Tạo dựng hệ sinh thái thiện nguyện

Tương thân, tương ái là truyền thống, là nét văn hóa bao đời của dân tộc Việt Nam. Điển hình là từ việc nâng đỡ nhau trong lúc chiến tranh, đói khổ đến cứu trợ, quyên góp để hỗ trợ đồng bào khó khăn trong mùa lũ, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trải qua nhiều thế hệ, tinh thần đó vẫn luôn được giữ vững như một di sản được truyền lại qua sự tiếp nối và lan tỏa…

Một trong những hoạt động phối hợp trồng và giữ rừng tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Dự án Rừng Việt Nam
Một trong những hoạt động phối hợp trồng và giữ rừng tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Dự án Rừng Việt Nam

Những bước đi ban đầu
 
 Sự phát triển của quốc gia có thể được dẫn dắt bởi sự đi lên của kinh tế, áp dụng khoa học, công nghệ, gia tăng sản xuất, thương mại… Nhưng sự phát triển này có cân đối và bền vững hay không còn nhờ vào một xã hội đoàn kết, tương hỗ nhau, được tạo nên bởi những cá nhân, những nhóm và tổ chức có nhận thức, có trách nhiệm và hành động. Xây dựng được Hệ sinh thái thiện nguyện (HSTTN) sẽ giúp thúc đẩy tính hiệu quả trong công tác thiện nguyện qua việc kết nối, giúp các thành phần nhìn nhận nhau.
 
 Ở mức căn bản, các chủ thể của HSTTN có thể bao gồm một vài cá nhân là những người có đủ tiềm lực để phát động hoạt động cứu trợ ngắn hạn, hay chương trình và dự án thiện nguyện dài hạn. Tuy xuất phát từ sáng kiến cá nhân, quy mô lan tỏa và tác động của các hoạt động này có thể đạt hiệu ứng rất rộng nhờ vào báo chí, truyền thông và những người ủng hộ. Ngoài ra, còn có những nhóm, tổ chức bao gồm những cá nhân cùng chung mục đích làm điều thiện, điều tốt tập hợp lại cùng hoạt động. Các đoàn nhỏ lẻ, nhóm sáng kiến hay mạng lưới này thường bột phát, có thể ngắn hạn tùy theo nhu cầu và thời điểm, nhưng nhìn chung tập trung giải quyết các vấn đề, thiếu thốn mang tính trước mắt, cấp bách cho địa phương và người thụ hưởng.

Tạo dựng hệ sinh thái thiện nguyện -0
 Thành viên Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (V.E.O) tổ chức một lớp Dạy kỹ năng phòng, chống thiên tai cho các em nhỏ tại điểm trường Hát Khoang (xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Mỹ Hà

 Những chủ thể chính đóng vai trò then chốt trong HSTTN chính là các tổ chức trong lĩnh vực phi lợi nhuận (NPO), các quỹ, các tổ chức công lẫn tư, địa phương lẫn quốc tế được đào tạo chuyên nghiệp và có kinh nghiệm thực hiện công tác từ thiện, thiện nguyện, ở nhiều mức độ cao thấp, phương thức khác nhau. Các tổ chức này thường có cam kết dài hạn và ý thức về tác động của mình. Bên cạnh đó, còn có giới doanh nghiệp (DN), vừa đóng vai trò hỗ trợ nguồn lực để các tổ chức NPO, các cơ sở chuyên thực hiện thiện nguyện, vừa có thể tự tạo ra ảnh hưởng và tác động lên xã hội qua cách thức vận hành của mình… Đó là còn chưa kể đến loại hình DN xã hội hay DN hướng tới tạo tác động xã hội, hiện còn chưa có được sự nhìn nhận thấu đáo từ phía công chúng và nhà nước.
 
 Thêm nữa, độ trưởng thành của HSTTN tại Việt Nam còn ở giai đoạn sơ khai, nhất là khi đối chiếu với thực tiễn các nước phát triển hơn bởi các thành phần bên trong vẫn chưa nhìn nhận ra nhau, chưa hiểu đúng đắn nhất về nhau, cũng như chưa biết cách phối hợp để tổng hòa được các mặt mạnh của mỗi bên nhằm đạt được mục đích tối ưu. Mức độ tương tác vì thế mà còn ít, hình thức và hiệu quả tương tác của các chủ thể vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
 
 Sự chuyển đổi trong tư duy, cách thức
 
 Có câu “cho cần câu chứ không cho con cá” phản ánh khá đúng về công tác thiện nguyện ở giai đoạn phát triển hơn. Thậm chí có cả vế bổ sung - “dạy câu cá” ngoài việc “cho cần câu”, hàm ý cùng việc trao tặng công cụ còn phải hướng tới khuyến khích, xây dựng quyền năng để đối tượng thụ hưởng có thể tự vươn lên, tiếp tới tự lập, cả về tinh thần và thể chất. Một vài đối tượng đã có sẵn khả năng, năng lực nhưng còn chưa biết cách phát huy, hoạt động thiện nguyện, do đó còn là để phát huy quyền năng vốn có của người thụ hưởng.
 
 Làm từ thiện cũng như làm bất kỳ công việc nào khác, cần có tư duy làm việc chuyên nghiệp, nghĩa là nghiêm túc với mục tiêu, phương hướng, sứ mệnh đặt ra. Khi đã có sự quan tâm đến vấn đề xã hội và đặt vấn đề tạo tác động lên xã hội, nhất thiết phải đặt tính chuyên nghiệp như một yêu cầu, một phương châm để công tác thiện nguyện đạt được hiệu quả mong muốn và giữ được hình ảnh tốt, và sự tin tưởng trong xã hội và cả cộng đồng thụ hưởng.
 
 Một đòi hỏi không thể thiếu để góp phần vào tính hiệu quả và sự bền vững của hoạt động từ thiện là sự minh bạch, trách nhiệm giải trình làm cơ sở cho sự tin cậy giữa tổ chức thực hiện với nhà tài trợ, giữa tổ chức thực hiện và đối tượng thụ hưởng. Các tổ chức, cá nhân làm từ thiện cần ý thức về điều này như là một nghĩa vụ cơ bản khi “xài tiền” của nhà hảo tâm, cũng như ý thức rằng việc đòi hỏi được giải trình của người đóng góp là điều tất yếu.
 
 Ngày nay, trong thời đại công nghệ và mạng xã hội, một thực tế hiển nhiên là vai trò của những “influencer” - người có tầm ảnh hưởng như nghệ sĩ, nhân vật có sức lan tỏa lớn. Để có thể thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của công chúng, có thể cân nhắc đến sức hút và phát huy đúng hướng vai trò của lực lượng có ảnh hưởng này đối với sự nghiệp thiện nguyện.
 
 Nói đến thiện nguyện bao gồm cả khái niệm Từ thiện Cứu trợ/Từ thiện Nhân đạo (charity) và khái niệm Từ thiện Phát triển (philanthropy), chính là một thành tố quan trọng góp phần thiết thực vào phát triển chung của đất nước, xã hội.
 
 Trong đợt mưa lũ vừa qua ở miền trung, có thể dẫn ra một vài thí dụ tiêu biểu để thấy rõ sự khác biệt giữa Từ thiện Nhân đạo/Cứu trợ và Từ thiện Phát triển. Việc phân phối lương thực, thực phẩm cứu trợ, tiền đến dân địa phương…, những hoạt động mang tính ngắn hạn, giải quyết vấn đề trước mắt cho người địa phương trong mùa lũ chính là Từ thiện Nhân đạo/ Cứu trợ. Hướng tới tính chiến lược chính là mấu chốt của Từ thiện Phát triển, do đó đòi hỏi những hoạt động mang tính lâu dài, bền vững, đi vào giải quyết gốc rễ của vấn đề. Chẳng hạn như, xây dựng nhà chống lũ, trồng rừng chống lũ, cùng với bà con địa phương xây dựng kế sách, huy động tham gia tập huấn để có cách “sống chung với lũ”,…
 
 Mẫu số chung giữa hai phương thức là chuẩn mực về minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tin cậy cần thiết giữa các bên. Chúng ta không phải và không nên chỉ chọn một và bỏ qua hình thức còn lại. Ở mỗi thời, mỗi giai đoạn luôn có những bất cập và thách thức riêng, vì thế mà công tác thiện nguyện cũng chuyển biến theo yêu cầu giải quyết vấn đề trong bối cảnh mới. Điều quan trọng là Nhà nước cần nhìn nhận rõ hai phương thức thiện nguyện với đầy đủ điểm lợi và hạn chế riêng để từ đó có được sự đầu tư nguồn lực và năng lực phù hợp cho từng hình thức.
 
 

 Thông thường, Từ thiện Nhân đạo mang tính đáp ứng hơn là chủ động và gắn với tình thương cảm xúc, mục tiêu đặt ra thường ngắn hạn. Còn với Từ thiện Phát triển, mục tiêu đặt ra thường là trung - dài hạn, hướng tới giải quyết một vấn đề của xã hội. Để tạo được sự bền vững đòi hỏi tính chủ động, chuyên nghiệp và có những đánh giá tác động cụ thể…

   Tôn Nữ Thị Ninh 
 Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh 
 
 Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương, Nguyễn Hà, Võ Hoàng