Thích ứng với những biến động kinh tế toàn cầu

"Cuộc chiến tiền tệ thế giới"đang là mối bận tâm hàng đầu kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trước thực tế đó, ở tầm vĩ mô và vi mô, Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải có chiến lược linh hoạt để thích ứng với một môi trường đầu tư toàn cầu ngày một khó đoán định.

Cần xây dựng chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt để điều hành nền kinh tế phù hợp với diễn tiến thị trường. ẢNH:MINH ANH
Cần xây dựng chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt để điều hành nền kinh tế phù hợp với diễn tiến thị trường. ẢNH:MINH ANH

Hiểu đúng về "Chiến tranh tiền tệ"

Khi nói đến cuộc chiến tiền tệ toàn cầu, người ta thường hình dung tình huống các nước đua nhau phá giá đồng tiền của mình để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng thặng dư ngoại tệ và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào phá giá tiền tệ cũng tốt cho kinh tế quốc gia. Nếu quản lý không tốt sẽ làm gia tăng giá cả dẫn đến lạm phát cao và suy yếu kinh tế. Mặt khác, một trong những mục tiêu quan trọng của quốc gia là muốn có đồng tiền mạnh, được các nước sử dụng làm phương tiện thanh toán và dự trữ. Hiện nay đồng USD đang ở vị thế số một, kế đến là Euro. Trung Quốc cũng như một số quốc gia lớn khác nếu muốn có vị thế tương tự thì phải bảo đảm tính ổn định và giá trị đồng nội tệ, mà điều này sẽ trái ngược với hành vi phá giá đồng tiền.

Mặt khác, Trung Quốc giảm giá NDT không chỉ do muốn đẩy mạnh xuất khẩu! Nếu nhìn dài hơn, trong vòng 10 năm gần đây đồng NDT đã tăng trên 30% so với USD do kinh tế Trung Quốc mạnh lên và kinh tế Mỹ bị suy thoái. Tuy nhiên trong hai năm gần đây, đồng USD đang tăng trở lại từ sự phục hồi kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc đang đi vào giai đoạn khó khăn, xuất khẩu giảm mạnh thì việc phá giá NDT của Trung Quốc để hỗ trợ xuất khẩu là điều khá hợp lý.

Nhưng Trung Quốc còn động cơ khác nhằm giải quyết khó khăn nội tại rất lớn nữa. Đó là bất động sản (BĐS) đang dư thừa, chứng khoán tăng trưởng nóng làm suy yếu hệ thống tài chính và NHTM. Tiêu dùng nội địa của Trung Quốc chỉ chiếm 25% GDP so với 50% ở Mỹ, chỉ 15% thu nhập của người dân được dành cho tiêu dùng và 30% là để dành. Nếu lo ngại đồng NDT mất giá, người dân sẽ có tâm lý gia tăng tiêu dùng, đầu tư vào thị trường BĐS và chứng khoán. Như vậy, nợ xấu ngân hàng được giải phóng, tạo nguồn lực cho nền kinh tế, cắt đứt xu thế giảm phát. Chính những yếu tố này khiến Trung Quốc chấp nhận giảm tỷ giá mạnh, dù điều này sẽ tăng nguy cơ nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc, cũng như chậm lại kế hoạch trở thành đồng tiền mạnh cạnh tranh với USD.

Kiến tạo nền tảng kinh tế vĩ mô bền vững

Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng; nhưng đến khủng hoảng toàn cầu 2008, câu chuyện đã khác. Ấy là bởi năm 2008, Việt Nam đã hội nhập nhiều hơn so với 1997. Ngày nay, với đà hội nhập ngày một sâu cùng với việc ký kết các hiệp định kinh tế và mở cửa thị trường, nếu chúng ta không có những chính sách tiền tệ, cũng như các kịch bản ứng phó thích hợp thì sẽ gặp những tác hại rất lớn so với trước đây.

Nền tảng để vượt qua những "cuộc chiến tiền tệ" hay "khủng hoảng tài chính thế giới" là xây dựng được một nền kinh tế bền vững, không chỉ chú trọng xuất khẩu, mà phải tạo ra được một sức mua nội địa vững chắc, thương mại quốc tế hài hòa, đa dạng, tránh phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia nào. Để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, bên cạnh các giải pháp trước mắt như xây dựng hàng rào kỹ thuật, quan trọng là tạo được sự bứt phá đối với năng lực sản xuất trong nước theo hướng tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại và TPP...

Chính sách tiền tệ được kiểm soát trong ba năm qua đã ổn định được nền kinh tế và VND. Tuy nhiên sự linh hoạt mới là phương thức đa số quốc gia phát triển chọn lựa để vừa giúp đồng bản tệ được tin cậy, vừa giúp điều hành kinh tế phù hợp với diễn tiến thị trường. Do vậy, cùng với việc chuyển mục tiêu từ ổn định kinh tế sang đẩy mạnh phát triển kinh tế cũng như phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, chúng ta cũng cần nhanh chóng xây dựng chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt là hợp lý, kết hợp chính sách tài khóa căn bản, dần hướng đến giảm bội chi, đầu tư công hiệu quả và phát triển thị trường vốn song song tự do tài khoản vốn. Riêng với ngoại tệ, hiện nền kinh tế chưa thể lập tức thả nổi tỷ giá, USD cũng đã tăng giá rất nhiều so với các đồng tiền khác. Do vậy, việc nghiên cứu để đưa tỷ giá VND -USD phù hợp với diễn tiến thế giới cũng cần được quan tâm, không chỉ xuất phát từ việc đối phó với đồng NDT mất giá, mà chính là tạo dựng nên chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Chính phủ.

Thúc đẩy cạnh tranh theo chiều sâu

Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn trong xuất khẩu không chỉ bởi VND đang "cao giá" so với NDT hay các đồng tiền châu Á khác. Vấn đề chính nằm ở chỗ, đội ngũ doanh nghiệp chỉ chú trọng chiều rộng trong xuất khẩu, làm hàng gia công, thị trường dễ tính và thu lợi nhuận từ giá nhân công, nguyên liệu, nông sản giá rẻ. Trong khi các khâu như tổ chức kinh doanh hiệu quả theo mô hình chuỗi cung ứng, đầu tư phát triển sản phẩm mới có giá trị cao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất thì đều rất yếu. Do đó, doanh nghiệp cần từng bước vừa tổ chức lại theo chiều rộng như xây dựng mô hình liên kết, vừa phải đi vào chiều sâu trong chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ.

Vấn đề phát triển thị trường cũng không nên chạy theo xu thế, mà cần chọn lựa các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh theo nguyên lý A. Xờ-mít (A.Smith), và tập trung vào chất lượng để bán "có giá". Khi đó, chúng ta hoàn toàn có đủ "dư địa" để đối phó mỗi khi gặp vấn đề bán "phá giá" hay "phá giá tiền tệ". Ngoài ra, đối với doanh nghiệp quy mô vừa trở lên, cần xây dựng bộ phận "tài chính" mạnh, độc lập với kinh doanh để có những chiến lược dòng tiền, có trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá... Tất cả những điều này là các hoạt động mà các doanh nghiệp thành công trên thế giới đã và vẫn đang theo đuổi.

Tất nhiên, để tạo dựng được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và có được đội ngũ doanh nghiệp mạnh, vững vàng trước những "phép thử" như đợt phá giá NDT vừa qua, sẽ cần phải có thời gian và nỗ lực từ cả phía bộ máy nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng một khi tham gia vào sân chơi chung, không có cách gì khác ngoài việc làm sao phải thích ứng được tốt nhất những luật chơi trên sân chơi chung nhiều thử thách!

Với ba đợt giảm tỷ giá liên tiếp trong vòng vài ngày, đồng NDT chỉ còn 6,401 NDT/1USD, giảm gần 4,7; hậu quả là hàng loạt đồng tiền các nước phải giảm theo so với USD, giảm mạnh nhất là các nước châu Á. Việt Nam đã có sự thích ứng kịp thời khi NHNN quyết định nới biên độ từ +/-1 lên +/-3% và tăng thêm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VNĐ với USD.