Tăng sức hút từ đổi mới cơ chế

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế chính sách để gia tăng sức hấp dẫn của thị trường bất động sản (BÐS) đối với nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI cũng sẽ được "nắn" để chảy vào những phân khúc tiềm năng, nhưng chưa được nhà đầu tư để mắt đến nhiều.

Cần định hướng dòng vốn FDI trong lĩnh vực BÐS vào những dự án quy mô lớn như dự án Thành phố thông minh tại huyện Ðông Anh (Hà Nội). Ảnh BRG
Cần định hướng dòng vốn FDI trong lĩnh vực BÐS vào những dự án quy mô lớn như dự án Thành phố thông minh tại huyện Ðông Anh (Hà Nội). Ảnh BRG
Tăng sức hút từ đổi mới cơ chế ảnh 1

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BÐS của Việt Nam trong giai đoạn gần đây?

- Có thể nói trong những năm qua các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực BÐS đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Việc đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BÐS không những góp phần phát triển công nghiệp, tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại mà còn thúc đẩy phát triển công nghệ xây dựng hiện đại với vật liệu xây dựng mới, phương pháp quản lý dự án chuyên nghiệp vào Việt Nam. Từ đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước học tập được nhiều kinh nghiệm về quản lý đầu tư, về thiết kế, thi công xây dựng, vận hành dự án.

Có được điều đó, trước hết là việc ra đời Luật Kinh doanh BÐS 2014 và Luật Nhà ở 2014 với chính sách thu hút FDI cởi mở hơn so với các quy định cũ như việc cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam; DN có vốn FDI được thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại, được nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BÐS của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua...

- Những mặt tích cực có thể thấy rõ, tuy vậy, hiện nay còn tồn tại sự bất hợp lý nào trong việc thu hút FDI vào BÐS không, thưa ông?

- Nói về bức tranh FDI trong năm 2018, tôi muốn nói đến dự án có vốn FDI lớn nhất nửa đầu năm 2018. Ðó là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Ðông Anh, Hà Nội) do một DN Nhật Bản hợp tác cùng DN Việt Nam, dự án có tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD, khởi công vào tháng 9-2018. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, có một thực tế cần lưu ý, các DN đang phát triển độc lập, chưa có định hướng chung để hình thành hệ sinh thái BÐS đồng nhất về tầm nhìn. Ðiều này được thể hiện rõ khi dòng vốn đầu tư vào BÐS những năm gần đây với cường độ cao nhưng chưa thật sự phân bố đồng đều, dẫn đến việc dòng tiền chủ yếu vào phân khúc BÐS cao cấp, khách sạn nghỉ dưỡng, trong khi chưa thúc đẩy được các phân khúc khác.

Có tín hiệu tích cực khi các nhà đầu tư (NÐT) nước ngoài đang liên doanh với các công ty BÐS Việt Nam để thực hiện dự án thuộc phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân. Sự bắt tay này là cần thiết bởi các chủ đầu tư trong nước có lợi thế là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, trong khi các NÐT nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án sẽ làm gia tăng giá trị dự án. Ðiều đó được minh chứng cho tiềm năng cũng như triển vọng lực hút vào BÐS bằng con số khá ấn tượng mà Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) đã công bố: Tính lũy kế đến tháng 7-2018, cả nước có 704 dự án BÐS có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 56,3 tỷ USD...

- Ở góc độ quản lý nhà nước, theo ông, cần có cơ chế, chính sách gì để vừa thu hút mạnh mẽ vừa có sự phân bổ hợp lý hơn nữa dòng vốn FDI vào các phân khúc BÐS?

- Nhìn lại giai đoạn từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BÐS tăng trưởng ổn định do có nhiều chính sách pháp luật đã được ban hành như Luật Xây dựng 2014, Luật Ðầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Kinh doanh BÐS 2014, Luật Nhà ở 2014... Các đạo luật này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các NÐT nước ngoài tham gia vào thị trường BÐS tại Việt Nam.

Tuy nhiên cũng thấy rằng, chính sách pháp luật ở Việt Nam vẫn cần phải được bổ sung, sửa đổi để đáp ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường. Trước hết, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành có liên quan cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật hiện hành nhằm thu hút hơn nữa nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BÐS, như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, mở rộng thêm loại hình BÐS mà người nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam, hoàn thiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với BÐS nghỉ dưỡng, du lịch.

Ngoài các phân khúc cao cấp thì các NÐT đã bắt đầu chuyển hướng hợp tác với các DN trong nước để phát triển các sản phẩm căn hộ cho người thu nhập trung bình, thấp tại khu vực đô thị. Do đó, cũng cần xem xét, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm thu hút nguồn vốn FDI vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội... Ðây là thị trường rất tiềm năng, phù hợp với nhu cầu thực tế, với lợi thế của các NÐT nước ngoài trong thiết kế căn hộ diện tích nhỏ và chi phí vốn thấp kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho phân khúc BÐS này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Ðức Nghĩa

(Thực hiện)