Tận dụng lợi thế từ thị trường 18.000 tỷ USD

Làm gì để có thể nắm bắt cơ hội rộng lớn với một thị trường có đến 508 triệu dân khi HIệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu âu - EU (EVFTA) được thực thi? Trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân cuối tuần, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải (trong ảnh) cho rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tận dụng lợi thế từ thị trường 18.000 tỷ USD

- Thưa ông, đang có những lo ngại hai ngành dệt may và da giày sẽ khó nắm bắt được cơ hội từ EVFTA bởi một số những điểm còn hạn chế trong sản xuất. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất trên thế giới, với giá trị nhập khẩu năm 2018 khoảng 219,58 tỷ USD. Đây là thị trường lớn của xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam nhưng ta cũng chỉ chiếm thị phần khoảng 2,65%, tức là tiềm năng để phát triển còn tương đối lớn. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra triển vọng lớn nhờ vào việc quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khá chặt nhưng có một số linh hoạt. Điều này thể hiện ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, là quy tắc xuất xứ hai công đoạn (làm từ vải trở đi) so với nguyên tắc ba công đoạn (làm từ sợi trở đi) trong CPTPP. Thứ hai, EU cho phép cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc là đối tác đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và hiện Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 14% nguyên liệu. Điểm mấu chốt để tận dụng được ưu đãi là chúng ta phải giải quyết được khâu nguyên liệu, trong đó quan trọng nhất là giải quyết được điểm nghẽn trong khâu nhuộm vải. Hiện nay, Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành trình Chính phủ các cơ chế như thúc đẩy thành lập các khu liên hợp dệt - nhuộm, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, tăng cường công tác tìm kiếm thị trường và xúc tiến thương mại…

Với da giày, hiện DN trong ngành đã tương đối chủ động trong một số nguyên liệu cơ bản, đủ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu sang EU đến năm 2025 của ngành dệt may dự kiến có thể tăng 67% và tăng gấp đôi đối với ngành da giày nếu EVFTA được sớm đưa vào thực thi. Tất nhiên điều kiện là phải xử lý được các điểm nghẽn, đặc biệt là trong khâu nhuộm vải.

- Thưa ông, vậy Bộ Công thương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể như thế nào để đáp ứng đòi hỏi cải cách mạnh mẽ từ việc thực thi các FTA thế hệ mới?

- Để thích ứng được với một sân chơi ngày một lớn hơn, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp từ góc độ quản lý nhà nước. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong các FTA thế hệ mới một cách toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị. Cũng như nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện áp dụng hiện hành, đặc biệt chú trọng đến các nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... Đồng thời, chúng ta cũng cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng DN và đội ngũ cán bộ nhà nước tại địa phương để bảo đảm hiểu rõ và thực hiện đúng cam kết trong các FTA thế hệ mới.

Thứ hai, triển khai hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh việc cấp C/O qua internet. Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với thể chế ổn định, minh bạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ. Thứ tư, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, khuyến khích DN liên kết theo chuỗi sản xuất, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giải pháp này cần sự nỗ lực đồng bộ từ cả Nhà nước lẫn DN bằng kế hoạch dài hạn, bài bản. Thứ năm, cần có cơ chế cảnh báo sớm để DN có thể chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế. Thứ sáu, cần có các chính sách xúc tiến thương mại theo từng thị trường, trong cả trung và dài hạn. Tiếp tục đẩy mạnh và chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền sản xuất cung ứng toàn cầu.

- Bộ Công thương muốn gửi thông điệp gì đến DN để giúp họ thực hiện hiệu quả và đón nhận lợi ích từ EVFTA?

- Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, hợp tác mới cho DN hai bên. Đối với DN Việt Nam, các DN lớn dường như có sự chuẩn bị tốt hơn so với các DN vừa và nhỏ. Các DN xuất khẩu dường như tích cực hơn so với các DN phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi Hiệp định được ký kết.

Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các DN cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực trên cơ sở tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất. Ngoài ra, để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, DN cần bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.

- Xin cảm ơn ông!