Tiếp cận thị trường hơn 1,4 tỷ dân

Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản lớn của Việt Nam, song kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường tiềm năng đó trong bảy tháng vừa qua đã giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Làm sao để thích ứng được với những thay đổi trong chính sách xuất, nhập khẩu của nước này là câu hỏi cần sớm có lời giải.

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có mặt tại Hội chợ Trung Quốc-ASEAN được tổ chức từ ngày 20 đến 21-9-2019.
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có mặt tại Hội chợ Trung Quốc-ASEAN được tổ chức từ ngày 20 đến 21-9-2019.

Thay đổi hay tụt hậu

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD (giảm 7,9% so cùng kỳ năm trước). Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản (NTS), các hoạt động ở thị trường quan trọng nhất đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.

Lý giải về sự sụt giảm này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Trong thời gian qua, Trung Quốc đã và đang chuyển mạnh từ chỗ tổng hợp nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành một hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch (từ ngày 1-6-2019). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung chấn hưng lại ngành nông nghiệp của mình. Một mặt, Trung Quốc tổ chức lại bộ máy quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo ngành dọc, mặt khác siết chặt các chính sách thương mại, tăng cường giám sát hoạt động nhập khẩu NTS trên tuyến biên giới đất liền. Các tiêu chí nhập khẩu được đặt ra theo hướng nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhất là gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất, nhập khẩu của Trung Quốc, thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 1-10-2019.

Phân tích về sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu còn phải tính đến những tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến cho Trung Quốc giảm lượng xuất khẩu sang Mỹ. Với hiện trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp cộng với chính sách thúc đẩy tự sản xuất trong nước nhiều loại nông sản, nhu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam của thị trường này giảm sút. Thêm nữa, nhân dân tệ đang giảm giá so đồng Việt Nam khiến hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc khó có khả năng cạnh tranh về giá...

Trong bối cảnh thị trường như vậy, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và cơ sở sản xuất của chúng ta dường như chưa kịp thay đổi nhận thức cũng như phương thức kinh doanh, để bảo đảm đáp ứng được các đòi hỏi ngày một cao hơn từ thị trường xuất khẩu. Nhiều DN nhỏ vốn quen xuất khẩu tiểu ngạch, thiếu thông tin về những quy định xuất khẩu qua đường chính ngạch nên bị bất ngờ, không kịp xoay trở. Có DN xuất khẩu không nắm rõ quy định này nên không đưa được hàng vào Trung Quốc. Đơn cử như mặt hàng mực khô không xuất được, vì không có trong danh mục sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch, kết quả bị giảm 80%... “Lúc này, các DN Việt Nam cần phải thay đổi tư duy sản xuất và kinh doanh, làm ăn bài bản hơn chứ không thể trông chờ vào sự “dễ tính” của thị trường này nữa” - một chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Chiến lược thích nghi

Nhìn nhận thẳng thắn về nguyên nhân suy giảm kim ngạch xuất khẩu, nguyên Viện trưởng Chính sách, Chiến lược NN&PTNT, ông Đặng Kim Sơn cho rằng: Khách quan chỉ là một phần, còn điểm chính vẫn là do chủ quan. Bởi, công tác mở cửa thị trường mặc dù đã làm nhưng chưa đẩy nhanh được tốc độ nên các sản phẩm NTS xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc vẫn còn chậm. Mặt khác, do tập quán kinh doanh của ta còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp nên các mặt hàng NTS chưa vượt qua được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững…

Xu thế của các thị trường rồi sẽ khó khăn, song hoạt động xuất khẩu NTS sang thị trường Trung Quốc sẽ chuyển dịch dần sang hình thức giao dịch thương mại quốc tế, bền vững và ổn định hơn. Vì vậy, DN, cơ quan quản lý nhà nước phải sớm có lộ trình điều chỉnh, thay đổi để phù hợp tình hình mới. Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp để định vị lại, sao cho đúng với thực tiễn thương mại quốc tế, từ đó đi đến các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu, tạo nên thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp, từng bước giải quyết câu chuyện “được mùa, mất giá” của nông sản lâu nay”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định: Các hoạt động xuất khẩu NTS sang Trung Quốc cần phải chú trọng về quy hoạch, cơ cấu. Đồng thời coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng NTS nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần thông tin kịp thời và định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các DN trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.

Đi vào cụ thể hơn, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) khuyến nghị, các DN cần chú trọng sản xuất theo quy hoạch, căn cứ theo nhu cầu, dung lượng thị trường và mùa vụ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình “Xúc tiến thương mại quốc gia” tại thị trường Trung Quốc, đồng thời xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại thị trường này. Tập trung xuất khẩu chính ngạch giúp DN thích nghi với quy định mới, giảm rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, độ an toàn, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng đầy đủ quy định về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhà xưởng, vùng trồng…

Với quy mô dân số đứng đầu thế giới, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu tiềm năng lớn của Việt Nam. Những thay đổi trong chính sách nhập khẩu sẽ tạo nên những khó khăn, thách thức cho xuất khẩu NTS của Việt Nam. Nhưng trong “nguy” có “cơ”, vấn đề còn lại là chúng ta cần sớm thích nghi, chuyển đổi để tiếp tục nắm bắt được cơ hội.