Tìm lại bình yên

Có rất nhiều lý do khiến những người phụ nữ bị chính người chồng của mình bạo hành không dám chia sẻ nỗi đau, kể cả với người thân trong gia đình. Và khi cảm thấy bế tắc, bị dồn đến đường cùng, nhiều trong số những người phụ nữ bất hạnh ấy lại tìm được sự bảo vệ bởi vòng tay của những người xa lạ.
Hoạt cảnh tuyên truyền “Chung tay xóa bỏ định kiến giới” của sinh viên Thủ đô Hà Nội. Ảnh: ANH SƠN
Hoạt cảnh tuyên truyền “Chung tay xóa bỏ định kiến giới” của sinh viên Thủ đô Hà Nội. Ảnh: ANH SƠN

Nơi bình yên tan vỡ

“Tôi bị bạo hành bởi chính người chồng của mình suốt sáu năm” - chị N.T.H (29 tuổi, kinh doanh tự do) bình thản kể với tôi, như thể đó chỉ là một chuyện nhỏ. Nhưng phía sau sự bình tĩnh ấy, là một cuộc trốn chạy được manh nha từ rất lâu. Chị H hiện là người tạm trú (NTT) tại Ngôi nhà Bình yên (NBY) - một địa chỉ an toàn dành cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo hành, được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) thành lập.

Sáu năm hôn nhân, chị H cùng chồng có hai người con: một bé trai sáu tuổi và một bé gái bốn tuổi. Hằng ngày, chị H tự kinh doanh tại nhà, vừa chăm lo nhà cửa, vừa tạo thêm thu nhập. Tưởng chừng như đó là mô hình gia đình hạnh phúc kiểu mẫu. Nhưng chồng chị mắc nghiện, mỗi khi anh ta lên cơn “vật thuốc” là lại đòi tiền để mua thuốc. Chị không chịu: “Tiền tôi kiếm được còn phải nuôi con!”. Thế là chị bị đánh: “Đầu tiên anh ta đập vỡ đồ đạc, sau đó là ném đồ về phía tôi và các con, tôi tránh được thì anh ta lao vào đánh”. Bầm tím là chuyện thường, nặng đến nhập viện cũng không ít, thậm chí cả khi chị đang mang thai anh ta cũng không tha.

Không chỉ bạo hành thể xác, nhiều người phụ nữ Việt Nam còn phải chịu đựng một hình thức bạo lực khác mà họ không hề biết: Bạo lực kinh tế. Chiếm đoạt những khoản thu nhập, tiền tiết kiệm của vợ và từ chối đưa tiền cho vợ để trang trải các chi phí chung trong gia đình, ngay cả khi anh ta vẫn có tiền để tiêu vào những mục đích khác… đều là những hành động bị coi là bạo lực kinh tế.

Thực tế, hầu hết các nạn nhân của bạo lực gia đình đều phải gánh chịu đồng thời hai đến ba loại hình: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, và bạo lực kinh tế.

Nhiều người sẽ hỏi: Khổ như thế sao không ly hôn, sao không bỏ đi? Hầu hết họ sẽ nghĩ như chị H: “Vì con và vì bố tôi. Sẽ ra sao khi bố tôi biết rằng hóa ra con gái mình có cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Còn con tôi sẽ phải lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Rồi mọi người sẽ dị nghị và thương hại chúng”.

Phải đến tháng 7 năm nay, các con của chị H bị chính bố của chúng đánh ngày một nhiều, người bố mà chị kính trọng từ trần, chị mới quyết tâm ra đi, mang theo con chạy trốn. “Hình như bố mất cũng là một may mắn, nhờ thế tôi mới thoát khỏi địa ngục”, nghe mới khôi hài và tuyệt vọng làm sao.

Nhưng chạy khỏi địa ngục thì phải đi đâu? Trước đó, trong nhiều lần cãi vã chị H đã đòi ly hôn, và đi khỏi nhà, thế nhưng: “Anh ta là dân giang hồ, tôi mới đi anh ta đã nhờ “anh em” tìm bắt tôi về, nên tôi không dám về nhà mẹ, cũng chẳng dám đến nhà người quen, sợ liên lụy mọi người”. May thay đến lần này, chị H nhờ có sự tư vấn từ một khách hàng quen thân trước đó mới biết tới NBY - nơi có thể mang đến cho chị sự an toàn.

Không để ai đơn độc

NTT tìm đến được với NBY chủ yếu theo ba phương thức: tự bản thân tìm đến, người quen giới thiệu và cán bộ phụ trách tại địa phương gợi ý. NTT sẽ được tham vấn ban đầu tại Phòng Tham vấn, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, sau đó, theo nguyện vọng và mức độ bạo lực, nhân viên tại đây sẽ làm hồ sơ tạm trú cho NTT. Địa chỉ NBY hoàn toàn được bảo mật nhằm bảo đảm an toàn cho NTT. Bất cứ ai muốn đến NBY để làm việc, thực tập hay làm tình nguyện đều phải ký một bản cam kết bảo mật những thông tin liên quan sự an toàn của NBY và cá nhân NTT.

Hiện nay, tại NBY có ba nhân viên xã hội, hai quản gia và ba bảo vệ thay phiên nhau trực. Mỗi NTT đều được bảo đảm nơi ở an toàn, với đầy đủ các nhu cầu thiết yếu, dịch vụ y tế, tham vấn tâm lý, pháp luật. Ở đây mọi người sinh hoạt tập thể, ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau, tâm sự và an ủi nhau, coi nhau như người một nhà. Các em nhỏ theo mẹ tới NBY thì được bà Nga, một trong hai người quản gia, đưa đi học, bởi việc học của các em luôn được ưu tiên.

Trong thời gian ở tại NBY, NTT còn được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm để họ bảo đảm cuộc sống sau khi hồi gia.

Tính đến đầu tháng 11-2019, sau hơn mười năm hoạt động, NBY đã tham vấn cho 8.005 trường hợp, 10.588 lượt tham vấn, 1.240 NTT đã được hỗ trợ. Đó mới chỉ là một con số rất nhỏ so với số liệu thống kê các vụ việc bạo lực đã được ghi nhận. Cùng với mô hình này, trên cả nước, nhiều mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng đã được thành lập, với chức năng, nhiệm vụ tương tự. Nhưng vẫn còn rất nhiều nạn nhân chỉ biết trình báo đến công an hoặc tổ dân phố, sau đó mới biết đến NBY, hay Địa chỉ tin cậy.

Theo bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, để hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình một cách hiệu quả, rất cần sự kết hợp chặt chẽ từ nhiều ban, ngành. Trung tâm sẽ cố gắng phát triển, hoàn thiện mô hình NBY. Đồng thời chú trọng truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về bạo lực gia đình. Cụ thể, Chiến dịch Ruy-băng trắng lần thứ năm được khởi động với nhiều hoạt động từ đầu tháng 11-2019, hướng đến mục tiêu bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước các hành vi bạo lực, để họ không còn đơn độc.