Cắt giảm điều kiện kinh doanh:

Thay đổi tư duy chưa đủ

Thời gian sửa đổi một văn bản đang dài hơn vòng đời trung bình của một doanh nghiệp. Không phải không có lý khi cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Cần những biện pháp tạo điều kiện cho kinh doanh vận tải. Ảnh: QUỲNH TRANG
Cần những biện pháp tạo điều kiện cho kinh doanh vận tải. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tư duy kéo lùi phát triển

Vài ngày sau hạn chót 15-8, rút cục các bộ, ngành cơ bản hoàn tất nhiệm vụ trình các cấp có thẩm quyền về số lượng văn bản sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Nhưng vấn đề lại nằm ở chính chất lượng của các bản dự thảo này. Đơn cử như một dự thảo đang rất nóng hiện nay là Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô.

Thực ra, Dự thảo đã trình Chính phủ có không ít điểm mới, đã đơn giản hóa, bãi bỏ một số quy định về ĐKKD, như đã cắt giảm quy định về niêm yết logo, mầu sơn biểu trưng, điều kiện về trung tâm điều hành, tần số, thiết bị liên lạc, đồng phục, thẻ tên lái xe taxi..., nhưng những thay đổi đó là chưa đủ.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị được giao thẩm định độc lập dự án này, đã phải thể hiện sự bức xúc vì những quy định được gọi là ĐKKD trong dự thảo có bản chất là các thủ tục hành chính hoặc là những điều kiện can thiệp quá sâu vào quyền kinh doanh của DN. Chẳng hạn như, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra quy định đơn vị kinh doanh bến xe có quyền kiểm tra điều kiện đối với xe ô-tô, lái xe và xác nhận vào lệnh vận chuyển… Cách tiếp cận đúng về quản lý nhà nước, phải là tạo điều kiện để các bến xe cạnh tranh, thu hút nhà xe, chứ không thể bắt bến xe làm việc của cơ quan quản lý nhà nước.

“Tư duy của Bộ GTVT trong dự thảo này là điển hình của sự không đổi mới. Lấy cách thức hiện hữu áp đặt cho phương thức kinh doanh mới không thể giải quyết bất cập hiện tại, thậm chí còn tạo rào cản cho doanh nghiệp”, ông Cung phân tích. Các chuyên gia của CIEM đã đếm được trong Dự thảo, yêu cầu siết chặt kinh doanh vận tải được lặp lại 3 lần trong Tờ trình, 22 lần quy định giao thẩm quyền cho Bộ GTVT quy định thêm. Ngoài ra còn phát hiện biểu hiện cài cắm lợi ích ngành, đưa ngay ĐKKD vào định nghĩa rằng, “đơn vị kinh doanh vận tải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải đã được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô”, thay vì đáng ra phải hướng vào mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% ĐKKD hiện hành, hay bảo đảm an toàn, giảm chi phí cho DN như chỉ đạo của Chính phủ trong gần 3 năm qua.

Đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ lo lắng khi các dự thảo mà bộ, ngành trình ra bắt đầu được lấy ý kiến doanh nghiệp. Muốn có một sự tiếp thu nghiêm túc, ông Lộc đã đề xuất thay đổi cách phân giao nhiệm vụ soạn thảo các dự thảo liên quan đến ĐKKD với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

“Trong nội bộ từng bộ, đề nghị các bộ trưởng không giao các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Những đơn vị đang cấp phép không có động lực và tìm cách giữ lại quyền của mình. Quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác”, ông Lộc khuyến nghị.

Cũng phải nói thêm rằng, các khảo sát của VCCI còn cho thấy sự thiếu triệt để trong khá nhiều phương án cải cách, vì chạm trần quy định của luật, nhưng lại chưa thấy các bộ, ngành đề xuất sửa đổi.

Kiến tạo Nhà nước phục vụ

Trong Chỉ thị 20/2018/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, có nêu yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, ĐKKD… phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho DN. Nhưng soi lại quá trình thực hiện Chỉ thị, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico đã lo ngại về những “cái bẫy” trong dự thảo, dự án vẫn còn tình trạng các quy định lắt léo đến mức DN phải tìm cách đối phó, thậm chí phải lách luật.

Thực tế này đã khiến VCCI tính đến việc lên chương trình cứ 6 tháng một lần đánh giá các văn bản liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, thông qua đó thúc đẩy tiến độ cải cách thể chế mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Ông Lộc cho rằng, có tính chu kỳ trong các đợt rà soát, cắt giảm ĐKKD. Có lúc thì cao trào, có lúc lại nguội lạnh, trong khi đó, cải cách phải được duy trì tính liên tục.

Rõ ràng, đây chính là thời điểm phải thay đổi không chỉ tư duy, mà cả phương thức kiểm soát, giám sát quy định về ĐKKD. Tách chức năng thiết kế quy định ra khỏi chức năng thực thi và Nhà nước phục vụ, chứ không quản lý là những yếu tố nền tảng cho việc thực thi cắt giảm nói trên.