Thách thức luôn song hành cơ hội

Bộ trưởng Công thương TRẦN TUẤN ANH:

Thách thức luôn song hành cơ hội

Đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường

“Bộ Công thương cam kết sẽ làm hết trách nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Đây là lúc các DN dệt may cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác… qua đó hạn chế rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm. Đồng thời, cần tập trung phát triển thương mại điện tử (TMĐT), tăng cường hỗ trợ DN triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng TMĐT tại thị trường nội địa như một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.

Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi:

Thách thức luôn song hành cơ hội ảnh 1

Sẽ sớm có gói hỗ trợ DN

“Để kịp thời hỗ trợ cho DN, người dân, dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (dự kiến cuối tháng 3). Nghĩa là Nghị định này sẽ được rút gọn nhằm hỗ trợ kịp thời cho các DN nên không cần ban hành thông tư hướng dẫn. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Trước hết là những đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng, trong đó có các DN dệt may...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam NGUYỄN XUÂN DƯƠNG:

Thách thức luôn song hành cơ hội ảnh 2

Đón đầu nhờ công nghệ

“Chúng ta nói nhiều về hội nhập và các sắc thuế ưu đãi, nhưng ngành dệt may không thể tận dụng các cơ hội về giảm thuế cho hàng xuất khẩu nếu không vượt qua rào cản kỹ thuật về xuất xứ hàng hóa. Do đó, các DN ngành dệt may Việt Nam lúc này chỉ có một con đường là đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại tiên tiến (công nghệ 4.0), đào tạo nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động. Bài toán này rất cần một lời giải ở tầm vĩ mô và toàn cục”.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam LÊ TIẾN TRƯỜNG:

Thách thức luôn song hành cơ hội ảnh 3

Đặt mình trong chuỗi giá trị toàn cầu

“Mục tiêu của ngành dệt may trong hội nhập và phát triển là gia tăng năng lực cạnh tranh, chứ không đơn thuần chỉ là đầu tư để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Ngành dệt may Việt Nam nên phát triển dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu, đặt mình vào chuỗi để xem điểm mạnh, điểm yếu đến đâu để tính toán đầu tư cho hợp lý.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, Vinatex chấp nhận nâng cao tối đa công suất sản xuất vải của tất cả các nhà máy dệt trong tập đoàn, để có thể bảo đảm thay thế một phần thiếu hụt nguyên liệu, cho dù giá thành có bị cao hơn so với nguyên liệu nhập khẩu”.