Suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, phóng viên báo Nhân Dân trao đổi với PGS, TS Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chung quanh giá trị của tác phẩm đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng

- Thưa Phó Giáo sư, đạo đức cách mạng được hiểu như thế nào qua tác phẩm của Bác?

Bác Hồ nói về đạo đức của người cách mạng từ năm 1924, trong bài viết “Lê-nin và các dân tộc Phương Đông”, trong đó Người đề cao tinh thần yêu lao động, lối sống trong sáng, nếp sống giản dị của V.I. Lê-nin. Ngày nay, chúng ta đều cho rằng 23 điều Bác viết về Tư cách một người cách mệnh trong phần đầu của cuốn sách Đường cách mệnh là thể hiện các chuẩn của đạo đức cách mạng. Tra cứu trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập, khái niệm đạo đức cách mạng được sử dụng nhiều lần trong 79 bài viết, bài nói của Người. Trong bài viết đăng trên tạp chí Học tập số 12 năm 1958 với nhan đề Đạo đức cách mạng, bút danh Trần Lực, Bác nêu rõ: Đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác và cùng đồng chí mình tiến bộ.

- Vậy người có đạo đức cách mạng phải đáp ứng những chuẩn mực nào?

Nghiên cứu ba tác phẩm Đường cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc và Đạo đức cách mạng, có thể thấy bài Đạo đức cách mạng đăng trên tạp chí Học tập số 12-1958 trình bày và giải thích một cách toàn diện, chặt chẽ và khái quát nhất về đạo đức cách mạng và biểu thị đầy đủ các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Bác Hồ chỉ rõ đạo đức cách mạng gồm bốn chuẩn theo thứ tự được trình bày, trong đó, “điều chủ chốt nhất” và là “tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Chuẩn thứ hai của đạo đức cách mạng được Người chỉ ra là cán bộ, đảng viên phải thể hiện bằng hành động “ra sức” để thực hiện ba nội dung: 1) Ra sức “làm việc cho Đảng”, 2) Ra sức “giữ kỷ luật của Đảng”, 3) Ra sức “thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng”. Người còn viết rõ: “đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”. Những giải thích trên cho thấy, theo Hồ Chí Minh, trung thành và ra sức làm việc của cán bộ, đảng viên không phải vì danh, lợi cá nhân mà vì lợi ích của Đảng, của nhân dân để hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, để dám hy sinh, tranh đấu quên mình và phải đạt tới mức “gương mẫu trong mọi việc” của hành động thực hiện mục tiêu lý tưởng. Đó là sự vượt trội của đạo đức cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh.

- Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được kết quả thực chất, cần chú trọng điều gì trong công tác xây dựng Đảng hiện nay?

Theo tôi, cần phân biệt rõ các chuẩn mực của đạo đức cách mạng mà Bác Hồ chỉ ra với quan niệm về đạo đức nói chung của con người Việt Nam. Những người đứng trong hàng ngũ của Đảng trước hết phải có đủ những chuẩn là con người hoàn chỉnh theo quan niệm của Bác, đồng thời, phải có đủ những chuẩn mực mà Bác Hồ nêu lên trong bài Đạo đức cách mạng.

Trong thực tiễn cuộc sống, cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục về đạo đức cách mạng theo từng đối tượng, với những chuẩn mực khác nhau. Có ba đối tượng khác nhau. Đối với quần chúng nhân dân, cần chú ý giáo dục ở cấp độ chung nhất, với các chuẩn mực và giá trị chung của dân tộc. Đối với cán bộ, đảng viên cần giáo dục những chuẩn mực ở mức độ cao hơn, là đảng viên là người lãnh đạo quần chúng, yêu cầu phải cao hơn, như được nêu trong tác phẩm Đạo đức cách mạng và những bài nói, bài viết của Bác Hồ. Đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, người đứng đầu các đơn vị cấp huyện và tương đương trở lên thì yêu cầu phải cao hơn nữa, phải đạt đến mức độ nêu gương, như Trung ương Đảng đang chỉ đạo thời gian gần đây. Cần thực hiện theo phương châm trong Đảng trước, toàn dân sau.

Bên cạnh đó, cần phải hành động để chứng minh cho sự mẫu mực, nêu gương. Chẳng hạn, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực cần xử lý nghiêm minh, bất luận đó là ai. Những sai phạm dù qua nhiều nhiệm kỳ cũng phải xử lý nghiêm, nhất định không dùng cách “phạt cho tồn tại”. Các công trình sai phạm tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội hay Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh đều cần làm rõ người, rõ tội, quyết không bao che, nhân nhượng. Nếu xử nhẹ người này thì cũng phải xử nhẹ người khác, dung túng sai phạm này rồi cũng dung túng sai phạm khác, đua nhau làm như thế thì còn gì là chuẩn mực nữa?! Tôi cũng đồng tình với chủ trương thanh lọc đảng viên mà Trung ương sẽ tiến hành trong thời gian tới. Ai không đủ chuẩn thì đưa ra khỏi Đảng. Lãnh đạo nào mà đạo đức có vấn đề, uy tín thấp, quần chúng, đảng viên không phục thì phải thay thế. Muốn Đảng là đạo đức, là văn minh thì đảng viên nhất định phải có đạo đức cách mạng.