Tạo cơ chế mở cho hoạt động bảo trợ xã hội

Thiếu hơi ấm tình thương của cha mẹ và người thân, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã may mắn được đón vào các trung tâm bảo trợ xã hội, các mái ấm, nhà tình thương. Những nhà hảo tâm đã mang đến một điểm tựa để các em không bị bơ vơ giữa dòng đời. Vậy nhưng, hoạt động thiện nguyện này đang gặp những khó khăn, vướng mắc bởi hành lang pháp lý vẫn còn những điểm chưa thật sự phù hợp với thực tế.

Các em ở mái ấm Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh tham gia vẽ tranh giao lưu cùng anh chị sinh viên Trường đại học Hoa Sen. Ảnh: VÂN ANH
Các em ở mái ấm Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh tham gia vẽ tranh giao lưu cùng anh chị sinh viên Trường đại học Hoa Sen. Ảnh: VÂN ANH

Quản lý và thực thi cùng lúng túng

Những năm qua nhiều mái ấm, nhà tình thương do tư nhân thành lập đã ra đời xuất phát từ ý thức chung tay thiện nguyện. Rất nhiều trong số đó đã tạo nên những mái ấm hạnh phúc cho biết bao mảnh đời cơ nhỡ và kết nối tấm lòng hảo tâm trong xã hội. Nhưng nếu xét trên góc độ quản lý nhà nước đối với các cơ sở tình thương thì vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra.

Theo Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội/LĐTB&XH), cả nước hiện có 402 cơ sở bảo trợ xã hội, đang nuôi dưỡng trên 40 nghìn đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 233 cơ sở ngoài công lập, bao gồm cả cơ sở của các tôn giáo. Những cơ sở này tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đồng Nai...

Chỉ tính riêng Hà Nội đã có hơn 160 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp tại cộng đồng và được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, theo bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội), với số đối tượng bảo trợ xã hội chiếm 2,2% dân số của thành phố, nhưng trong 131 cơ sở bảo trợ xã hội, chỉ có 18 cơ sở công lập; 18 cơ sở ngoài công lập được thành lập hợp pháp. 95 cơ sở còn lại là của các tổ chức tôn giáo và tư nhân tự phát. Trong số này có bảy cơ sở đang nuôi dưỡng hơn 10 đối tượng chưa được cấp phép. "Nguyên nhân là người đứng đầu cơ sở không muốn thực hiện thủ tục hành chính, họ coi việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng yếu thế là hoạt động mang tính từ thiện nên đương nhiên có quyền thực hiện. Bởi trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, bị cưỡng bức lao động... là đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp. Mặt khác, các cơ sở này không đủ điều kiện để thành lập cơ sở bảo trợ xã hội do không đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ cán bộ nhân viên", bà Nhung lý giải.

Từ góc độ trong cuộc, bà Nhung cũng thấy lúng túng trước những quy định còn không thống nhất hoặc bất hợp lý trong hệ thống văn bản liên quan. Chẳng hạn, Nghị định 68/2008/NĐ-CP quy định một trong những điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội là phải có địa điểm xây dựng cơ sở, trong khi UBND các quận, huyện thì yêu cầu phải có Quyết định thành lập thì mới xem xét bố trí địa điểm xây dựng cơ sở. Rồi tình trạng Bộ LĐ-TB&XH cho đến giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quản lý hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng dưới 10 đối tượng, nên đã tạo lỗ hổng trong quản lý, khiến cho một số cơ sở trốn tránh việc làm thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ.

Cơ quan quản lý khó một thì phía người hoạt động từ thiện khó mười. Ông Trần Hữu Quang, Giám đốc Mái ấm An Phúc (TP Hồ Chí Minh), những ngày này đang có mặt tại Thủ đô Hà Nội với dự định mở cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật tại đây. "Từ việc nhận thấy nhiều cá nhân, tổ chức làm từ thiện muốn mở mái ấm, nhà tình thương để cưu mang những mảnh đời bất hạnh, nhưng không đủ mặt bằng nên không được cấp phép, tôi đã quyết định mở Mái ấm An Phúc theo cách xin lập công ty trách nhiệm hữu hạn, rồi mới xin Sở LĐ-TB&XH cấp quyết định công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật". Theo ông Quang, người làm từ thiện cần phải liệu sức mình, tùy theo khả năng cống hiến và cơ sở vật chất thực tế để nhận số trẻ phù hợp, tránh tình trạng vướng cơ chế, chính sách quy định mà về sau ảnh hưởng tới trẻ.

Trưởng thành từ mái ấm, nhà tình thương, anh N.V.A nay đang làm quản lý một nhà hàng tại Hà Nội chia sẻ: "Mẹ nuôi coi chúng tôi như con ruột. Anh em chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh sống với nhau như một gia đình". Nuôi tâm nguyện sẽ mở một mái ấm nhỏ có thể đón các em bị bỏ rơi như mình về nuôi, nhưng gặp quy định ngặt nghèo về diện tích trong mở mái ấm, anh N.V.A mong mỏi, quy định không nên cứng nhắc mà nên có thêm những tiêu chí "mềm" như tình yêu thương để tạo nên một gia đình, nơi các con được rèn luyện tinh thần vững vàng, học vấn để có tương lai, và mục đích sống để các con nỗ lực, trưởng thành. Chỉ như vậy, những tấm lòng thiện nguyện mới không bị giới hạn, hay cản trở khi đóng góp cho cộng đồng.

 Tạo cơ chế mở cho hoạt động bảo trợ xã hội ảnh 1

Trẻ em khuyết tật ở Mái ấm Thiên Phước, phường An Phú Đông, Q.12 -TP Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc của nhiều tổ chức xã hội. ĐAN CHI

Lối mở cho mái ấm, nhà tình thương

Trong bối cảnh phát triển kinh tế -xã hội của đất nước ta và xu hướng phát triển an sinh xã hội của quốc tế, hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay đã bộc lộ không ít vấn đề bất cập. Chẳng hạn, mạng lưới hiện nay vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng lại thiếu sự liên kết lẫn nhau, cũng như thiếu kết nối với các cơ quan phúc lợi xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác. Vậy nên, các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt với quy mô lớn, xa cách với gia đình và cộng đồng. Cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu về số lượng, thiếu tính chuyên nghiệp... Vì vậy, năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở trợ giúp xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hiện nay.

Nhằm tháo gỡ những tồn tại nói trên, ngành LĐ-TB&XH lên kế hoạch đánh giá lại các điều kiện về cơ sở vật chất và triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển toàn bộ mạng lưới, hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm cả công lập và ngoài công lập đối với lĩnh vực này. Bên cạnh đó, rà soát hướng dẫn thực hiện chuyển đổi các mô hình trung tâm, cơ sở để bảo đảm hoạt động thực sự hiệu quả, mang tính xã hội ngày càng rộng. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 647/2013/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020; và Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20-4-2015 phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025. Đây là những cơ sở kinh tế - xã hội và pháp lý hết sức quan trọng cho quá trình đổi mới hệ thống an sinh xã hội nói chung cũng như hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội nói riêng ở nước ta trong giai đoạn kế tiếp.

Như vậy, xét về thiết chế quản lý thì hệ thống văn bản pháp luật hiện khá đầy đủ cho việc hình thành những cơ sở trợ giúp xã hội. Ấy thế nhưng, từ câu chuyện của "Mái ấm Hạnh phúc" tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn vừa qua, có thể nhận thấy, vẫn còn những bất cập trong Nghị định 68. Điều ấy khiến các cơ quan chức năng cần mạnh dạn đối diện với bất cập đó để có thể bổ sung hoặc điều chỉnh quy định, nhằm tạo được một hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ sức mạnh. Nhưng, cũng tạo được một khoảng không gian mềm để tạo nên nguồn động lực cho những tập thể, cá nhân có nhu cầu và mong muốn được tham gia vào chăm sóc cộng đồng. Chỉ có như vậy, gánh nặng bảo trợ xã hội mới không chỉ dồn vào vai của Nhà nước mà được chia sẻ đều cho các nguồn lực đầu tư trong xã hội. Đừng để nhà hảo tâm phải đứng ngoài cuộc!

Thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 2330/QĐ-UBND, ngày 22-5-2015, phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó khuyến khích phát triển các hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở xã hội ngoài công lập đối với các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Thành phố sẽ dành quỹ đất thành lập mô hình Nhà xã hội tại cộng đồng trên địa bàn các quận, huyện chưa có cơ sở bảo trợ xã hội.