Siết huy động vốn qua trái phiếu

Liên quan đến các quy định quản lý kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp (DN) e ngại sẽ gặp khó khi bị siết chặt huy động. Trong khi đó, các nhà làm luật vẫn cho rằng, thắt chặt là cần thiết, giúp bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như hạn chế nguy cơ từ tình trạng lạm dụng huy động vốn qua kênh này.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ gặp khó nếu hoạt động phát hành trái phiếu DN bị thắt chặt!
Nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ gặp khó nếu hoạt động phát hành trái phiếu DN bị thắt chặt!

Quy định quá chặt?

Theo quy định hiện hành, DN thực hiện chào bán riêng lẻ trái phiếu chỉ cần thực hiện thủ tục rất đơn giản: Một bản công bố thông tin sơ sài, không ai chịu trách nhiệm thẩm định thông tin đó chính xác hay không, có bị tô vẽ, thổi phồng hay không? Trước phát hành 10 ngày, DN chỉ cần gửi thông báo tới Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) mà không phải nộp hồ sơ chào bán lên Ủy ban Chứng khoán (UBCK) chờ xét duyệt. Ông Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quan ngại, tình trạng chạy đua phát hành trái phiếu DN làm nóng thị trường, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, trong khi các yêu cầu về tài sản bảo đảm không được đặt ra, các công cụ bảo hiểm rủi ro về thị trường xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa được hình thành sẽ tạo rủi ro, tiềm ẩn nợ xấu mới và ảnh hưởng đến mục tiêu điều tiết lãi suất ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)…

Theo Dự thảo nghị định mới, các DN phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ phải thực hiện một loạt yêu cầu mới với nhiều điều kiện chặt chẽ hơn buộc DN phải thực hiện các thủ tục chặt chẽ tương tự phát hành cổ phiếu riêng lẻ trên TTCK.

Tổng giám đốc của một công ty chứng khoán (CTCK) lớn cho rằng, khi thắt lại các quy định huy động vốn qua trái phiếu, độ lệch giữa kênh huy động vốn của nền kinh tế là ngân hàng và chứng khoán càng rộng hơn. Việc thắt chặt các DN và CTCK trong việc cung cấp các sản phẩm mới cho thị trường, cho nhà đầu tư, khiến DN kém linh hoạt và khó sáng tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Đầu tư TNG, đơn vị vừa phát hành thành công 136 tỷ đồng trái phiếu trơn, tức là không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh ngân hàng, một trong những khó khăn lớn nhất của các DN là vốn. Hiện, chi phí vốn vay ngân hàng rất cao, lãi suất dao động 10 - 12%/năm, song DN bị hạn chế hạn mức vay, phải có tài sản bảo đảm… Bởi vậy, huy động vốn qua kênh trái phiếu là một giải pháp phù hợp với nhiều DN.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao DN sản xuất rất khó khăn trong việc chấp nhận lãi suất cao ở các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ vì e ngại không có phương án kinh doanh hiệu quả và tỷ suất lợi nhuận đủ để trả lãi trái phiếu và trăm khoản chi phí khác của DN. Thành thử, thống kê của các SGDCK thời gian qua cho thấy, chủ yếu các gương mặt phát hành trái phiếu thuộc nhóm bất động sản và các tổ chức tài chính như ngân hàng.

Đừng để luật trên giấy

Ngoài câu chuyện quy định chặt hay không, vấn đề lớn hơn đặt ra ở đây là khả năng giám sát việc thực thi luật một cách nghiêm túc. Nhìn vào thực tế hiện nay, sự lộn xộn trên thị trường trái phiếu DN chủ yếu do tình trạng lách luật trong khâu thực hiện. Cụ thể, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, trái phiếu DN phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư (NĐT), không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Ấy vậy mà, thị trường vẫn nhan nhản các lời chào mời NĐT cá nhân mua trái phiếu, giá trị từ vài triệu đồng đều được chấp nhận. Có tình trạng này là do trái phiếu thường được một số tổ chức tài chính như ngân hàng, CTCK mua F1 sau đó họ xé lẻ ra chào bán cho các NĐT cá nhân. Thế nên, trái chủ của các DN phát hành không chỉ giới hạn ở dưới 100 NĐT mà có thể nhân bản ra hàng nghìn NĐT. Các nhà đầu tư F2, F3 thường không có khả năng thẩm định DN phát hành, không được tiếp cận bản công bố thông tin của DN, thậm chí nhiều trường hợp cũng chỉ được giới thiệu mỗi cái tên DN. Nếu mọi chuyện suôn sẻ sẽ không có gì đáng nói, nhưng nếu thị trường bất động sản hoặc kinh tế vĩ mô diễn biến xấu, DN phát hành không có khả năng trả nợ gốc và lãi, sẽ khó có thể lường được những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra!?

Có thể thống kê những cái tên đình đám gọi được vốn khủng qua kênh trái phiếu như Vingroup, Novaland, Sunshise, Phát Đạt… Các đợt phát hành thường không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, không được bảo lãnh thanh toán song có quy mô tới 10 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng…

Các NĐT cá nhân thường bị yếu tố lãi suất cao vẫy gọi, lại thêm chào mời thời gian đầu tư linh hoạt, có thể rút trước hạn bất kỳ thời điểm nào, mà chạy theo những đợt phát hành trái phiếu đầy rủi ro.

Luật được ban hành chặt nhưng không được giám sát, buông lỏng trong thực thi vừa tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa DN thực hiện nghiêm túc và những DN lách luật vừa tạo ra rủi ro hệ thống đối với toàn thị trường và chính sách tài chính tiền tệ nói chung.

Tại Ma-lai-xi-a, trái phiếu DN chiếm tới 48% tổng dư nợ của nền kinh tế, nhưng tất cả DN khi phát hành đều được định mức tín nhiệm. Tuy nhiên ở Việt Nam hầu như chưa có DN nào thực hiện định nhiệm, ngoài một số ngân hàng.

Bà TRẦN THỊ THU THANH, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Sản phẩm trái phiếu phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm của các bên có liên quan đến quá trình phát hành. Nhà đầu tư cá nhân (NĐT) không đủ thông tin, trình độ thẩm định sản phẩm là điều rủi ro cho cả NĐT và thị trường còn khá non trẻ này.

Ông ĐẶNG VĂN THANH, Chủ tịch Hội Kế toán kiểm toán Việt Nam: Khi phát hành trái phiếu DN, báo cáo tài chính nhất thiết phải được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán được thừa nhận, được cho phép bởi Chính phủ, nhất là phải có báo cáo tài chính xác nhận tại thời điểm DN phát hành. Đây là một bộ lọc sơ khởi cho các nhà đầu tư trên thị trường.