Thành lũy... tình người

Đối mặt với cái chết và dịch bệnh, sự kỳ thị, hỗn loạn, thái độ vô trách nhiệm, thói ích kỷ của con người tưởng chừng lên ngôi và định đoạt sợi dây cố kết cộng đồng. Thế nhưng, tất cả những câu chuyện diễn ra trong suốt mấy tháng qua một lần nữa cho chúng ta thấy phẩm chất căn cốt của người việt. Hóa ra, ở những thời điểm tưởng chừng cam go và ngặt nghèo nhất, con người Việt Nam đã lựa chọn đứng về phía nhau, cưu mang, chia sớt để cùng nhau tạo nên lũy thành vững chắc trong cuộc chiến chống dịch.

Câu chuyện về máy ‘’ATM gạo’’ giúp đỡ người dân nghèo trong mùa dịch Covid-19 được dư luận đặc biệt quan tâm. Ảnh: Anh Tú
Câu chuyện về máy ‘’ATM gạo’’ giúp đỡ người dân nghèo trong mùa dịch Covid-19 được dư luận đặc biệt quan tâm. Ảnh: Anh Tú

Có lẽ, khi đứng ra dựng cây “ATM gạo” hoạt động 24/24 giờ (ở đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), để ủng hộ, san sẻ khó khăn với người nghèo, người vô gia cư… trong những ngày Covid-19 hoành hành, anh Hoàng Tuấn Anh cũng không ngờ, ý tưởng của mình lại nhận được sự hưởng ứng rộng khắp từ cộng đồng như vậy.

Sau một ngày hoạt động, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đã tìm đến góp gạo tiếp sức cho chiếc máy ATM đặc biệt này. Người góp vài ký, người góp vài chục ký cho đến người góp vài tạ, có người còn đứng ra vận động hàng tấn gạo cho cây ATM. Ngay lập tức, mô hình này nhanh chóng được “nhân bản” ở nhiều nơi: Không chỉ ở huyện Bình Chánh, Nhà văn hóa thiếu nhi quận 12 (đều ở TP Hồ Chí Minh), cây “ATM nhân ái” này còn xuất hiện ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk… Ngoài ra, các cây “ATM gạo di động” cũng được các nhà hảo tâm lập ra để đưa gạo tới các mái ấm tình thương, trung tâm nhân đạo, trại trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, người tật nguyền…

Và chắc hẳn, nhiều người chưa quên hình ảnh chị Đoàn Thùy Dương ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) khi chị đến khu trọ nhà mình, gõ cửa từng phòng, hỏi thăm từng nhà rồi nói: “Hai tháng tới, tôi không thu tiền nhà trọ nhé. Mọi người hãy tuân thủ “ai ở đâu cứ ở yên ở đó nhé”, khiến cả chủ nhà lẫn người thuê đều rưng rưng những giọt nước mắt.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (ở phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), 97 tuổi, vẫn cùng các chị trong Chi hội Phụ nữ phường may khẩu trang tặng bà con nghèo trong khu phố nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Hoặc như bà Dương Thị Chót (72 tuổi, ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), tình cờ đọc được bài báo viết về những người vô gia cư không biết về đâu trong mùa dịch, đã quyết định quyên góp 20 triệu đồng để ủng hộ họ… Những việc làm tình nghĩa của các bà, các mẹ, các chị, không đao to búa lớn, cũng chẳng tuyên ngôn gì ghê gớm. Nói như mẹ Quýt, đơn giản lắm, người trẻ chống dịch theo cách người trẻ; người già cũng chống dịch theo cách của người già… Mỗi người chỉ cần làm tốt phận sự của mình, thế là được.

Nhưng anh Hoàng Tuấn Anh, chị Đoàn Thùy Dương, mẹ Quýt, bà Chót… hay chủ những quán cơm 0 đồng hoặc giá rẻ không phải cá biệt. Ngoài kia, còn rất nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm khác nữa. Và chúng ta biết, đâu đó, vẫn có những câu chuyện “hợp lý nhưng thiếu tình”, những ứng xử không được đẹp trong mùa dịch, thế nhưng, bao trùm lên hết thảy, truyền đi một năng lượng tích cực hơn bao giờ hết, vẫn là lòng tốt đang được đơm hoa kết trái, lòng tốt đang được nhân lên mỗi ngày. Những việc làm nhỏ bé và ý nghĩa của họ như muốn khẳng định: Họ có thể không ở tuyến đầu; nhưng họ sẽ là một hậu phương vững chắc tiếp sức cho tiền tuyến. Họ ở đó, nhiều nơi trên đất nước này và họ đang chống dịch theo cách riêng của mình.

Họ đã tạo nên một phòng tuyến toàn dân chống dịch, mà cơ chế hoạt động được kích hoạt bởi nghĩa đồng bào. Họ đã thực tiễn hóa và diễn dịch một cách cảm động nhất điều mà Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gửi gắm: “Trong lúc khó khăn này, mỗi người sống cực hơn một chút để người khác đỡ lâm vào cảnh khó khăn hơn và để chúng ta chống được dịch”.

Hơn lúc nào hết, lũy thành… nhân dân ấy, càng được nhân rộng, củng cố và bền chắc, trở thành lưới đỡ đầy tin tưởng cho những người đang xông pha nơi tuyến đầu, vì một Việt Nam bình yên