Góc nhìn

Tiêu chí "hai ít - ba cao"

Giai đoạn 2011 - 2020, Bắc Giang được Thủ tướng đồng ý cho phép thành lập sáu khu công nghiệp (KCN) với diện tích 1.462 ha. Ðến nay, năm KCN đã lấp đầy và tỷ lệ lấp đầy hơn 85%. Chính vì vậy, dư địa để phát triển công nghiệp trong năm nay cơ bản gần như chỉ còn 100 ha đất công nghiệp. Hiện Bắc Giang đã xin phép Chính phủ cho thành lập thêm hai KCN mới có diện tích hơn 1.300 ha. Nếu được chấp thuận, cuối năm 2020, Bắc Giang sẽ có thêm hơn 1.300 ha đất công nghiệp để hình thành các KCN phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái

Khi quỹ đất công nghiệp ngày càng hạn chế, Bắc Giang định hướng trong lựa chọn các doanh nghiệp (DN) tại các KCN theo năm tiêu chí, gói gọn trong hai cụm từ "hai ít - ba cao". Cụ thể,cần lựa chọn các DN có nhu cầu sử dụng ít đất và ít nguồn lao động (ít lao động nhưng phải chất lượng cao để bảo đảm năng lực sản xuất). Ngoài ra, ba cao là DN công nghệ cao, có suất đầu tư cao vào các KCN và số nộp ngân sách cao cho địa phương và quốc gia. Thu hút FDI phải chặt chẽ hơn để chọn lọc DN có chất lượng. Thực tế đã chứng minh, không thể vì mọi giá mà phát triển nhanh cũng như không vì mục tiêu phát triển mà bỏ qua vấn đề môi trường.

 

Tiêu chí "hai ít - ba cao" ảnh 1

Chuyên gia kinh tế, GS Võ Ðại Lược:

Quan trọng nhất là chính sách phù hợp

Việt Nam cần có chính sách và cơ chế rõ ràng trong việc tiếp nhận những dòng vốn từ nước ngoài. Chúng ta không ưu đãi theo kiểu "dàn hàng ngang" với tất cả các dự án FDI. Chỉ dành ưu đãi thu hút những DN nào đem công nghệ tốt vào Việt Nam, cam kết chuyển giao công nghệ. Ðây là cách Singapore đã thực hiện và Việt Nam nên học tập để không "bóp chết" DN sản xuất trong nước mà vẫn thu hút được dòng vốn chất lượng cao.

Mặt khác, cũng cần tỉnh táo nhìn nhận rằng, không chỉ chúng ta có quyền lựa chọn dòng vốn FDI mà chính các nhà đầu tư có chất lượng cao từ nước ngoài cũng có quyền lựa chọn Việt Nam hay không. Do vậy, chúng ta cần đưa ra được những lợi thế cạnh tranh để chứng minh cho nhà đầu tư nước ngoài thấy lựa chọn Việt Nam là đúng đắn. Muốn vậy phải có được chính sách phù hợp để giải quyết một số vấn đề như: Xây dựng kết cấu hạ tầng cần thiết; tạo điều kiện về địa điểm, đất đai, cung cấp được nguồn lao động đạt tiêu chuẩn... cho nhà đầu tư. Nếu vẫn tiếp tục chính sách hiện nay là để tỉnh, thành phố toàn quyền quyết định thu hút FDI sẽ lại xảy ra tình trạng địa phương đua nhau trải thảm đỏ ưu đãi, kéo theo tiêu cực đi kèm, chưa kể chất lượng FDI và công nghệ cũng là một trong những hệ lụy.

Tiêu chí "hai ít - ba cao" ảnh 2

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam:

Ðiểm đến hứa hẹn

Ðại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Ðông - Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai. Ngay từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu, tôi đã nhìn nhận, Việt Nam luôn là một điểm đến đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam.

Tôi cho rằng, diện tích đất công nghiệp sẽ cần tăng thêm để đón đầu xu hướng nhưng cùng với tăng trưởng nguồn cung, Việt Nam cần cải thiện nhiều yếu tố để thu hút thêm nhà đầu tư. Ðơn cử như vấn đề về cơ sở hạ tầng. Ðây là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp. Dù giá đất công nghiệp tăng nhưng tốc độ phát triển logistics/cơ sở hạ tầng lại không tương ứng thì sẽ vẫn không thể đưa BÐSCN tăng trưởng như mong muốn.

Hiện tại, mức chi tiêu cơ sở hạ tầng của Việt Nam tương đối cao so các nước trong khu vực. Ðây là vấn đề cần nhanh chóng tìm ra giải pháp. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng hơn vào việc phát triển hệ thống đường cao tốc, mạng lưới tiện ích và năng lượng tái tạo.

Quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam cũng còn cần được cải thiện. Chi phí giao dịch qua biên giới của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, với chi phí tuân thủ tài liệu chiếm tới 30% trong tổng phí giao dịch biên giới, so với chỉ 10-15% ở các nước phát triển như Singapore.

Dù cơ hội của Việt Nam là khá lớn nhưng để thu hút các DN theo hướng hiệu quả và dài hạn, chú trọng vào DN công nghệ cao, các chủ đầu tư KCN cần lưu ý đến những vấn đề trên.