Tháo gỡ nút thắt, phát triển nhà ở cho công nhân

Từ nhiều năm nay, vấn đề nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) luôn là mối quan tâm ở nhiều địa phương. Mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực, song việc đầu tư xây dựng nhà ở, giúp công nhân lao động có điều kiện sống tốt hơn vẫn là khoảng thiếu hụt rất lớn, cần sự chung tay của toàn xã hội.

Chủ động áp dụng nhiều giải pháp để giảm giá bán, khu nhà ở xã hội Becamex tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã mang lại niềm vui ổn định cuộc sống cho nhiều công nhân. Ảnh: Trịnh Bình
Chủ động áp dụng nhiều giải pháp để giảm giá bán, khu nhà ở xã hội Becamex tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã mang lại niềm vui ổn định cuộc sống cho nhiều công nhân. Ảnh: Trịnh Bình

Nhu cầu bức thiết

Hiện nay, cả nước có khoảng 4,8 triệu công nhân làm việc trong các KCN, trong đó hơn 70% đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây. Việc gia tăng các KCN, KCX đang thu hút rất nhiều công nhân về làm việc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh… Cùng với các thiết chế văn hóa thì nhu cầu về nhà ở, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt là vô cùng lớn. Ước tính đến năm 2020, cả nước sẽ có hơn 1,7 triệu công nhân cần chỗ ở ổn định. Đó là chưa kể tới nhu cầu nhà ở của các gia đình nghèo và sinh viên các trường đại học, dạy nghề... về học ở các đô thị lớn. Cũng bởi mức thu nhập của công nhân còn thấp, bình quân chỉ từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng, nên họ phải chấp nhận thuê ở các phòng trọ rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2 đến 3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm.

Tháo gỡ nút thắt, phát triển nhà ở cho công nhân ảnh 1

Dù phòng trọ chật hẹp, nhưng nhiều công nhân vẫn phải đón bố, mẹ ở quê ra trông con để yên tâm đi làm.

Ở Hà Nội, tính đến hết năm 2020, cần thêm khoảng hai triệu mét vuông sàn nhà ở cho công nhân tại các KCN. Còn theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, địa phương có 17 KCN, một khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp đang thu hút hơn 370 nghìn công nhân làm việc. Dù thành phố đã, đang thực hiện 34 dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân với hơn 5.500 phòng nhưng cũng chỉ đáp ứng được gần 15,3% nhu cầu.

Xét về góc độ thị trường, theo phân tích của nhiều chuyên gia bất động sản, phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) hiện có tiềm năng rất lớn, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, khó khăn về vốn và cơ chế hỗ trợ đang là những rào cản khiến cho các doanh nghiệp (DN) không mấy mặn mà tham gia. Nhu cầu về nguồn vốn để phục vụ đầu tư, mua nhà của công nhân và người thu nhập thấp lúc này cần khoảng 18.000 tỷ đồng. Con số này lớn gần gấp 10 lần so với nguồn vốn mà Chính phủ dự định bố trí trong giai đoạn 2018 - 2020 (khoảng 2.300 tỷ đồng). So với nhu cầu vốn của thị trường thì nguồn vốn nhà nước đầu tư chưa đáp ứng được, thậm chí không kịp thời, gây chậm trễ trong công tác triển khai thực hiện. Chưa kể việc giá đất tăng nhanh tại đô thị, thời gian thu hồi nguồn vốn đầu tư nhà ở công nhân chậm... nên chưa thật sự thu hút được DN đầu tư vào phân khúc này.

Hai nút thắt lớn nhất

Luật Nhà ở 2014 đã có quy định về NƠXH. Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rất chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân. Theo đó, các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị phải dành 20% diện tích đất để xây dựng NƠXH. Đối với dự án dưới 10 héc-ta, có thể linh động nộp bằng tiền, quỹ đất, quỹ nhà tương đương với giá trị đó. Đối với những dự án trên 10 héc-ta bắt buộc phải xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, thực tế, việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà lưu trú công nhân vẫn chỉ như muối bỏ biển. Ngay ở các địa phương có KCN cũng chưa mặn mà đầu tư nhà ở công nhân. Nguyên nhân là do thủ tục rườm rà, thời gian chuẩn bị chậm, chậm giải phóng mặt bằng, giao đất. Đó là chưa kể đến chuyện chủ đầu tư bị khống chế lợi nhuận tối đa là 10%, trong khi việc phê duyệt quy hoạch dự án bị kéo dài dẫn đến giá thành bị đội lên nhiều, gây bất lợi cho DN.

Nhằm phát triển phân khúc thị trường nhà ở công nhân, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế như: chủ đầu tư xây dựng các dự án NƠXH được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Các chủ đầu tư cũng được tạo mọi điều kiện để tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng và được ngân sách cấp bù khoản lãi suất để cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường. Tuy nhiên, theo nguyên Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, nguyên nhân khiến việc phát triển nhà ở cho công nhân KCN chưa được như kỳ vọng là do thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng tại vị trí thuận lợi. Nhiều KCN hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Mặt khác, đầu tư nhà ở cho công nhân đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, thời gian thu hồi vốn dài nên các DN không mặn mà.

Muốn giải quyết được tốt vấn đề này cần phải gỡ hai nút thắt lớn nhất là vốn và quỹ đất sạch cho thị trường. Theo kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), cho biết, quỹ đất đầu tư xây dựng phải nằm ngoài KCN. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất từ trước. Đồng thời các sở, ngành phải tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các DN đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Ngoài việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước thì cần nghiên cứu bổ sung để các DN đầu tư nhà xã hội được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm...

Ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Trần Anh Group, một DN bất động sản đầu tư nhà ở tại KCN còn kiến nghị, Nhà nước nên tạo điều kiện cho các DN bất động sản đầu tư nhà ở công nhân bằng cách giảm bớt thủ tục về chính sách mua nhà giá rẻ cho công nhân. Như vậy, DN mới có động lực để đầu tư. Ngoài ra, nên giảm bớt các thủ tục hành chính và có các chính sách hỗ trợ cho các DN. Vì làm nhà giá rẻ lợi nhuận rất thấp, nếu thủ tục hành chính kéo dài, các DN rất khó đầu tư.

Một số chuyên gia khác cũng nêu phương án “gỡ khó” là nghiên cứu cho phép xây nhà cao tầng ở khu vực xa trung tâm, ngoài đô thị, tạo động lực thu hút nhà đầu tư. Ông Vũ Đức Khuê, chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam đưa ra giải pháp rút từ kinh nghiệm của các nước, đó là mô hình: Chính phủ quản lý chung - chính quyền cùng nhà đầu tư lên kế hoạch để đầu tư dự án theo nhu cầu của từng khu vực để dự án được triển khai nhanh hơn, tạo sự đa dạng về sản phẩm phù hợp cho người lao động. Đó là mô hình có tính khả thi nhờ tác động tích cực của các nhà đầu tư tư nhân. Theo đó, Nhà nước quy định giá đất phù hợp thị trường rồi tùy tình hình cụ thể để dồn đất, đổi thửa, giao đất sạch cho DN. Từ đó DN cùng các cơ quan chính quyền địa phương lên kế hoạch thực hiện bảo đảm lợi ích ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động.

Lý Hà
Tổ chức chuyên đề: Vũ Mai Hoàng, Phương Thảo, Văn Học