Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo

Sớm hoàn chỉnh kho học liệu kiểu mới

Trong kỷ nguyên số, việc kết nối, chia sẻ học liệu giữa các địa phương, gia đình, nhà trường, hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý nên việc mở rộng và nâng cao tính hữu hiệu của kho học liệu kiểu mới còn nhiều gian truân.

Nhờ có kho học liệu online, các giáo viên có thể làm phong phú hơn nội dung giảng dạy. Ảnh: TRẦN MINH
Nhờ có kho học liệu online, các giáo viên có thể làm phong phú hơn nội dung giảng dạy. Ảnh: TRẦN MINH

Dịch Covid-19 mang đến nhiều áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số (CĐS) trở nên mạnh mẽ hơn. Covid-19 mặt nào đó đã tạo cơ hội và động lực để đổi thay thích ứng, trong đó việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến đã được triển khai rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi.

Đánh giá cao vai trò của CĐS trong giáo dục, PGS,TS Lê Văn Thanh, chuyên gia về giáo dục mở - từ xa cho rằng: Tính đến nay, chúng ta đã huy động tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số toàn ngành, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa nhiều tài liệu cần thiết. Điều này góp phần xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời. Để giúp người dân cần gì học nấy, việc số hóa những kiến thức hết sức cơ bản đáp ứng nhu cầu học liên tục và suốt đời không phải quá khó. Trước hết, cần số hóa lượng kiến thức phục vụ cho chính người dân sinh sống tại nơi đó. Thứ đến hoàn toàn có thể chia sẻ chúng ra cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng còn có băn khoăn, việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu học liệu số cần có hành lang pháp lý chung phù hợp các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin. Sớm có hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển được hệ thống dữ liệu số, sẽ đáp ứng tốt yêu cầu CĐS quốc gia nói chung và giáo dục - đào tạo nói riêng.

Trong "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", lĩnh vực giáo dục là một trong tám trọng tâm. Việc hình thành kho học liệu số trực tuyến sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến của ngành giáo dục trong thời gian tới. Đề án Chính phủ "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa", đã hiện thực hóa việc này. Trong đó, nền tảng giáo dục số - igiaoduc.vn là sản phẩm hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa thực hiện mục tiêu ban đầu là tạo ra một nền tảng kho học liệu số trực tuyến. Mục đích của kho học liệu này nhằm thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung, phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường; đồng thời giúp nâng cao "năng lực số" cho giáo viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số có hiệu quả. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.

Hai năm qua, Bộ GD&ĐT đã hợp tác với Ban điều hành Đề án xây dựng, phát triển nền tảng giáo dục số igiaoduc.vn nhằm tạo ra một nền tảng thu thập và chia sẻ kho học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường, đặc biệt phục vụ cho dạy - học trực tuyến. Bước đầu, nền tảng đã hoàn thành phần mềm thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 30.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông. Hệ thống cũng đã tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Hiện tại, hệ thống đã cấp tài khoản cho hơn một triệu giáo viên trên cả nước để tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng. Được phát triển trên nền tảng mở, igiaoduc.vn khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là các thầy, cô giáo và các em học sinh vào tham gia sử dụng và đóng góp nội dung và các tài liệu học tập lên hệ thống. Chặng đường số hóa kho học liệu số còn dài và sẽ còn cần nhiều hơn nữa nỗ lực của toàn ngành và cả cộng đồng để CĐS thật sự là nền tảng giúp giáo dục cất cánh.

Đến nay Bộ GD&ĐT đã số hóa, gắn mã định danh khoảng 53.000 trường mầm non, phổ thông, gần 24 triệu học sinh và hơn 1,4 triệu giáo viên,…