Thước đo chuẩn và “bài toán ngược”

Quá trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đại học để cụ thể hóa kế hoạch triển khai đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai. Để đón đầu, đã có những cơ sở giáo dục đại học tự triển khai “chuẩn” chương trình của mình với phương châm: vừa làm vừa điều chỉnh.

Giờ thực hành tại phòng thí nghiệm của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU).
Giờ thực hành tại phòng thí nghiệm của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU).

Thận trọng hay mạo hiểm?

GS,TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, từ khi có Khung trình độ quốc gia (năm 2014), các chương trình mở mới của nhà trường đã bắt đầu tham chiếu tới bậc 6 (bậc đại học). Cụ thể, khi tham chiếu tới bậc 6 của Khung trình độ quốc gia, trước khi làm chuẩn đầu ra bắt buộc phải tiến hành khảo sát các bên liên quan (đối với cơ sở đào tạo giáo viên cần khảo sát những hiệu trưởng sẽ sử dụng giáo viên như thế nào). Nhà trường sẽ tìm hiểu các trường phổ thông cần gì từ những sinh viên sư phạm ra trường, trên cơ sở đó nhà trường bám theo quy định của bậc 6 và chi tiết hóa ra thành các chương trình đào tạo tương ứng.

“Hầu hết các chương trình giờ đang thực hiện, triển khai từ năm 2016, thậm chí có những chương trình chưa ra trường, trung bình hai năm sẽ phải rà soát lại để có hướng điều chỉnh. Còn hiệu quả tác động thì phải đợi sau một chu kỳ, thời gian của chương trình, lúc đó mới biết được xã hội sẽ đón nhận như thế nào”, GS Thanh thông tin. Trong quá trình Bộ GD&ĐT hoàn thành chuẩn chương trình, lúc đó, nhà trường sẽ làm thêm bài toán ngược để xem chương trình của trường có bám theo các chuẩn chương trình mà Bộ công bố hay không. “Chúng tôi tin, việc thực hiện chuẩn riêng của trường đã áp dụng trong những năm qua sẽ không “vênh” so với chuẩn chương trình mà Bộ GD&ĐT sẽ ban hành sắp tới hoặc có điều chỉnh cũng chỉ là vi chỉnh”, GS Thanh khẳng định.

Trong khi đó, lãnh đạo Trường đại học Thủy lợi tỏ ra thận trọng hơn. Theo lãnh đạo Trường đại học Thủy lợi, trường không thể mạo hiểm trong việc tự triển khai các “chuẩn” chương trình, để rồi sau đó có thể phải điều chỉnh lại theo chuẩn chương trình mà Bộ công bố sắp tới. PGS,TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, khi xây dựng chuẩn chương trình phải lý giải được chương trình đào tạo đó đáp ứng được chuẩn đầu ra như thế nào. Việc này cũng giống như chuẩn kiểm định, không nên lấy chuẩn của Đông- Nam Á, mà quan trọng chuẩn đó phải chặt chẽ, bởi công bố chuẩn là một chuyện và chương trình đáp ứng chuẩn đó lại là chuyện khác.

Đa dạng phương thức

Khung trình độ quốc gia Việt Nam có tám bậc, kèm theo mỗi bậc là chuẩn đầu ra, khối lượng tích lũy học tập, văn bằng tương ứng. Từ bậc 1-5 thuộc sự quản lý, chủ trì của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; từ bậc 6-8 thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia nhận định, Khung trình độ quốc gia là “gạch nối” giữa giáo dục đào tạo và thị trường lao động, nhất là thị trường lao động quốc tế, bởi văn bằng của Khung trình độ quốc gia có thể được xem là “tiền tệ” của thị trường lao động. Ông Nguyễn Quang Việt (Viện trưởng Khoa học giáo dục nghề nghiệp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đồng quan điểm khi cho rằng, Khung trình độ quốc gia với cách tiếp cận chuẩn đầu ra tương tự các khung trình độ khác trên thế giới và Khung tham chiếu trình độ ASEAN sẽ là điểm tham chiếu quan trọng để phát triển các chương trình đào tạo và bảo đảm chất lượng văn bằng trình độ, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo và làm cho đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động hơn.

Ông Việt cũng cho rằng, Khung trình độ quốc gia với mối quan hệ chặt chẽ với tiêu chuẩn nghề nghiệp trong từng lĩnh vực và ngành sản xuất - dịch vụ là thước đo đánh giá năng lực của người lao động trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động theo vị trí việc làm. Nhờ đó, sử dụng lao động hiệu quả hơn thông qua việc mô tả sự phù hợp với trình độ được đào tạo. Việc triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên: đào tạo, cung ứng nhân lực, sử dụng lao động, đại diện người lao động, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức nghiên cứu chính sách phát triển ngành.

Ông Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội chia sẻ về quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng với chuẩn chương trình sắp tới. Theo đó, nhà trường sẽ dựa trên các khung chuẩn chương trình để bố trí cơ sở vật chất tương ứng gồm các phòng thí nghiệm, nơi thực tập cho sinh viên, phù hợp mục tiêu đào tạo của trường. Do Trường đại học Mở Hà Nội đào tạo theo hướng ứng dụng nên điều kiện cơ sở vật chất được xác định nhắm tới mục tiêu sinh viên ra trường làm được việc ngay, tránh phải đào tạo lại. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng lao động. Theo ông Tùng, hằng năm, trường luôn cho sinh viên được tiếp cận một mục tiêu nào đó, đó là chuẩn đầu ra theo kỳ. Việc này mang lại lợi ích cho sinh viên khi được tiếp cận từng phần việc, như vậy sinh viên vì lý do nào đó không tiếp tục theo học vẫn có thể tham gia thị trường lao động một cách chủ động.