô điện ảnh Hollywood ngay từ khi khởi động dự án, Hai Phượng đã cho thấy một hướng đi mới rất khả quan - chủ động xuất khẩu phim, thay vì coi đó là một kênh phát hành gia tăng mang tính thụ động, “được chăng hay chớ” vốn vẫn tồn tại từ nhiều năm trước.

Hai Phượng đã tạo nên một tiền lệ tốt, khi thúc đẩy nghệ sĩ điện ảnh trong nước có thêm động lực đi xa.
Hai Phượng đã tạo nên một tiền lệ tốt, khi thúc đẩy nghệ sĩ điện ảnh trong nước có thêm động lực đi xa.

Đường không tự nhiên mà có…

Nhiều năm qua, phim Việt Nam vẫn đều đặn tham dự nhiều ngày hội điện ảnh quốc tế và khu vực, vẫn kiên trì góp mặt trong các chợ phim vốn là hoạt động mua bán sôi động trong khuôn khổ các liên hoan phim quốc tế (LHPQT). Một lượng phim Việt đáng kể được quảng bá rình rang là đã bán được, đã công chiếu tại nước ngoài nhưng trong thực tế chủ yếu chỉ gói gọn trong những hoạt động tri ân khán giả, giao lưu văn hóa…

Con số phim được phát hành thương mại, được các nhà phát hành chuyên nghiệp và uy tín bắc nhịp cầu, thực tế, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Và phần lớn đều thuộc hai thể loại: hành động và kinh dị. Số phim hiếm hoi ấy đều được các nhà sản xuất (NSX) dám “chơi sang” mạnh tay đầu tư từ tiền kỳ tới hậu kỳ, từ mời nghệ sĩ quốc tế tham dự tới ôm phim ra nước ngoài làm dịch vụ hòa âm, kỹ xảo… để đạt chuẩn kỹ thuật cao nhất. Có thể kể tới phim hành động Lửa Phật được Grindstone Entertainment Group, Lionsgate cùng Splendid, Sonamu Pictures… mua bản quyền phát hành tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bẫy rồng được phát hành tại chín rạp và Dòng máu anh hùng phát hành dưới dạng DVD tại Mỹ… Hay phim kinh dị Chung cư ma và Ngủ với hồn ma của NSX Skyline được trình chiếu tại nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… và phát sóng trên kênh HBO châu Á. Việc đưa phim ra ngoài biên giới đã giúp những tác phẩm được đánh giá là hấp dẫn kể trên thu hồi vốn và có lãi, dù nhận được thái độ khá hờ hững của khán giả trong nước.

Sáu năm về trước, thông tin Galaxy Studio ký kết thỏa thuận hợp tác phát hành phim toàn cầu với “ông lớn” Asia Releasing LLC. có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) từng khiến giới điện ảnh trong nước nức lòng. Bởi đây là cái tên đáng gờm trong lĩnh vực phân phối phim, đặc biệt, vị giám đốc điều hành Milt Barlow đã có tới ba thập niên kinh nghiệm đưa phim châu Á trở lại với thị trường Bắc Mỹ - Australia và New Zealand. Ngày ấy, Tổng Giám đốc CTCP phim Thiên Ngân đã hồ hởi chia sẻ, “thông qua thỏa thuận này, phim Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội để vươn ra thế giới để ngày càng trở nên phổ biến và được cộng đồng quốc tế đón nhận”. Nhưng hiểu rõ phim Việt đang ở đâu trên bản đồ điện ảnh thế giới, cả hai phía đều chỉ đặt mục tiêu ban đầu hướng tới thị trường hẹp là những khu vực nước ngoài có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống.

Đó cũng là hướng đi hẹp mà NSX của Dạ cổ hoài lang, Quyên, Giấc mơ Mỹ… chọn lựa, khi tái hiện công cuộc mưu sinh nhọc nhằn và hoài vọng cố hương đau đáu của những người con xa xứ. Thế nhưng, doanh thu từ cộng đồng khán giả Việt tiềm năng này vẫn chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, trong bài toán cân đối thu chi. Thực tế phát hành cho thấy, tất cả những cái tên vừa liệt kê đều không đạt doanh thu như kỳ vọng. Ngay cả với những nhà sản xuất năng động như Tincom Media hay BHD, dù đã nỗ lực mở rộng thị trường ở cả Mỹ - Canada - Đức nhưng doanh thu - sau khi trừ quá nhiều khoản chi phí cùng tỷ lệ ăn chia với hệ thống rạp chiếu đều không bù đắp nổi khoản đầu tư tốn kém ban đầu.

Hợp tác sản xuất cũng là hướng đi khôn ngoan từng được nhiều NSX trong nước lựa chọn, với cái đích là những quốc gia thuộc châu Á vốn mang nhiều nét văn hóa và nhu cầu hưởng thụ điện ảnh tương đồng. Những cô gái và gangster 2, Yêu em từ khi nào (với Hồng Công, Trung Quốc); Lala: Hãy để anh yêu em, Sắc đẹp ngàn cân (với Hàn Quốc), Cuộc gọi định mệnh (với Mông Cổ)… đều là những dự án dự định phát hành song song tại hai thị trường, nhưng bởi tình trạng doanh thu èo uột ngay trong nước nên việc chinh phục quốc gia đối tác cũng rơi vào cảnh “bóng chim tăm cá”.

Chủ động mở cánh cửa ra thế giới

Tháng ba năm nay, Hai Phượng đã trở thành một hiện tượng, khi doanh thu 200 tỷ đồng (con số do NSX cung cấp) đã xô đổ kỷ lục phòng vé trong nước mà những phim rom-com như Cua lại vợ bầu, Em chưa 18, Em là bà nội của anh... từng dày công thiết lập. Hai Phượng cũng là bộ phim đầu tiên được phát hành cùng lúc tại cả Việt Nam và Mỹ. Ngay tại quốc gia được coi là cái nôi sản sinh hầu hết phim hành động bom tấn cho thị trường thế giới, tác phẩm của NSX Ngô Thanh Vân đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen cùng doanh thu ấn tượng. Dù ban đầu chỉ được phát hành trên diện hạn chế (gần 600 rạp) tại Bắc Mỹ, nhưng chỉ sau ba ngày cuối tuần trình chiếu, Hai Phượng (tên tiếng Anh là Furie) đã kịp đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé tại thị trường lớn nhất thế giới này. Đặc biệt, hai bài bình luận của hai cây bút phê bình hàng đầu Cary Darling và Douglas Davidson trên Houston Chronicle và Element of Madness đều cho phim điểm 4/5, với những lời khen tặng hào phóng cho hành trình tìm con của bà mẹ mặc áo bà ba đậm chất Việt. Không chỉ vậỵ, một hợp đồng phát hành có giá trị hàng triệu USD với hạ tầng xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới Netflix cũng được ký kết. Xóa đi mặc cảm về phim Việt vẫn tồn tại bấy lâu nay, Hai Phượng đã tạo nên một tiền lệ tốt, khi thúc đẩy nghệ sĩ điện ảnh trong nước có thêm động lực đi xa.

Triển vọng con đường xuất khẩu phim Việt Nam ảnh 1

Chọn hướng đi hẹp, Dạ cổ hoài lang có doanh thu không đạt như kỳ vọng. 

Thành công của Hai Phượng không phải ngẫu nhiên. NSX Ngô Thanh Vân đã từng chia sẻ rằng đạo diễn Lê Văn Kiệt và chị đều hướng tới đối tượng khán giả quốc tế ngay từ trong giai đoạn hình thành ý tưởng. Với câu chuyện đơn tuyến, kịch bản đơn giản và dễ hiểu, chủ yếu đầu tư vào những pha hành động mãn nhãn do giám đốc hành động nổi tiếng của Mỹ chỉ đạo, Hai Phượng đi theo công thức của những phim hành động hạng B, kinh phí thấp vốn rất phổ biến tại Mỹ. Vì thế, thay vì tìm kiếm ý tưởng đột phá, kịch bản phức tạp, công chúng Mỹ rất hài lòng khi được thưởng thức diễn xuất hấp dẫn trong những màn rượt đuổi, giao đấu của “đả nữ” mảnh mai này.

Mất tới bốn năm lên ý tưởng, hai năm hoàn thiện kịch bản, Hai Phượng đã ký thỏa thuận với đối tác Well Go USA Entertainment - đơn vị chuyên phát hành phim hành động bom tấn Á và Âu để mang phim tới hàng loạt bang tại Mỹ. Và phản hồi tích cực từ thị trường Mỹ giội về Việt Nam đã khiến hệ thống rạp trong nước quyết định kéo dài lịch chiếu cả tháng, thu hút đông đảo khán giả Việt nô nức đi xem. Chiến lược phát hành và quảng bá thông minh ấy đã khiến Hai Phượng có thể chưa phải là phim hành động Việt hay nhất nhưng chắc chắn là thành công nhất, tính tới thời điểm này.

Mới đây, cặp đôi đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân cũng đang xây dựng Gái già lắm chiêu 3 - Tứ đại mỹ nhân trên cơ sở đạt chuẩn trình chiếu trên Netflix. Một serie cùng tên với thời lượng 10 tập, mỗi tập 60 phút cũng sẽ có cơ hội góp mặt trên kênh này. “Chúng tôi lấy Netflix làm chuẩn, để hướng tới chủ động tìm đầu ra khi trình chiếu sản phẩm mới này trên nền tảng Netflix và các hệ thống OTT tại Việt Nam vào cuối 2019” - NSX Nam Cito cho biết. Cùng ký được hợp đồng phát hành trên mọi nền tảng số của kênh này còn có Trúng số - một phim hài duyên dáng đậm phong vị văn hóa Nam Bộ của đạo diễn Dustin Nguyễn.

Một tín hiệu tích cực, khi giờ đây, NSX Ngô Thanh Vân không còn lẻ loi trên hành trình chủ động đưa hình ảnh Việt Nam, thông qua phim ảnh vươn ra ngoài biên giới. Tuy mới chỉ dừng lại ở những nỗ lực ban đầu mang nặng tính cá nhân, nhưng thái độ chủ động này cho thấy tiềm năng cho hướng đi mới của điện ảnh Việt, trong một tương lai gần.

Nhiều người đi, con đường sẽ thành hình. Mong thế và cũng hy vọng thế!