Tăng hướng dẫn, giảm thủ tục

Tình trạng người dân vượt tuyến khám và điều trị do không tin tưởng chất lượng dịch vụ tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện đáng kể, cho thấy thực tế cần thúc đẩy nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS Lương Ngọc Khuê (trong ảnh), Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế về vấn đề này.

Tăng hướng dẫn, giảm thủ tục

- Niềm tin vào y tế cơ sở hiện nay vẫn còn là vấn đề nan giải khi người dân vẫn dồn lên tuyến trên khám, chữa bệnh. Ông có thể nói gì về thực tế này?
 
 - Thống kê cho thấy, hiện có đến 35,4% số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến trung ương mà bệnh có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh mà bệnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã. Việc vượt tuyến khám, chữa bệnh diễn ra khá phổ biến, nhiều người bệnh đến cơ sở y tế tuyến trung ương để khám, chữa trị các bệnh mà lẽ ra họ có thể được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện. Việc này gây quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương.
 
 Để xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân tự thân người dân muốn kiếm tìm sự yên tâm thì còn bởi y tế cơ sở chưa tạo được niềm tin với người dân bằng chất lượng phục vụ. Thực tế cho thấy, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế phát triển chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
 
 - Đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ và bản thân các cơ sở y tế tuyến dưới thời gian qua cũng đã rất nỗ lực để nâng cao chất lượng?
 
 - Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ tay nghề cho nhân viên y tế, thời gian qua nhiều cơ sở đã ứng dụng khá tốt công nghệ thông tin vào quá trình khám, chữa bệnh, quản lý bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh mạn tính. Hiện một số tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt công tác quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở. Tại các địa phương này, đối với các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, người có bảo hiểm y tế (BHYT) được khám bệnh, cấp thuốc định kỳ tại trạm y tế gần nhà rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hồ sơ khám, chữa bệnh điện tử được nhiều trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện thực hiện thời gian qua đã tạo bước đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm bớt thủ tục hành chính.
 
 Về phía sở y tế các tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trạm y tế; phối hợp với các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ các trạm y tế bằng việc cử cán bộ về cầm tay, chỉ việc. Một số địa phương cũng xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở.
 
 - Để nâng dần chất lượng y tế tuyến cơ sở, theo ông cần tập trung vào nội dung nào?
 
 - Trước thực trạng người dân vượt tuyến khám, chữa bệnh như thời gian qua đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đang triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Đề án đặt ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Theo đó, giai đoạn 2020-2021, Đề án ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm… tại các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.
 
 Từ nay đến năm 2030, ngành y tế xác định sẽ triển khai mạnh mẽ hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, triển khai đồng bộ chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại 100% số xã, phường, thị trấn, trong đó tập trung vào một số bệnh như ung thư, tim mạch, đái tháo đường. Bộ Y tế sẽ tăng cường hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật áp dụng tại trạm y tế xã theo danh mục trong gói dịch vụ y tế cơ bản; danh mục 38 bệnh thường gặp tại xã. Đầu tư trang thiết bị, xét nghiệm cơ bản phù hợp với năng lực chuyên môn của trạm y tế xã. Đối với xã có đủ trình độ sẽ mở rộng siêu âm, điện tim nhằm tăng tính hấp dẫn khám, chữa bệnh tại xã, phát hiện bệnh sớm, tăng niềm tin của người bệnh.
 
 - Xin cảm ơn ông!
 
 An Hà (thực hiện)