Tạo sự "đồng nhịp" trong phát triển vùng

Trao đổi với Báo Nhân Dân cuối tuần, ông Lê Tiến Châu (trong ảnh), Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh, việc triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) (ban hành ngày 17-11-2017) đã giúp địa phương xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH).

Tạo sự "đồng nhịp" trong phát triển vùng

- Hiện Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang lấy ý kiến nhằm hoàn thành quy hoạch tích hợp ÐBSCL. Xin ông cho biết nhận định về quy hoạch tích hợp này?

- Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tích hợp ÐBSCL) do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) xây dựng. Tôi đánh giá cao nội dung dự thảo quy hoạch vì đã được xây dựng rất công phu, chi tiết và tiếp cận phương pháp nghiên cứu khoa học. Dự thảo quy hoạch đã phân tích và đánh giá chi tiết cụ thể hiện trạng phát triển của vùng, phân tích các vấn đề về thế mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội phát triển của vùng. Từ đó, đã đưa ra quan điểm, mục tiêu tổng thể, mục tiêu cụ thể phát triển vùng, phương hướng phát triển các ngành có lợi thế, phương hướng phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng, phương hướng xây dựng, tổ chức không gian vùng, chương trình đầu tư, các giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Với "mục tiêu tổng thể về phát triển vùng ÐBSCL, là bảo đảm trình độ phát triển ít nhất tương đồng với trình độ phát triển chung của cả nước, trên cơ sở phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao tại các địa điểm phù hợp, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, đặc biệt là chế biến liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản" và các quan điểm về "phát triển bền vững", "phát huy lợi thế so sánh của vùng", tôi tin tưởng rằng quy hoạch vùng sẽ giúp ÐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng cất cánh và phát triển đồng nhịp với các vùng khác, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước trong những thập kỷ sắp tới.

- Có ý kiến, BÐKH ở ÐBSCL "không có cột mốc hành chính". Theo ông, việc liên kết vùng trong thực hiện các giải pháp để thích ứng với BÐKH nên vận hành theo hướng nào?

- BÐKH trong những năm qua đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng, miền của Việt Nam, đặc biệt là vùng ÐBSCL với quy mô, phạm vi ảnh hưởng vượt quá khả năng ứng phó độc lập của từng địa phương. Năm 2021, được dự báo nguồn nước thiếu hụt so trung bình nhiều năm, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra phức tạp và "khốc liệt" tại Hậu Giang và những địa phương khác.

Do đó, theo tôi, một số giải pháp để các địa phương liên kết ứng phó với BÐKH ở vùng ÐBSCL, đó là: Tập trung triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chất liên kết vùng; xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý giữa các tỉnh vùng ÐBSCL trong việc cung cấp thông tin về diễn biến của xâm nhập mặn để mỗi địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Mặt khác, cần hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ÐBSCL nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài làm giảm các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế. Ðặc biệt cần tăng cường thực hiện các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản tại ÐBSCL (các hiện tượng xói lở, xâm nhập mặn, điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất...), đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng; xây dựng hệ thống thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn và BÐKH, tạo sự liên kết, phối hợp, điều phối trong hoạt động chung của vùng ÐBSCL.

- Ðể thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP, các tỉnh ÐBSCL cần làm gì, thưa ông?

- Ðể đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP, theo tôi, Hậu Giang cũng như các tỉnh vùng ÐBSCL cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành để chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết trong việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, phát huy vai trò của cơ quan đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong dân việc chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả, thích ứng BÐKH.

Thứ hai, bảo đảm nguồn lực về con người và tài chính để thực hiện Nghị quyết tại địa phương bao gồm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đối với công chức lãnh đạo, quản lý, chuyên viên tham mưu thực hiện nhiệm vụ tại địa phương; tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Chính phủ, các bộ, ngành và vốn hỗ trợ của các đối tác phát triển. Từ thực tiễn của mỗi địa phương, cần giải quyết những khó khăn để thu hút nguồn lực khu vực tư nhân tham gia thực hiện Nghị quyết.

Thứ ba, tập trung nguồn lực đầu tư, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với BÐKH; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa các nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi liên kết, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ tư, tăng cường việc liên kết giữa các địa phương về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đầu tư hạ tầng kinh tế, trong khai thác nguồn lực tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là trong tình hình suy giảm nguồn tài nguyên nước mặt, suy giảm lượng phù sa tại đồng bằng từ các hoạt động khu vực thượng nguồn sông Mê Công.

- Xin cảm ơn ông!

Vĩnh Tường (thực hiện)