Tạo cơ hội để phụ nữ khởi nghiệp

Khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam. Phụ nữ hiện chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đang là tiềm lực khởi nghiệp rất lớn. Song, vẫn còn không ít những rào cản đang ngáng trở, khiến cho nhiều cơ hội để phụ nữ khởi nghiệp gặp khó trên con đường thực hiện.

Phụ nữ khởi nghiệp đang rất cần những chính sách hỗ trợ vốn tài chính và vốn phi tài chính. Trong ảnh: Mai Mỹ Linh - Cô gái khởi nghiệp thành công từ những bình trà hoa. Ảnh: PHƯƠNG BÌNH
Phụ nữ khởi nghiệp đang rất cần những chính sách hỗ trợ vốn tài chính và vốn phi tài chính. Trong ảnh: Mai Mỹ Linh - Cô gái khởi nghiệp thành công từ những bình trà hoa. Ảnh: PHƯƠNG BÌNH

"Khởi nghiệp cô đơn"

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ nữ doanh nhân đang ngày càng tăng qua các năm: Năm 2014 tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp (DN), giám đốc, chủ trang trại là 25,4% tổng số DN cả nước, tăng 0,5% so với năm 2013. Các DN do nữ làm lãnh đạo này đã tạo việc làm cho 1,63 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước 32,400 tỷ đồng năm 2013 (chiếm khoảng 3,9% thu ngân sách nhà nước cả năm). Ðến nay, DN do phụ nữ làm chủ chiếm gần 26%, từng bước khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN), số DN do nữ làm chủ, chủ yếu là DN có quy mô nhỏ và cực nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, với đặc tính giới, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thừa nhận, những định kiến tồn tại lâu đời đã thành vật cản đối với phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh. Xã hội cho rằng, phụ nữ là "chân yếu tay mềm", phải là "hậu phương lớn" của gia đình. Ðiều đó, thật sự đặt lên vai chị em gánh nặng, khiến họ hạn chế cơ hội kinh doanh. Cũng từ quan niệm này khiến người phụ nữ thiếu động lực và môi trường để khuyến khích ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Phụ nữ cũng thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, khó có cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi do gánh nặng gia đình, sinh con. Theo các chuyên gia, phụ nữ khởi nghiệp phải làm việc với 400% sức lực và họ thường "khởi nghiệp cô đơn". Cho nên nếu không được sự ủng hộ, chia sẻ, thậm chí hy sinh của người đàn ông trong gia đình thì ngọn lửa khao khát kinh doanh, lập nghiệp của họ rất khó đi đến thành công.

Trên chặng đường đầu tiên của con đường khởi nghiệp, người phụ nữ còn phải đối mặt với khó khăn về vốn. Theo các khảo sát trên thế giới cho thấy start-up của những nhà khởi nghiệp nữ thường chỉ nhận được lượng vốn ban đầu xấp xỉ 50% số tiền mà các start-up có chủ nhân là nam giới nhận được. Những nhà đầu tư có xu hướng bị thuyết phục hơn từ những người có cách suy nghĩ giống họ, hoặc nói đến các vấn đề mà họ quan tâm. Trong trường hợp đó, các doanh nhân nam dễ thuyết phục được các nhà đầu tư hơn nữ giới. Tình trạng các hãng đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các start-up của phụ nữ ở quy mô toàn cầu năm 2016 chỉ khoảng 7% và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Cũng theo các chuyên gia, đa số phụ nữ ít được tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng, trong đó nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản thế chấp do không đứng tên trong các tài sản của gia đình.

Vượt qua thách thức

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt từ 35% trở lên trong tổng số hơn 1 triệu DN của cả nước, tỷ lệ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%, tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100% vào năm 2020. Cũng theo thống kê, hiện bình quân gần 200 người dân Việt Nam mới chỉ có một DN, trong khi ở các nền kinh tế phát triển 15-20 người dân có một DN.

Thực tế những năm qua cho thấy, rất nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ phát triển DN. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách, chương trình chỉ hỗ trợ khi DN đã được thành lập, hiện vẫn còn thiếu những chính sách, chương trình hỗ trợ bước hình thành và phát triển ý tưởng khởi nghiệp - giai đoạn tiền đề quan trọng cho việc phát triển DN thành công. Tại diễn đàn "Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới" (12-2016), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ cho biết, Chính phủ hiện đang trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó sẽ xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, tập trung cho DN siêu nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, tín dụng, lao động và các yếu tố đầu vào khác nếu không có hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN khởi nghiệp, sáng tạo trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, và có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành DN. Ngoài việc hỗ trợ tư vấn truyền thông, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ sẽ ban hành hai Nghị quyết về tạo nguồn vốn cho DN.

Phía T.Ư Hội LHPN Việt Nam, theo Ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Ban đã đề xuất và tham mưu xây dựng đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2027". Ðề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Ðề án này tập trung vào việc tối đa hóa sự trợ giúp nhằm hiện thực hóa các ý tưởng có tính sáng tạo xuất phát từ nhu cầu, giải quyết các vấn đề đang tồn tại của phụ nữ, của cộng đồng, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, quan tâm thúc đẩy sự phát triển của DN nữ, ưu tiên DN nhỏ, siêu nhỏ, DN mới thành lập trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Có thể nói, những chương trình và nhiều chính sách tạo nguồn vốn từ Chính phủ nói trên là động lực đã và sẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp nói chung, và khởi nghiệp của phụ nữ nói riêng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 35% DN do phụ nữ làm chủ, thiết nghĩ cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho DN nữ. Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch CLB nữ doanh nhân Hà Nội, năm 2001 Chính phủ có Nghị định về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có một điều khoản hỗ trợ DN nữ. Ðến năm 2009 đã thay nghị định đó bằng Nghị định 56 nhưng không còn điều khoản hỗ trợ nữ doanh nhân, nữ chủ DN. Ðiều mà bà mong muốn là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa dự kiến ban hành và có hiệu lực trong năm 2017 sẽ có một điều khoản về hỗ trợ DN do nữ làm chủ. Ðể tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp phát triển và bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ vốn tài chính và vốn phi tài chính. Vốn phi tài chính ở đây chính là năng lực nội tại, năng lực cạnh tranh để DN nữ phát triển, quản trị hiệu quả để phá vỡ rào cản mà không phải trông chờ hỗ trợ từ bên ngoài. Theo bà Thanh, chính nguồn vốn này sẽ làm thay đổi văn hóa ứng xử trong gia đình để người chồng ủng hộ người vợ hơn trong việc khởi nghiệp, kinh doanh, để người phụ nữ không phải đánh đổi gia đình lấy sự nghiệp.

Theo các chuyên gia, các chính sách vĩ mô hỗ trợ phát triển cho phụ nữ cần được hoàn thiện hơn, và phải đi được vào cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và bản thân sự nỗ lực của cán bộ hội các cấp để hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ. Ðồng thời, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN mới thành lập, xây dựng và phát triển các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại.

Còn một yếu tố rất quan trọng để phụ nữ khởi nghiệp thành công chính là bản thân người phụ nữ phải vượt lên chính mình, tự tin, bản lĩnh vượt lên những rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt từ 35% trở lên trong tổng số hơn 1 triệu DN của cả nước, tỷ lệ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%.