Tầm nhìn và chính sách

Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chính sách thu hút nhân tài, “chiêu hiền đãi sĩ” (năm 1998), sau 23 năm, Đà Nẵng đã bổ sung được nhiều cán bộ có trình độ, có năng lực, đóng góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 

Chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Bắc cùng lãnh đạo huyện Hòa Vang thăm mô hình trồng hoa của người dân thôn Lộc Mỹ.
Chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Bắc cùng lãnh đạo huyện Hòa Vang thăm mô hình trồng hoa của người dân thôn Lộc Mỹ.

Những mùa quả ngọt
 
 BSCKII Võ Hữu Hội, Trưởng Khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, là một trong những bác sĩ về công tác tại Đà Nẵng theo chính sách thu hút nhân tài. Tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế năm 2001, năm 2007 bác sĩ Hội về công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, và là một trong 20 tấm gương điển hình của Giải thưởng Tỏa sáng Blouse trắng TP Đà Nẵng lần thứ hai năm 2014. 14 năm “đầu quân” cho Đà Nẵng, bác sĩ Hội tâm huyết chia sẻ: Chính sách thu hút nhân tài đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện Đà Nẵng. Là người thầy thuốc, việc đầu tiên và trước nhất là phải mang được kiến thức mình học áp dụng vào thực tế công việc, thực hiện sứ mệnh cứu người bằng tình thương, trách nhiệm.
 
 Cùng chính sách thu hút nhân tài, từ năm 2008, Đà Nẵng xây dựng, triển khai thành công Đề án 89 về “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Từ Đề án này, hiện nay Đà Nẵng có một tuyến cán bộ chủ chốt xã, phường năng động và hầu hết số cán bộ này được luân chuyển, trưởng thành, tạo bước đột phá về nhận thức, về công tác chỉ đạo nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, tạo nguồn cho các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã.
 
 Đơn cử tại huyện Hòa Vang có nhiều cán bộ trẻ thế hệ 8X đã để lại dấu ấn tốt đẹp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được nhân dân tin tưởng. Điển hình như chị Lê Thị Thu Hà, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Bắc; chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong; anh Nguyễn Tấn Phát, Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Hòa Vang… Chị Thu Hà là cán bộ trẻ, trưởng thành từ Đề án 89, được bố trí giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, sau đó được luân chuyển về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, đến nay đã hơn sáu năm, khi Huyện ủy xem xét để bố trí nhiệm vụ khác sau luân chuyển, chị Thu Hà đã xin phép tổ chức tiếp tục ở lại với Hòa Bắc. Tại Đại hội Đảng bộ xã Hòa Bắc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chị Hà tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã.Với bà con nơi đây, hình ảnh nữ cán bộ này luôn gần gũi bởi những cống hiến hết mình không ngừng nghỉ, cùng với lãnh đạo xã xây dựng nhiều chương trình, đề án, kêu gọi nhiều nguồn hỗ trợ để xây dựng đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
 
 Linh hoạt điều chỉnh chính sách
 
 Từ năm 1998 đến nay, theo từng giai đoạn, TP Đà Nẵng đã có sự điều chỉnh đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, ngành nghề thu hút phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng, tính đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên. Trong đó có 25 tiến sĩ, 283 thạc sĩ, bác sĩ nội trú, 961 cử nhân đại học. Đã bố trí tại cơ quan hành chính 591 người, trong đó tại các sở, ban, ngành là 387, chiếm 30,5%; tại các quận, huyện 76 người, chiếm 6%; tại phường, xã là 128 người, chiếm 10,1% và bố trí vào đơn vị sự nghiệp là 678 người, chiếm 53,4%. Nhiều cán bộ đã trưởng thành sau thời gian công tác tại TP Đà Nẵng, đã có 451 người trở thành đảng viên, 300 người được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, trong đó có 21 người giữ chức vụ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quản lý…
 
 Để thu hút nhân tài, TP Đà Nẵng đã xây dựng cơ chế, chính sách quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, thực hiện chính sách bảo đảm tính vượt trội so đối tượng khác trong cùng cơ quan như: chế độ đãi ngộ ban đầu, hỗ trợ hằng tháng, bố trí nhà ở cho một số người từ các địa phương khác đến công tác tại Đà Nẵng với tổng kinh phí ước tính hơn 56 tỷ đồng...
 
 Bên cạnh các kết quả đạt được, việc tuyển dụng, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn bất cập. Đã xảy ra tình trạng học viên vi phạm cam kết, kiện chính quyền thành phố; có tình trạng “chảy máu chất xám”. Trong số 1.269 người được thu hút, tuyển dụng, có hơn 100 người nghỉ việc. Một số giai đoạn, khâu thu hút, đào tạo còn dàn trải, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp, số lượng vượt chỉ tiêu biên chế được giao, còn nặng về đào tạo trí thức và thu hút bằng cấp.
 
 Năm 2019, Đà Nẵng đã “tổng rà soát”, “siết lại” chính sách thu hút, đào tạo nhân tài, ban hành Quy định thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công. Theo đó, tiếp tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với hai hình thức thu hút nhân tài làm việc lâu dài và thu hút nhân lực đến làm việc ngắn hạn/bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố với chế độ đãi ngộ phù hợp.
 
 Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, trong thời gian tới Đà Nẵng sẽ chú trọng đẩy mạnh thu hút chuyên gia đầu ngành về công tác đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường; tăng cường kênh thông tin, đối thoại giữa thành phố và đối tượng thu hút. Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức có nhiều thành tích, đóng góp cho thành phố... tạo điều kiện để họ tham gia vào các chương trình, dự án lớn, qua đó tiến cử, lựa chọn bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho thành phố.
 
 
 Tổ chức chuyên đề: Ngô Phương Thảo, Văn Học.