Sẽ còn tám đợt triều cường tiếp diễn

Ðó là dự báo được Tiến sĩ Mai Văn Khiêm (ảnh bên) - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân cuối tuần. Nguy cơ ngập lụt, vỡ đê bao cũng được cảnh báo sớm để chính quyền và người dân chủ động ứng phó.

Sẽ còn tám đợt triều cường tiếp diễn ảnh 1- Thưa ông, triều cường có phải là nguyên nhân gây ra ngập lụt nghiêm trọng tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền tây những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10? Liệu triều cường năm nay có gì khác biệt so với quy luật không?

- So với các khu vực ven biển khác trong cả nước, ven biển Nam Bộ ít bị ảnh hưởng của các loại hình thiên tai trên biển như bão và áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, với đặc thù là vùng đồng bằng thấp, lại có hệ thống cửa sông lớn, nên khu vực này thường xuyên bị nước biển lấn sâu vào trong nội địa khi có triều cường. Hiện tượng này ngày càng xảy ra mạnh hơn khi lưu lượng nước từ thượng nguồn hệ thống sông Mê Công đổ về hạ lưu ngày một giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Hiện tượng nước biển lấn sâu vào nội địa phụ thuộc vào chế độ thủy triều ở khu vực cửa sông ven biển và nước dâng do gió, áp thấp nhiệt đới và bão. Ðối với khu vực ven biển Nam Bộ, hiện tượng ngập khi triều cường thường xuyên xảy ra vào một số ngày của các tháng cuối và đầu của năm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau). Ðây là thời gian tập trung nhiều nhân tố kết hợp như biên độ thủy triều lớn, gió mùa mạnh và có thể có hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới nên gây ra triều cường kết hợp nước biển dâng cao. Bên cạnh đó, mức độ ngập úng trong các đợt triều cường còn phụ thuộc vào mưa, lũ trong đất liền, khả năng thoát úng của cơ sở hạ tầng và mức độ sụt lún của bề mặt đất. Thực tế cho thấy có nhiều đợt xảy ra ngập úng nghiêm trọng mặc dù triều cường không phải quá cao như đợt triều cường vào đầu tháng 10-2018.

Những năm gần đây, nhiều kỷ lục về độ cao mực nước bị phá vỡ. Ðợt triều cường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm nay với mực nước quan trắc được tại trạm hải văn Vũng Tàu thấp hơn mức kỷ lục vào tháng 12-1999 chỉ 1 cm (4,35 m năm 2019 so với 4,36 m năm 1999), tuy nhiên lại tạo nên kỷ lục độ cao mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn (1,77 m năm 2019 so với 1,44 m năm 1999). Thống kê cho thấy, các đợt triều cường cao tại ven biển Nam Bộ thường bắt đầu từ cuối tháng 10 (giai đoạn 1999-2019, đợt triều cường cao xuất hiện sớm nhất vào ngày 9-10 năm 2010), như vậy, đợt triều cường những ngày đầu tháng 10 gây ngập lụt cho khu vực Nam Bộ, trong đó có TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ là xuất hiện sớm hơn quy luật hằng năm.

- Sau đợt triều cường đến sớm hơn quy luật, Trung tâm có dự báo như thế nào về các đợt triều cường ở Nam Bộ trong thời gian tới?

- Dự báo những tháng còn lại của năm 2019 và đầu năm 2020, ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện tám đợt triều cường, vào khoảng ngày 15-18 và 26-31 của tháng 10; ngày 13-16 và ngày 25-30 của tháng 11; ngày 12-16 và ngày 25-28 của tháng 12-2019. Ðầu năm 2020, sẽ có triều cường vào khoảng ngày 11-14 tháng 1 và ngày 10-14 tháng 2.

Nhiều khả năng hai đợt triều cường vào giai đoạn ngày 26-31 tháng 10-2019 và 25-30 tháng 11-2019 sẽ xấp xỉ, hoặc cao hơn đợt triều cường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, nhất là khi có gió mùa đông bắc cường độ mạnh lấn sâu xuống vùng biển phía nam. Ðỉnh triều sẽ xuất hiện vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối, gây ngập úng và tác động không nhỏ đến giao thông trong giờ cao điểm.

- Trung tâm có khuyến nghị gì với các địa phương trong việc chuẩn bị ứng phó với các đợt triều cường gây nguy cơ ngập lụt, sạt lở ở những vùng trũng thấp, vùng ngoài đê bao, thưa ông?

- Triều cường sẽ gây ra tình trạng ngập úng, gia tăng nguy cơ vỡ đê bao và làm chậm thoát lũ trên sông. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng như người dân phải chủ động trong công tác ứng phó.

Ðối với chính quyền địa phương: Tiếp nhận các thông tin cảnh báo, dự báo sớm về triều cường và khu vực, thời gian và mức độ ngập. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về triều cường và tác động của triều cường tại khu vực. Chủ động lên phương án bảo vệ các tuyến đê bao xung yếu, cảnh báo các khu vực có nguy cơ ngập úng cao, bảo đảm hệ thống thoát nước nhanh, phân luồng giao thông tại những khu vực ngập úng bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế tối đa rủi ro đối với tính mạng và tài sản của người dân.

Ðối với người dân: Chủ động theo dõi những thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là về thời gian và khu vực ngập để điều chỉnh kế hoạch tham gia giao thông và có phương án bảo vệ tài sản.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Khánh (Thực hiện)