Tinh thần doanh nhân Việt Nam

Trong huyết quản của nhiều lớp doanh nhân Việt Nam, tinh thần kinh doanh lập nghiệp vẫn luôn sôi nổi, dù có lúc lặng lẽ, bền bỉ, nhẫn nại vượt khó, có lúc tưng bừng "trăm hoa đua nở".

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

Một chiến thắng vẻ vang

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư công bố tháng 7 vừa qua, số lượng doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, DN thành lập mới đang tăng lên nhanh chóng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cả nước và các địa phương. Tại thời điểm ngày 31-12-2018, số DN đang hoạt động cả nước đã đạt gần 715.000 DN.

Nhưng nhìn lại cả quá trình lịch sử của dân tộc, ngay cả những lúc khó khăn nhất, nhiều doanh nhân Việt Nam vẫn bền chí lớn, chấp nhận "thương trường như chiến trường". Trong số những con người đáng nể trọng ấy, không thể không kể đến doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, tự mày mò học hỏi, Bạch Thái Bưởi dường như đã có bước chuyển quan trọng về chiến lược kinh doanh sau khi được chủ hãng buôn mà ông làm thuê gửi sang Pháp dự Hội chợ ở Bordeaux. Từng bước, từng bước, bắt đầu từ việc thầu cung cấp tà-vẹt cho tuyến đường sắt Hải Phòng-Vân Nam, ông tiếp tục mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác. Ðội tàu của ông mang những tên hiệu gắn với niềm tự hào lịch sử dân tộc như Khoái Tử Long, Ðinh Tiên Hoàng, Bạch Ðằng... đã vươn ra các tuyến đường vùng duyên hải, đến cả một số bến cảng lân cận tại Hồng Công (Trung Quốc), Xin-ga-po... Bạch Thái Bưởi còn xây dựng một xí nghiệp đóng tàu ở Cửa Cấm (Hải Phòng).

Năm 1919, "Giang Hải Luân Thuyền Bạch Thái Công ty" với lá cờ hiệu mầu vàng in hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ tượng trưng cho ba kỳ Trung-Nam-Bắc, đã tự đóng và cho hạ thủy chiếc tàu biển 600 tấn mang tên "Bình Chuẩn", đi từ cảng Hải Phòng vào đến cảng Sài Gòn, trở thành một sự kiện lớn, biểu tượng cho chí làm giàu và sự thành đạt của các DN Việt Nam thời đó. Vào thời phát đạt nhất, DN của Bạch Thái Bưởi có một đội tàu tới 40 chiếc. Nhà máy đóng tàu ở Cửa Cấm (Hải Phòng) có tới 900 công nhân… Ông không ngần ngại mở rộng kinh doanh sang một số lĩnh vực khác như khai thác mỏ than, bất động sản, cầm đồ, in ấn, xuất bản và ra tờ Khai hóa nhật báo, vốn bị độc chiếm bởi người Pháp và người Hoa. Cạnh tranh trực diện với DN nước ngoài, và cả những DN Pháp được sự hậu thuẫn của chính quyền thực dân, lẫn những DN Hoa nổi tiếng lọc lõi lại lắm tiền nhiều của; câu nói ưa thích của Bạch Thái Bưởi là: "Chiến thắng không hiểm nguy là chiến thắng không vẻ vang".

Không chỉ giỏi kinh doanh, Bạch Thái Bưởi còn đầy tự tin tham gia vào chính trường (trở thành thành viên các hội đồng dân biểu và kinh tế). Dù có lúc bị chèn ép đến mức đứng trước nguy cơ phá sản, ông quyết không nản lòng. Tiếc rằng, cái chết đột ngột của ông vào ngày 22-7-1932 đã chấm dứt sự nghiệp của một nhân vật có tiếng trong lịch sử.

Làm giàu đĩnh đạc, đàng hoàng, chắc chắn

Tháng 5-2019, cụ Ðỗ Thế Sử, một doanh nhân kỳ cựu đã qua đời. Nhưng sự ra đi của cụ ở tuổi 97, có thể nói là thật trọn vẹn, không nhuốm mầu sắc bi thương như của doanh nhân Bạch Thái Bưởi năm nào.

Là cha của 11 người con thành đạt, trong đó có nhiều doanh nhân tên tuổi, cụ Ðỗ Thế Sử từng là đại biểu HÐND khóa đầu tiên của tỉnh Sơn Tây, Tổng Biên tập báo Sơn Tây. Tuy hoàn toàn có thể bước tiếp con đường chính trị, nhưng cụ Ðỗ Thế Sử, với gen kinh doanh được truyền từ người mẹ giỏi giang đảm khéo của mình, đã dứt khoát nghỉ việc, bước ra thương trường lập nghiệp đúng vào lúc số phận buộc cụ phải "gà trống nuôi con".

Thành lập Hợp tác xã (HTX) thủ công chuyên làm văn phòng phẩm, cụ Sử "ngày đi làm hợp tác, tối dạy con học, đêm ngủ thường phải soi đèn đếm chân xem có đủ chín đứa con không". Vậy mà cụ Sử còn theo học tại chức ở Trường đại học Bách khoa Hà Nội, mở rộng sản xuất của HTX, trong đó có sản phẩm "gang dẻo tâm đen" đòi hỏi kỹ thuật cao, rất nổi tiếng thời đó; tiếp tục học tiếng Anh (dù trước đó đã sử dụng thành thạo tiếng Pháp). Chuẩn bị bước sang tuổi 90, cụ vẫn mua sách tiếng Trung về tự học…

Ðặc biệt, có lẽ thành công lớn nhất của cụ Ðỗ Thế Sử là nuôi dạy được tất cả con cái phương trưởng, nhiều người là doanh nhân nổi tiếng thành đạt. Trong đó, người con thứ ba là ông Ðỗ Minh Phú, người sáng lập Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji. Ông Phú cùng người em trai Ðỗ Anh Tú còn tạo dựng thành công thương hiệu Diana và bán cho công ty Nhật Bản với mức giá được coi là "đỉnh cao" M&A (mua bán và sáp nhập) tại thời điểm đó. Anh em ông Phú và Tập đoàn Doji sau đó mua lại số cổ phần chi phối tại Tienphong Bank (nay là TPBank) và một số DN khác… Không chỉ có các ông Ðỗ Minh Phú, Ðỗ Anh Tú, mà tất thảy 22 con (gồm cả dâu, và rể), 37 cháu và 25 chắt của cụ Sử đều là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên; gần chục người là GS, PGS, TS. Trong những điều mà doanh nhân Ðỗ Thế Sử thường xuyên căn dặn các con, có phương châm ngắn gọn, đầy ý nghĩa mà ông thấm thía từ chính mẹ mình: "Làm giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn".

Dĩ nhiên, thương trường ngày nay đã rất khác thời của các bậc tiền bối Bạch Thái Bưởi và Ðỗ Thế Sử. Cơ hội rộng mở hơn rất nhiều, đi kèm với những rủi ro cũng lớn hơn và đa dạng hơn nhiều. Nhưng, nói như danh tướng, doanh nhân Trần Khánh Dư-một người được lịch sử ghi nhận công lao - thì: "Người giỏi cầm quân không cần phải bày trận, người giỏi bày trận thì không phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết".

Câu tổng kết nghệ thuật chiến tranh này (là lời tựa mà Trần Khánh Dư viết cho "giáo trình quân sự" Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn) cũng có phần chính xác đối với cả những người làm kinh doanh.

Chẳng phải thương trường như chiến trường hay sao?!

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, ba năm qua, số DN thành lập mới mỗi năm đều hơn 100 nghìn DN, cao nhất từ trước đến nay. Trong bảy tháng năm 2019, tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 103.600 DN (tăng 9,6% so cùng kỳ năm 2018). Có lẽ chưa bao giờ môi trường kinh doanh lại sôi động đến thế.