Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực chất và hiệu quả

Ngày 1-9-2019 tới đây, Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11-7-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP); dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước chính thức có hiệu lực. Đây cũng là lần đầu Chính phủ quy định rõ hơn cơ chế, chế tài, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong THTK, CLP cũng như biện pháp khắc phục. Trên thực tế, chúng ta cần phải làm gì để các quy định, pháp luật của Nhà nước có hiệu lực hơn nữa và công tác THTK, CLP đạt hiệu quả thật sự?

Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ bốn năm do thiếu vốn và chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh: TOÀN VŨ
Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ bốn năm do thiếu vốn và chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh: TOÀN VŨ

Chậm và hình thức

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”(1). Người còn nhấn mạnh: “Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi việt gian, mật thám”(2); “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu…” và “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến” nên “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”(3). Điều này đã được lịch sử chứng minh và các quốc gia, dân tộc càng phát triển, giàu có thì họ càng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu lực, hiệu quả, chất lượng.

Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ rất quan tâm đến THTK, CLP, từ các định hướng đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng (Chỉ thị số 21-CT/TW năm 2012 của Ban Bí thư T.Ư Đảng) đến văn bản pháp lý cao nhất là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (năm 2013); Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2544/QĐ-TTg (ngày 30-12-2016) về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 và ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy về THTK, CLP; hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành Chương trình THTK, CLP của cơ quan, tổ chức mình… tạo thành hệ thống khung khổ pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ cho quá trình THTK, CLP. Nhờ đó, việc THTK, CLP đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên - hầu hết các cơ quan, tổ chức đều thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, từ năm 2013 đến nay mỗi năm tiết kiệm chi thường xuyên được hàng trăm nghìn tỷ đồng; hầu hết các cơ quan, tổ chức thực hiện mua sắm tài sản công đúng định mức, thực hiện khoán kinh phí hoạt động…

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình THTK, CLP; Chương trình THTK, CLP của một số cơ quan, tổ chức còn dàn trải, chưa xác định rõ nhiệm vụ và lượng hóa cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như biện pháp cụ thể để tập trung thực hiện và làm căn cứ tổng kết, đánh giá kết quả THTK, CLP. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đến năm 2019 vẫn còn 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả THTK, CLP và 27 trên tổng số 34 bộ, ngành, 34/63 địa phương chưa triển khai thực hiện tiêu chí đánh giá kết quả THTK, CLP trong chi thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 129/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, nên việc xây dựng báo cáo THTK, CLP của một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, sơ sài, thiếu số liệu…

Đặc biệt, trên thực tế, việc lãng phí còn rất lớn và khá phổ biến, nhất là về đất đai, sử dụng tài sản công, thời gian lao động… Chỉ tính một số dự án lớn về sản xuất thép, điện, sợi… chậm đưa vào sử dụng đã phải trả lãi vay hàng chục tỷ đồng mỗi ngày chưa tính đến hao mòn vô hình. Hay khi đi dự đám cưới, lễ hội hoặc đến giờ đưa, đón các cháu ở nhà trẻ, phổ thông tiểu học… sẽ nhận thấy biết bao nhiêu xe công (biển xanh, đỏ) sử dụng vào việc riêng… Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do nhận thức, nhất là của người đứng đầu một số cấp ủy, cơ quan, tổ chức về THTK, CLP còn hạn chế; còn thiếu các tiêu chí về đánh giá lãng phí; việc xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực THTK, CLP chưa kiên quyết, dứt điểm, chưa đủ sức răn đe, nhiều trường hợp chỉ bị phê bình, nhắc nhở rồi cho qua…

Tăng cường giải pháp hiệu lực, hiệu quả


Vì vậy, rất cần phải tăng cường THTK, CLP với những giải pháp hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hơn.

Theo đó, cần chú trọng nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, trước hết là các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về THTK, CLP bằng nhiều phương thức phù hợp. Tuyên truyền, quán triệt, phổ biến kịp thời, hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản về THTK, CLP cho toàn xã hội, trước hết là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu để nắm vững và nghiêm túc thực hiện. Việc THTK, CLP không chỉ là trách nhiệm mà còn là lối sống, đạo đức của con người trong xã hội.

Thực hiện tốt việc nêu gương trong THTK, CLP. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải nghiêm chỉnh thực hiện việc nêu gương theo đúng các quy định của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương sáng chói về THTK, CLP mà Người còn chỉ rõ nguồn gốc của lãng phí là do quan liêu: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”(4).

Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương cần rà soát lại Chương trình THTK, CLP của mình để bổ sung hoặc ban hành mới (nếu chưa ban hành) bảo đảm mục tiêu, yêu cầu… trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 (ban hành theo Quyết định số 213/QĐ-TTg, ngày 21-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ) và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của mình hoạt động, trong đó cần lượng hóa một số chỉ tiêu THTK, CLP phù hợp với thực tiễn và thực hiện có kết quả để lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bộ Tài chính sớm xây dựng, ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63, để đến ngày 1-9-2019 khi Nghị định này có hiệu lực thì các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương có thể áp dụng được thông suốt, thống nhất, đồng bộ vào thực tiễn. Cùng đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trong lĩnh vực THTK, CLP. Phối hợp kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân và kiểm tra, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán nếu kết luận có vi phạm trong lĩnh vực THTK, CLP thì phải kịp thời xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, khắc phục triệt để tình trạng phê bình, nhắc nhở rồi cho qua.

THTK, CLP có ý nghĩa, tác động rất quan trọng đến sự phát triển bền vững của cả đất nước. Chính vì vậy, cần sự vào cuộc với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và cả mỗi người dân để thực hiện hiệu quả công tác này, tập trung được 100% nguồn lực cho sự phát triển.

(1), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, Tập 7, Tr 357.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, Tập 7, Tr 358.

HÀ HỮU ĐỨC


Có thể nói tình trạng lãng phí ở nước ta đang ở mức báo động, từ lãng phí tài sản công, các dự án thua lỗ, dự án “đắp chiếu”, cho đến lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí nhân tài, lãng phí thời gian… tựu trung là lãng phí tiềm lực quốc gia. Đã đến lúc mỗi chúng ta đều phải thấy “xót ruột” bởi những lãng phí này. Những việc cần làm ngay để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) hiện nay, theo tôi trước tiên là, mỗi người, nhất là những người có trách nhiệm phải thống nhất tư tưởng kiên quyết THTK, CLP, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Tiếp đó, các ban, bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ các luật, các quy định, cơ chế liên quan THTK, CLP để hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý, quy trách nhiệm rõ ràng và có chế tài xử phạt nghiêm minh nếu cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng lãng phí. Bên cạnh đó, phải tìm cách huy động sức sáng tạo của toàn dân trong giải pháp, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động THTK, CLP của Chính phủ đề ra. Làm sao để THTK, CLP phải trở thành phong trào từ bắc chí nam, quyết liệt, bài bản, hiệu quả như công tác phòng, chống tham nhũng đang diễn ra.

PGS,TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Tổ chức chuyên đề: Vũ Mai Hoàng, Ngô Phương Thảo, Khúc Hồng Thiện