“Thắp lửa” cho doanh nghiệp xã hội

Những năm gần đây, ở nước ta có một làn sóng mới mang tên “khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội (DNXH)”. DNXH bước đầu góp phần tạo việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao cho nhóm yếu thế trong xã hội... Song, sự thiếu hụt trong khuôn khổ pháp lý đã khiến cho những ý tưởng kinh doanh vì cộng đồng chưa thể lớn lên được. Vì sao con số DNXH còn khiêm tốn đến vậy? Câu hỏi này cần được những nhà xây dựng chính sách giải đáp một cách thỏa đáng.

“Thắp lửa” cho doanh nghiệp xã hội
“Thắp lửa” cho doanh nghiệp xã hội ảnh 1

Theo báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng DNXH tại Việt Nam” do Hội đồng Anh công bố, 30% số DN định hướng xã hội tập trung ở Hà Nội, 21% ở TP Hồ Chí Minh, số còn lại tập trung ở các khu vực nông thôn. Lĩnh vực có nhiều DN định hướng xã hội hoạt động nhất là nông nghiệp (35%), tiếp đến là ngành dịch vụ du lịch-nhà hàng-khách sạn (9%), giáo dục (9%) và môi trường (7%).

Chưa phải sự lựa chọn của doanh nghiệp

Tại Việt Nam, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, một số DNXH thực thụ đã bắt đầu xuất hiện như Trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO (Hà Nội), Mai Handicrafts (TP Hồ Chí Minh). Tuy vậy, mô hình này chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô nhỏ. Và từ năm 2014, khái niệm DNXH được khai sinh từ những căn cứ pháp lý. Theo Luật Doanh nghiệp 2014, một doanh nghiệp (DN) được coi là DNXH khi có đăng ký DN, có mục tiêu xã hội, môi trường rõ ràng và có cam kết tái đầu tư ít nhất 51% lợi nhuận vào các mục tiêu xã hội đã đăng ký.

Theo số liệu từ Hệ thống của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 50 DN đăng ký theo luật là DNXH. Con số còn khiêm tốn này cho thấy, DNXH chưa phải là một xu thế, một sự lựa chọn trong mô hình DN hiện nay. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, Việt Nam có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của DNXH. Bên cạnh, có hàng chục nghìn tổ chức và DN có những đặc điểm của DNXH. Họ hoạt động giống như DNXH, nhưng chưa đăng ký là DNXH.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong những năm qua, mô hình DN hoạt động theo mô hình DNXH tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau, như: DN thông thường, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, DNXH đăng ký theo Luật Doanh nghiệp 2014. Vì tính chất nhân văn, 68% số DNXH có hoạt động hướng tới xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho nhóm người yếu thế thông qua giáo dục đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng và kiến thức. Nhiều DN đã có đóng góp quan trọng vào chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn, sạch cho xã hội, vào bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Rào cản pháp lý

Nghiên cứu của Hội đồng Anh chỉ ra rằng, hiện có 58% số giám đốc điều hành (CEO), người sáng lập dự án, DNXH ở Việt Nam trong độ tuổi từ 25 đến 44. Những người trẻ này còn chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý và kinh doanh với loại hình DN còn mới mẻ này. Chưa kể, với đặc thù có những DN cộng đồng, do người địa phương tự tổ chức, nên việc hiểu và thực hiện các quy định pháp luật còn hạn chế. Cá biệt, có chủ DN cộng đồng chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.

Để khuyến khích, hỗ trợ cho mô hình mới mẻ này phát triển, Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi. Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã có những quy định khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, những cơ chế chính sách này chưa “gỡ” khó được cho DN bởi vẫn còn thiếu một khung pháp lý đầy đủ cho DNXH hoạt động.

Vì thế, DNXH vẫn đang loay hoay với những khó khăn về vốn, nhân sự hay chiến lược tăng trưởng. Vẫn tồn tại những nghịch lý như tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với tư cách pháp nhân DNXH còn khó khăn hơn là vay vốn dưới tư cách hộ gia đình… Rào cản pháp lý cũng là một thách thức lớn khi chưa có hệ thống pháp luật hỗ trợ cho việc thành lập các quỹ từ thiện tư nhân. Đơn cử như đại diện của CIEM phản ánh, chính sách hỗ trợ cho DNXH cái gì cũng có, từ tiếp cận tín dụng, mặt bằng cho đến thị trường... nhưng nhiều cái lại quá chung chung. Vậy nên, DNXH không thể nào thực hiện được. CIEM đã khảo sát ở Hòa Bình và Lào Cai, hai địa phương có ban hành kế hoạch hành động thực hiện các chính sách hỗ trợ cho DNXH. Thế nhưng, kế hoạch cũng mới chỉ nhắc lại quy định của luật, chưa làm rõ được đối tượng và phương thức hỗ trợ?

Xem xét mở rộng khái niệm DNXH?

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm Chính phủ cần đánh giá lại hiện trạng DNXH để từ đó hoàn thiện khung pháp lý. Có thể xem xét sửa đổi khái niệm hay tiêu chí xác định DNXH tại Luật Doanh nghiệp năm 2014; mở rộng khái niệm DNXH sang các pháp luật kinh doanh khác, hoàn thiện các quy định hướng dẫn thực thi các quy định liên quan đến DNXH. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hoạt động kinh doanh của DNXH. Xem xét đến những ưu tiên tài chính để DNXH có thể tiệm cận mục tiêu cụ thể hơn. Cũng như thiết lập các mô hình vườn ươm khởi nghiệp và mô hình tăng tốc khởi nghiệp cho các DNXH. Tăng cường những biện pháp khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa việc sử dụng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN để phát triển khu vực DNXH, hoặc tăng cường phối hợp để thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp và sáng tạo xã hội thông qua các cơ sở giáo dục. Hệ quả của việc chưa thật sự hiểu DNXH là gì đang ngăn cản mô hình này tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Do đó, truyền thông và phát triển thương hiệu cho các DNXH cũng cần được đẩy mạnh.

Về phía DN, như chia sẻ của ông Jimmy Phạm - người sáng lập KOTO - DNXH đầu tiên tại Việt Nam: Dù bản thân mô hình DNXH rất hữu ích, nhưng không dễ để thực hiện và phát triển. Các DN này sẽ không ít lần phải đương đầu với thực trạng “hết tiền”. Để duy trì và phát triển một DNXH, bạn phải thật sự có ý tưởng tốt và có niềm tin vào mô hình mà mình tạo dựng. Một mô hình “sống” được phải thật sự hữu ích và giải được các bài toán về các vấn đề của xã hội. Và chúng ta hoàn toàn kỳ vọng, khi có được những chính sách khuyến khích kịp thời, DNXH sẽ lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng và đạt đến sự phát triển bền vững.

Tổ chức chuyên đề:
VŨ MAI HOÀNG, LƯU HƯƠNG, HOÀNG NGHĨA NAM.