Tránh “tư nhân hóa” bệnh viện công

Chung quanh vấn đề phải làm gì để tránh tình trạng lạm dụng danh nghĩa xã hội hóa y tế, nhằm hưởng lợi của một số cơ sở y tế? Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến (trong ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tránh “tư nhân hóa” bệnh viện công

- Ông nhìn nhận như thế nào về việc triển khai xã hội hóa y tế trong giai đoạn vừa qua? 

- Dù không thể phủ nhận một số lợi ích nhất định của xã hội hóa y tế, song vẫn phải nhìn thẳng vào thực trạng, vẫn còn  tồn tại “ung nhọt” trong quá trình thực thi. Đó là nhiều cơ sở đã quá lạm dụng các chỉ định chụp chiếu, kỹ thuật cao, thu phí dịch vụ cao để hưởng lợi. Có những lãnh đạo bệnh viện có xu hướng chỉ quan tâm đến khoa, lĩnh vực mang lại nguồn thu hoặc tập trung kinh phí và nhân lực vốn đã hạn hẹp để phát triển dịch vụ theo yêu cầu, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao nhưng năng lực, trình độ chuyên môn không tương xứng, nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật từ các trang thiết bị xã hội hóa để tận thu, gây thiệt hại cho người bệnh. Một số bệnh viện mở ra khoa khám, chữa bệnh tự nguyện có trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt hơn nhưng chi phí rất cao, dịch vụ không được cải thiện nhiều.

Việc quản lý chưa hiệu quả các đề án liên doanh cũng tạo ra một số thách thức, dấy lên quan ngại về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn đối tác tư nhân, tính cạnh tranh trong đấu thầu tài sản và tính hiệu quả khi thẩm định kế hoạch tài chính. Và hệ quả, sau gần 20 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong y tế, mặc dù nhà nước đã miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi và các đối tượng chính sách bảo trợ xã hội nhưng tiền túi của người dân chi trả cho viện phí vẫn rất cao, lên tới gần 40%. Đây là vấn đề đáng phải suy ngẫm.

- Hiện nay nhiều cơ sở y tế công lập ngoài việc liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài còn cho phép cán bộ nhân viên của mình góp vốn đầu tư thiết bị y tế để hưởng lợi? 

- Đã là bệnh viện công thì dùng ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương để trang bị cho các bệnh viện. Nếu bệnh viện công có tồn tại hình thức xã hội hóa để các bác sĩ góp vốn mua thiết bị y tế làm dịch vụ thì rất dễ xảy ra tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong điều trị. Bên cạnh đó, còn có nhiều bác sĩ có thể bắt tay với các nhà thuốc để hưởng hoa hồng do vậy khi kê đơn, đáng lẽ ra bệnh chỉ cần khoảng ba tới năm loại thuốc song lại kê tới cả chục loại, hậu quả là bệnh nhân phải chi trả một khoản kinh phí rất lớn không thật sự cần thiết. Chưa kể, khi các bệnh viện lạm dụng việc liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để lắp đặt các loại máy chụp chiếu, xét nghiệm một cách vô tội vạ không khác nào việc tận dụng tài nguyên sẵn có của nhà nước là cơ sở vật chất, đất đai để một số đối tượng hưởng lợi.

Đây là hình thức “thương mại hóa”, trục lợi trên nỗi đau, bệnh tật của người bệnh, “tư nhân hóa” bệnh viện công mà lợi ích không thuộc về số đông, đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước là bệnh viện công là nơi phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân.

- Theo nhìn nhận của ông, cần phải làm gì để hạn chế mặt tiêu cực trong thực thi xã hội hóa ngành y tế?

- Y tế Việt Nam cần có một chính sách xã hội hóa đúng đắn sao cho ngành y vẫn phát triển tốt về mặt chuyên môn kỹ thuật, người nghèo được hưởng lợi từ sự phát triển ấy, chứ không phải bị thiệt thòi. Giảm hạn chế của chính sách xã hội hóa y tế cần minh bạch, tránh mập mờ lẫn lộn giữa y tế công và y tế tư nhân. Chúng ta khuyến khích xã hội hóa y tế, nhưng phải ngoài khuôn viên của bệnh viện công, không thể có chuyện người nghèo khi tới bệnh viện công mà bị phân biệt đối xử. Bệnh nhân có điều kiện chi trả có thể tới các bệnh viện tư nhân với mức chi phí cao hơn để được chăm sóc.

Về phía bảo hiểm y tế (BHYT) công phải thay đổi cách chi trả. Cách tốt nhất là chi trả theo chuẩn. Chuẩn do Bộ Y tế ban hành, đối với từng loại bệnh, từng phương pháp điều trị thì tổng chi phí là bao nhiêu, BHYT phải bảo đảm chi trả theo mức chuẩn đó. Việc BHYT công dùng nguồn tiền thu được đầu tư sinh lời cũng phải được quy định, bắt buộc phải đầu tư vào y tế, vào ngay các bệnh viện mà BHYT đang chi trả.

Điều quan trọng, cơ quan quản lý là Bộ Y tế cần thể hiện rõ vai trò của mình trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm nếu có của các cơ sở y tế khi tiến hành hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác với các đối tác bên ngoài. Bản thân ngành Y tế cũng phải xóa đi sự phân tuyến bất hợp lý như hiện nay. Ngoài y tế gia đình là nơi khám, chữa bệnh ban đầu, các bệnh viện phải được đánh giá dựa trên khả năng nhân lực, vật lực chứ không bị ép vào hệ thống phân tuyến.

- Xin cảm ơn ông!