Tạo sự cân đối về vốn đầu tư

Trong 20 năm xây dựng và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng sự cân đối về cơ cấu cho thị trường vốn. Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần về hành trình phía trước, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng (trong ảnh) nhấn mạnh đến mục tiêu, nâng tầm vai trò thị trường là kênh huy động vốn trung và dài hạn. 

Tạo sự cân đối về vốn đầu tư

- Thưa ông, trên phương diện của cơ quan quản lý thị trường, xin ông chia sẻ những thành quả nổi bật của TTCK Việt Nam trong thời gian qua?

- Trước hết, có thể thấy, TTCK đã không ngừng lớn mạnh về mặt tổ chức và cơ cấu. Từ một Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh cách đây 20 năm, đến nay TTCK Việt Nam đã có hai Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) và một Trung tâm Lưu ký chứng khoán cùng vận hành với các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường. Cơ cấu của TTCK cũng từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu lúc ban đầu, đến nay chúng ta đã có thêm các thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ (TPCP), thị trường GDCK phái sinh và sắp tới là thị trường giao dịch trái phiếu DN.

Thứ hai, quy mô của TTCK đã có sự tăng trưởng vượt bậc và trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ và cho DN. Thị trường cổ phiếu khởi nguồn có hai DN niêm yết, thì đến nay đã có hơn 1.600 DN niêm yết/đăng ký giao dịch (ĐKGD) với giá trị vốn hóa tương đương 65% GDP... Điều quan trọng hơn, các DN của Việt Nam đã tận dụng được những ưu thế của TTCK để huy động vốn phát triển và chúng ta đã hình thành được các DN hàng đầu có sức ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế, thí dụ như là Vinamilk hay Vingroup,…

Thứ ba, TTCK trong 20 năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ vào công tác CPH DNNN. Từ năm 2005 đến nay, tất cả các DN CPH ở quy mô lớn đều được đấu giá qua TTCK và cho kết quả rất thành công. Rất nhiều DN sau khi đấu giá CPH đã thực hiện niêm yết/ĐKGD trên SGDCK. Điều này đã làm thay đổi cả cơ cấu của nền kinh tế và TTCK - đây là nền tảng cơ sở để Chính phủ quyết định mô hình tăng trưởng, chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào DNNN sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào sự năng động của kinh tế tư nhân.

Thứ tư, hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK ngày càng hoàn thiện, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư (NĐT) và DN. Hiện nay, có 74 công ty chứng khoán và 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với quy mô vốn ngày càng lớn và chất lượng dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng.

Thứ năm, các NĐT tham gia trên TTCK đã có sự trưởng thành vượt bậc. Sự tham gia của các NĐT trong và ngoài nước ngày càng tích cực, từ mức 3.000 tài khoản năm 2000 lên mức 2,5 triệu tài khoản trong giai đoạn hiện nay. Có thể nói, đầu tư gián tiếp của nước ngoài qua TTCK ngày càng được cải thiện, góp phần ngày càng hiệu quả hơn cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI trong việc thu hút nguồn vốn FDI cho phát triển kinh tế.

- TTCK Việt Nam đã vượt qua những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới hay mới nhất là dịch Covid-19. Xin ông cho biết giải pháp kiến tạo thị trường được UBCKNN chú trọng là gì?

- Xuyên suốt trong 20 năm qua, UBCKNN luôn tích cực, chủ động xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống các văn bản pháp luật nhằm ngày càng hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cho hoạt động của TTCK trong bối cảnh Nhà nước đang sửa đổi, hoàn chỉnh thể chế kinh tế và cơ chế quản lý nền kinh tế. 

Công tác thanh tra giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thường xuyên được chú trọng. Các hành vi vi phạm trên TTCK đã được xử lý nghiêm minh, bảo đảm cho TTCK được hoạt động công khai, minh bạch, công tác quản lý điều hành cơ bản bảo đảm được tính chủ động, linh hoạt, qua đó giúp cho TTCK vượt qua những giai đoạn khó khăn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 - 2009 hay tác động của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Cùng với đó, UBCKNN luôn chú trọng công tác tạo nguồn hàng nhằm cung cấp hàng hóa cho thị trường, từng bước tổ chức phát triển đồng bộ các thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, TTCK phái sinh. Chất lượng hàng hóa trên thị trường cổ phiếu không ngừng nâng cao theo hướng tăng cường tính minh bạch và chất lượng quản trị công ty; tiêu chuẩn niêm yết, điều kiện phát hành đã được nâng cao; đa dạng hóa nguồn cung... Nhiều loại hình sản phẩm mới đã được nghiên cứu và từng bước đưa vào giao dịch theo lộ trình phù hợp với sự phát triển của TTCK. Đặc biệt, công nghệ giao dịch, thanh toán phục vụ cho GDCK của NĐT luôn được cải tiến theo hướng ngày một hiện đại hơn. 

- TTCK Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải nâng hạng thị trường đáp ứng yêu cầu của phát triển. Chiến lược hành động của UBCKNN trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Trong thời gian tới, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển xã hội là rất lớn, trong bối cảnh các ngân hàng hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đối với cả nền kinh tế đòi hỏi vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế và DN của TTCK phải lớn hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chứng khoán trong thời gian tới là tăng tính chuyên nghiệp, minh bạch, độ sâu của thị trường, cải thiện niềm tin trong NĐT, cũng như nâng tầm vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn.

Hiện nay chúng ta đã có cơ sở chắc chắn để trông chờ vào một sự phát triển của TTCK đó là Luật Chứng khoán 2019 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về việc sắp xếp lại các SGDCK, thành lập SGDCK Việt Nam, để chuyên nghiệp hóa các mảng TTCK. Chính vì vậy trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện các văn bản pháp lý hướng dẫn Luật Chứng khoán, hoàn thiện những khâu cuối của hệ thống công nghệ thông tin hiện đại (đây là cơ hội để TTCK phát triển an toàn hơn và có thể phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ mới) áp dụng cho toàn thị trường để đưa vào vận hành trong năm 2021; UBCKNN sẽ tiếp tục chú trọng tới công tác tăng lượng cung hàng hóa và đa dạng hóa sản phẩm trên cả ba thị trường cổ phiếu, trái phiếu và TTCK phái sinh; cũng như tiếp tục tăng cường thanh tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên TTCK; phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; đặt kế hoạch phấn đấu sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng Morgan Stanley Capital Investment (MSCI) và Financial Times Stock Exchange Group (FTSE).

- Xin trân trọng cảm ơn ông!