Tâm thế mới trong thời cơ mới

Tự thay đổi trong phương thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường, sinh viên ra trường có việc làm ngay, đó là mục tiêu của nhiều trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Song, để mục tiêu thành hiện thực, cần có kế hoạch và những chương trình hành động cụ thể.

Giờ học thực hành của sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Ðịnh. Ảnh: Trần Hải
Giờ học thực hành của sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Ðịnh. Ảnh: Trần Hải

Dựng "ăng-ten" đón sóng thị trường

Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao (CÐCNC) Hà Nội là một trong những cơ sở dạy nghề đi đầu trong cải cách giáo dục nghề nghiệp, khi ban lãnh đạo đã có chủ trương biến nhà trường thành nhà máy thời Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi luôn chọn con đường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo kết hợp nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm, kinh doanh dịch vụ và giải quyết có hiệu quả việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ðể đáp ứng nhu cầu về thị trường lao động có trình độ kỹ thuật cao, trường không ngừng đổi mới, đặc biệt đang dần xóa đi các khoa độc lập. Thay vào đó, các khoa được kết nối liên hoàn. Các trang thiết bị, máy móc sẽ thành hệ thống kết nối thông qua internet. "Nhà trường coi thiết bị công nghiệp như cơ sở sản xuất và mô hình hóa công tác ấy. Không chỉ nỗ lực đổi mới đào tạo, trường còn đẩy mạnh kết nối với nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn theo hình thức "đào tạo theo đặt hàng". Nhờ sự nỗ lực đó, hơn 80% số sinh viên ra trường có việc làm ngay", TS Khánh nhấn mạnh.

Ba năm sau khi tốt nghiệp Trường CÐCNC Hà Nội, Nguyễn Văn Hải vẫn yên tâm làm việc tại Công ty TNHH Compal ở khu công nghiệp (KCN) Bá Thiện 1 (Vĩnh Phúc), chuyên sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi. Hải chia sẻ: "Công ty hiện có khoảng 7.000 công nhân. Riêng em, thu nhập đang ở mức chín triệu đồng/tháng. Dự kiến công ty mở rộng sản xuất, tổng số công nhân sẽ tăng gấp đôi, cơ hội cho người trẻ có tay nghề cao là rất nhiều".

Không thể không kể đến một địa chỉ đào tạo nhân lực chất lượng cao là Trường đại học (ÐH) Bách khoa Hà Nội. Từ năm 2017 đến nay, nhà trường luôn tiến hành những đổi mới mang tính chiến lược về chương trình đào tạo, nhằm giúp sinh viên nâng cao kỹ năng số, tiếp cận công nghệ mới của CMCN 4.0. Trong chiến lược mới, nhà trường đề ra một số giải pháp phát triển mô hình và chương trình theo chuẩn mực quốc tế, như theo mô hình tiếp cận mục tiêu (CDIO: conceive - hình thành ý tưởng, design - thiết kế, implement - triển khai/thực thi, operate - vận hành); áp dụng công nghệ dạy học, kết hợp học trực tuyến với học truyền thống (blended learning) và phát triển kho học liệu mở. Ðặc biệt, dự án Elitech được thiết kế dành cho các sinh viên ưu tú có mong muốn trở thành chuyên gia giỏi hoặc nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi. Ngoài ra, theo PGS, TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Trường ÐH Bách khoa Hà Nội), nhà trường tăng cường xây dựng mối liên kết với các DN nhằm giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn, tạo kết nối trong nghiên cứu khoa học và hỗ trợ công tác đào tạo. Ðể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không thể thiếu vai trò hợp tác với các tập đoàn công nghệ, nhất là trong một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi nền tảng công nghệ chuyên sâu.

Ðột phá từ ngành dịch vụ logistics

Hiện nay nhiều trường ÐH, phát triển các ngành liên quan kinh tế đối ngoại và logistics, bởi cơ hội phát triển rất lớn. Các cơ quan liên quan cũng khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho các ngành này. Về cơ chế, ngày 14-2-2017, Quyết định số 200/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đã tạo động lực thúc đẩy nhiều trường ÐH, cao đẳng mạnh dạn đầu tư chiều sâu, mở thêm ngành đào tạo mới liên quan logistics. Mùa tuyển sinh các năm 2018, 2019, 2020 trở nên rất sôi động và nhiều trường đã lập chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh riêng ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng năm 2021 của Trường ÐH Giao thông vận tải Hà Nội là 110 sinh viên; Trường ÐH Bách khoa Hà Nội tuyển 100 sinh viên; Trường ÐH Kinh tế quốc dân tuyển 120 sinh viên; Trường ÐH Ngoại thương với chỉ tiêu ngành Kinh tế đối ngoại và logistics là khoảng 300 sinh viên…

Tại Trường ÐH Hàng hải Việt Nam, từ năm 2012 chính thức mở ngành đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, ban đầu là 200 sinh viên. Hiện nay nhà trường nâng cấp ngành Logistics bằng việc mở chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và Logistics, với chỉ tiêu dao động từ 600 đến hơn 1.000 sinh viên. Chuyên ngành mới được giảng dạy toàn bộ bằng tiếng Anh theo chương trình hợp tác với Học viện Hàng hải California (Mỹ). Hiện tại, Trường ÐH Hàng hải Việt Nam là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xây dựng, phát triển kinh tế biển, đào tạo logistics tại khu vực.

Theo PGS, TS Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường ÐH Hàng hải Việt Nam, bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 gắn với CMCN 4.0, thì năm 2021 liên quan đến chuyển đổi số, phát triển dịch vụ logistics, kinh tế biển... Trong bối cảnh ấy, nguồn nhân lực phải nâng cao cả kiến thức, tay nghề, các kỹ năng và thái độ làm việc.

Tất nhiên, chẳng gì là dễ dàng, bởi như chia sẻ của PGS, TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Ngoại thương, ngành Kinh tế đối ngoại và Logistics đòi hỏi sinh viên phải học cật lực. Song với mỗi sinh viên có lực học tốt, từ năm thứ ba đã đi thực tập, có lương và 100% số sinh viên ra trường có việc làm. "Trong mấy năm trở lại đây, nhận thấy đòi hỏi nhân lực chất lượng cao trong môi trường quốc tế, chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình hướng nghiệp quốc tế, thu hút những sinh viên giỏi học lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế. Nhất là chủ động kết hợp các DN cùng đào tạo, nhằm tìm ra tiếng nói chung để sản phẩm đào tạo đáp ứng cao nhất yêu cầu của nhà tuyển dụng", PGS, TS Phạm Thu Hương chia sẻ thêm.