Tránh bẫy “dân chủ hình thức”

Làm sao đánh giá đúng, thực chất cán bộ? Làm sao để những quy định chặt chẽ trong công tác cán bộ (CTCB) được thực thi một cách thực chất, tránh trở thành công cụ thực hiện ý chí của cá nhân người lãnh đạo? Hàng loạt vấn đề nóng được ông Lê Văn Thái (ảnh bên), nguyên Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, mổ xẻ cùng báo Nhân Dân cuối tuần.

Tránh bẫy “dân chủ hình thức”

- Theo nhìn nhận của ông, đâu là vấn đề mấu chốt cần đổi mới trong CTCB hiện nay?

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã nêu toàn diện và những điểm mấu chốt cần đổi mới trong CTCB hiện nay. Trong đó một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao để đánh giá được đúng, thực chất về cán bộ.

Vấn đề quan trọng để thực hiện Nghị quyết bây giờ là các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết và các quy định của Trung ương về CTCB tại cơ quan, đơn vị trong phạm vi lãnh đạo của mình. Việc cụ thể hóa nghị quyết phải phù hợp đặc điểm của cơ quan đơn vị nhưng phải bảo đảm tính thống nhất chỉ đạo của Trung ương, tính liên thông của cấp trên và cấp dưới, giữa cơ quan Ðảng và cơ quan Nhà nước, các đoàn thể. Trong thực hiện cần tạo cho được môi trường thật sự dân chủ trong mỗi cơ quan, cấp ủy, đồng thời tính chiến đấu của mỗi tổ chức Ðảng cũng phải được nâng lên.

- Làm sao để nguyên tắc tập trung dân chủ không biến tướng thành dân chủ hình thức, thưa ông?

- Quy trình CTCB của chúng ta hiện nay là rất chặt chẽ. Nhưng vấn đề cần quan tâm là tính thực chất của mỗi công đoạn trong quy trình đó. Cũng là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng không cẩn thận sẽ là dân chủ hình thức. Trong một cuộc họp, liệu các thành viên có được thông tin đầy đủ không, có được bàn bạc thật sự dân chủ không, từng thành viên có thật sự đủ bản lĩnh không? Cho nên có một thực trạng là đôi khi, cũng đã từng xảy ra ở một số cơ quan đơn vị cụ thể, có những quyết định sai cả trong CTCB và một số quyết định quan trọng vì cuộc họp mang tính chất hợp lý hóa ý chí của người lãnh đạo.

- Những "đại án" xảy ra tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã cho thấy những bất cập trong công tác Ðảng, CTCB tại khối doanh nghiệp (DN) này. Sẽ phải làm gì để "không bị mất cán bộ quản lý" một cách đáng tiếc nữa, thưa ông?

- Tôi nghĩ, trước hết phải làm rõ hơn nữa vai trò cấp ủy, tổ chức Ðảng trong DN, trong đó có vai trò về CTCB. Ðối với các đồng chí lãnh đạo DNNN, phần lớn do cấp trên quản lý. Vì vậy phải làm rõ vai trò trách nhiệm cấp trên trong công tác bổ nhiệm, quản lý cán bộ tại DN. Ðồng thời làm rõ vai trò trách nhiệm cấp ủy, tổ chức Ðảng trong công tác bổ nhiệm cán bộ trong DN, đặc biệt là vai trò trong việc quản lý, đánh giá đảng viên là cán bộ lãnh đạo quản lý.

Có thể nói ở cấp chiến lược, ta đã hoàn thiện, ban hành nhiều văn bản, quy định, quy chế liên quan CTCB; song cái khó, cái vướng mắc lại nằm ở quá trình thực hiện. Trong công tác tổ chức cần có tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cần có sự ổn định tương đối về tổ chức, tránh lạm dụng thí điểm.

- Ông nhìn nhận thế nào về công tác đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ hiện nay, thưa ông?

- Trong công tác luân chuyển cán bộ, chúng ta mới chỉ chú ý đến lợi ích được rèn luyện của bản thân cán bộ được luân chuyển; chứ chưa quan tâm đến lợi ích của địa phương mà cán bộ đó đến công tác. Câu hỏi đặt ra là, có thật sự địa phương ấy có lợi ích không? Ta nhớ lại trước đây, có thời kỳ đưa cán bộ đi "hạ phóng" (đưa cán bộ về cơ sở) thì chính là vì lợi ích của địa phương, thường có câu "cán bộ nào, phong trào ấy". Kết quả là khi đưa cán bộ từ cấp trên xuống đã tạo ra sự chuyển biến tích cực của địa phương, đơn vị.

- Chắc hẳn đổi mới CTCB sẽ phải đi cùng với cơ chế kiểm soát quyền lực…?

- Ðúng vậy. Về đổi mới CTCB gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực thì Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã nêu rõ, thể hiện đầy đủ ở ba giai đoạn quan trọng trong CTCB: đánh giá trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm theo quy trình và kiểm tra giám sát quản lý cán bộ sau khi bổ nhiệm. Trong việc bổ nhiệm một cán bộ cụ thể có hai nhóm chủ thể quan trọng tham gia. Một là, chủ thể có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm cán bộ cần phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình, biết lắng nghe, công tâm và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Hai là các chủ thể (bao gồm cá nhân, tổ chức…) tham gia quy trình bổ nhiệm cán bộ phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, không bị chi phối bởi các quan hệ khác, đồng thời tránh khuynh hướng thờ ơ, tham gia không thực chất vì cho rằng cuối cùng vẫn phụ thuộc vào người quyết định.

- Trân trọng cảm ơn ông!