Tiến hành đồng bộ, hiệu quả

Trước rất nhiều băn khoăn, cảnh báo từ các chuyên gia giáo dục về phương thức triển khai Khung trình độ quốc gia, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS,TS Nguyễn Thu Thủy (ảnh bên), Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) quanh vấn đề này.

Tiến hành đồng bộ, hiệu quả

- Thưa bà, việc triển khai Khung trình độ quốc gia ở thời điểm hiện nay sẽ tác động như thế nào tới giáo dục đại học Việt Nam?

- Như chúng ta biết, chuẩn đầu ra của một ngành học, môn học được ghi rõ trong Cẩm nang sinh viên của mỗi cơ sở giáo dục đào tạo và sinh viên tốt nghiệp phải đạt được sau quá trình học tập. Chuẩn đầu ra của một trình độ (để lấy bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ) thuộc một ngành học (kế toán, cơ khí, xây dựng…) gồm có chuẩn đầu ra của tất cả các môn học trong chương trình đào tạo ở bậc học (hay trình độ) ấy.

Triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) sẽ nhằm đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam phù hợp với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Cùng với đó, sẽ mở rộng cơ hội hội nhập với cộng đồng đại học khu vực và thế giới; tạo ra cơ chế liên thông và hình thành hệ thống giáo dục mở.

Trong khi đó, đối với người học, nắm được họ sẽ có thể làm được gì sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở một trình độ. Còn đối với doanh nghiệp, họ có được thông tin rõ ràng về các loại nhân lực mà họ cần sử dụng. Triển khai chuẩn chương trình sẽ hỗ trợ việc công nhận văn bằng, so sánh văn bằng; giúp tăng cường di chuyển nhân lực giữa các quốc gia.

- Có ý kiến cho rằng, việc ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam có thể sẽ làm giảm sự tự chủ của các trường đại học?

- Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ phát triển chương trình đào tạo. Nhưng Luật Giáo dục đại học cũng quy định các cơ sở giáo dục đại học phát triển chương trình đào tạo phải dựa trên chuẩn chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành. Do đó, chương trình đào tạo do các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ phát triển phải phù hợp với các chuẩn mực tối thiểu theo quy định của chuẩn chương trình do cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đại học ban hành theo quy định của Luật Giáo dục đại học và phải phù hợp với Khung trình độ quốc gia theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Như vậy, tôi nghĩ, việc ban hành và thực hiện triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam không làm giảm sự tự chủ của các trường. Mà việc này chính là nhằm thiết lập cơ chế bảo đảm chất lượng đào tạo, tạo sự công nhận lẫn nhau giữa các loại nhân lực được đào tạo tại Việt Nam và các nước trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của các trường. Đồng thời, các chuẩn mực tối thiểu này cũng là để xem xét trách nhiệm giải trình cũng như để giám sát các trường phát triển và thực hiện các chương trình đào tạo bảo đảm chất lượng. Các trường hoàn toàn tự chủ trong việc phát triển chương trình đào tạo cao hơn mức chuẩn tối thiểu, trong chương trình đào tạo của mỗi trường sẽ thể hiện các thế mạnh của nhà trường, thể hiện được uy tín, thương hiệu, chất lượng cao hơn chuẩn, thậm chí đạt các chuẩn quốc tế ở mức cao, phục vụ các phân khúc thị trường lao động khác nhau… điều này càng có tác dụng quảng bá cho uy tín và thương hiệu của các chương trình đào tạo của trường.

- Để phát triển chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, sẽ cần có sự phối hợp của nhiều bên liên quan (Bộ GD&ĐT, các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học,...). Vậy, các bên liên quan này sẽ có vai trò như thế nào trong việc triển khai Khung trình độ quốc gia?

- Trong quá trình triển khai Khung trình độ quốc gia, Bộ GD&ĐT được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bên liên quan như các hiệp hội chuyên môn, doanh nghiệp (giới tuyển dụng lao động), các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học… tham gia xây dựng chuẩn chương trình. Họ đóng vai trò cốt lõi, không thể thiếu được trong việc xây dựng các chuẩn đầu ra cho các ngành nghề; họ sẽ là các chủ thể đưa được kiến thức chuyên môn, cũng như các nhu cầu, yêu cầu từ phía thị trường lao động… chuyển tải vào các chuẩn mực tối thiểu của các ngành nghề được đào tạo. Thí dụ như Bộ Y tế sẽ phối hợp với Hội đồng Y khoa quốc gia; các hiệp hội khác như Kế toán, Kiểm toán, Kiến trúc sư cũng sẽ tham gia cùng các bộ, ngành.

Như vậy, các bên liên quan này có vai trò vô cùng quan trọng, là cầu nối để thực thi quy định, chính sách thực hiện Khung trình độ quốc gia một cách hiệu quả, đồng bộ từ cấp quốc gia tới cấp cơ sở giáo dục đại học.

- Việc triển khai Khung trình độ quốc gia cần lộ trình dài hơi, theo bà cần quan tâm triển khai nhóm ngành nghề nào trước hay chúng ta sẽ vừa làm vừa điều chỉnh?

- Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ không đặc biệt ưu tiên một lĩnh vực nào mà sẽ tiến hành một cách đồng bộ. Tuy nhiên, có những ngành nghề có lợi thế hơn trong việc xây dựng các chuẩn mực (như Khoa học sức khỏe, Du lịch, Tài chính - Kế toán, đào tạo giảng viên, giáo viên…), có thể tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn so với những ngành nghề khác. Chúng tôi kỳ vọng việc triển khai sẽ được tiến hành đồng bộ và sẽ hoàn tất trong vòng 4-5 năm tới. Trong quá trình đó sẽ có tham chiếu với Khung trình độ của khu vực và các nước phát triển, sẽ tiệm cận được chuẩn tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn bà.