Quy hoạch khảo cổ trước sức ép của phát triển kinh tế

Câu chuyện nan giải “tồn tại hay không tồn tại” của nhiều di chỉ khảo cổ học hiện nay đang tiếp tục trở nên thời sự với việc di chỉ khảo cổ học “đặc biệt quan trọng” trong bản đồ khảo cổ học Việt Nam - Vườn Chuối (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) đối diện nguy cơ bị xóa sổ. Để có thể hóa giải phần nào mâu thuẫn này, một trong những giải pháp quan trọng, là cần phải xây dựng một quy hoạch, một bản đồ cho khảo cổ học Việt Nam. Nếu không nhanh tay, rất nhiều di chỉ khảo cổ vô giá sẽ biến mất trước khi chúng ta hoàn thiện xong phương án bảo tồn.

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Hoàng thành Thăng Long 2019. Ảnh: NGỮ THIÊN
Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Hoàng thành Thăng Long 2019. Ảnh: NGỮ THIÊN

Khi giá trị văn hóa vẫn bị xem nhẹ

Được khai quật lần đầu vào năm 1969, tính tới thời điểm này, di chỉ Vườn Chuối đã trải qua gần 10 cuộc khai quật lớn, nhỏ. Các nhà khoa học đã phát hiện ba tầng văn hóa liên tiếp, từ văn hóa Đồng Đậu (3.500-3.000 năm), văn hóa Gò Mun (3.000-2.500 năm) cho đến văn hóa Đông Sơn (2.500-1.800 năm). Phức hợp di tích Vườn Chuối được đánh giá có một vị trí quan trọng trong bản đồ khảo cổ học Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là một trong những khu di tích chứa đựng dấu tích của các cộng đồng cư dân cổ từ cách đây hơn 3.000 năm đến 2.000 năm và nói theo ngôn ngữ khảo cổ học lịch sử, các cư dân thời Tiền Đông Sơn và Đông Sơn (được coi là người Việt cổ, một trong những tổ tiên của người Việt sau này) đã tụ cư trên vùng đất này. Sự lựa chọn không gian sống của họ cho thấy một quá trình tiếp nối về ứng xử với tự nhiên, tổ chức xã hội và mưu sinh thiên về trồng lúa trên các chân ruộng gần sông suối.

Rõ ràng, sự tồn tại của di chỉ Vườn Chuối đã được cả người dân và cơ quan chức năng ghi nhận từ rất nhiều năm trước, vậy nhưng, con đường 3.5 và khu đô thị Kim Chung - Di Trạch vẫn “đột ngột” xuất hiện, nằm ngay vào phần lớn của di tích. Nếu so quy mô của con đường với phạm vi phân bố của dấu tích văn hóa cổ mà Đoàn Khai quật Vườn Chuối đang tiến hành từ hơn một tháng nay thì đường sẽ đi qua hai phần ba của khu trung tâm di tích. Sau rất nhiều lần các nhà khoa học và cư dân trong khu vực lên tiếng, công việc khai quật hiện tại được triển khai khẩn trương và công trường làm đường đã tạm dừng để tới đây có một cuộc bàn thảo nhiều bên nhằm đưa ra những giải pháp hợp lý và khả thi nhất về bảo tồn và phát huy giá trị di tích này.

Theo GS, TS Lâm Mỹ Dung, việc xảy ra ở Vườn Chuối và ở rất nhiều di tích khảo cổ học khác trước hết là do chúng ta không thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa và đã để lợi ích kinh tế vượt lên trên những lợi ích và giá trị văn hóa.

“Rõ ràng khi chưa có quy hoạch khảo cổ thì các quy hoạch phát triển khác rất dễ dẫn đến phá hoại di tích một cách vô ý thức. Nhưng khi các nhà quản lý đã biết đến sự hiện diện của di tích (từ năm 2009 các nhà khoa học đã có nhiều đơn kiến nghị tới các cơ quan hữu quan của Hà Nội về việc khu đô thị đang phá di tích khảo cổ học) mà không, hoặc chưa, hoặc ít những quyết sách hay giải pháp thì rõ ràng họ chưa làm đúng chức trách của mình. Di sản không tự mình cất tiếng nói để tự bảo vệ, tự bảo tồn, cho nên những người nghiên cứu, những người quản lý… là những người phải thay di sản đưa ra những giải pháp có lợi nhất cho di sản trong phát triển bền vững”- GS, TS Lâm Mỹ Dung thẳng thắn nhận định.

Chuyện của di chỉ Vườn Chuối không mới. Trước đó, trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều di tích phải khai quật theo kiểu “chữa cháy” trước khi có một công trình xây dựng mọc lên. Đầu tiên phải kể đến là cuộc khai quật di chỉ 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội năm 2002. Cuộc khai quật lớn nhất từ trước tới nay với hàng triệu hiện vật quý giá phát lộ đã cho thấy quy mô của Hoàng thành Thăng Long kéo dài từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Suốt nhiều năm sau đó việc bảo tồn khu di chỉ thế nào đã được các học giả trong và ngoài nước bàn thảo. Và sau cùng Hoàng thành Thăng Long đã được bảo tồn đúng với giá trị mà nó vốn có. Đồng thời được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Tiếp nữa là các cuộc khai quật Đàn Xã Tắc vào năm 2006 để chuẩn bị mặt bằng xây dựng nút giao Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Cuộc khai quật Đàn Nam Giao Thăng Long năm 2007. Khai quật nút giao Đào Tấn - Bưởi năm 2013 nhằm nghiên cứu và di dời di tích, di vật trong khu vực vòng Hoàng thành trước khi khởi công xây dựng tuyến đường vành đai II, kéo dài từ cầu Nhật Tân tới đường Láng…

… Đến quy định gần 10 năm chưa thực hiện được

TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định, đối với một thủ đô như Hà Nội, nơi ẩn chứa rất nhiều các di chỉ khảo cổ quan trọng thì việc có một Quy hoạch khảo cổ là đặc biệt cần thiết. Việc này đã từng được nhiều nhà nghiên cứu đồng loạt lên tiếng cách đây hơn chục năm rồi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do “tế nhị” cho đến bây giờ vẫn chưa thể làm được. Nếu không kịp thời xây dựng quy hoạch khảo cổ thì e là trước tốc độ phát triển như hiện nay, khó mà giữ được các di chỉ còn ẩn sâu dưới lòng đất, bởi lẽ, vì lợi ích kinh tế, người ta sẵn sàng gạt đi lợi ích về văn hóa. Nguyên nhân của việc chưa có quy hoạch khảo cổ học theo đánh giá của Viện trưởng Nghiên cứu Kinh thành là bởi chúng ta còn chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của các di chỉ. Các cuộc khai quật “chữa cháy” liên tục được diễn ra, giữa nhà khảo cổ và nhà xây dựng luôn không đồng nhất về quan điểm. Sự bị động khiến di sản đã không được tôn trọng.

PGS, TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam cho biết, vào khoảng những năm 1998-2000, Viện Khảo cổ học đã từng bắt tay vào xây dựng một bản đồ quy hoạch khảo cổ học cho Hà Nội theo đơn đặt hàng của Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Việc xây dựng bản đồ này diễn ra khá công phu với sự tham gia trực tiếp của “tứ trụ” nổi tiếng giới sử học khi đó là các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng. Bên cạnh đó còn có một số cán bộ khác của Viện Khảo cổ… Ông Tín cho biết, bản đồ quy hoạch (chủ yếu là bốn quận nội thành cũ) sau khi hoàn thành được chuyển về Sở Văn hóa - Thông tin lưu trữ và từ đó ông cũng chưa thấy áp dụng bao giờ.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đã quy định các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ, kèm theo phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần. Khi đã xây dựng được quy hoạch khảo cổ với các nội dung cơ bản như số lượng và loại hình di tích, vị trí, phạm vi của di tích, mức độ quan trọng của di tích, tiềm năng nghiên cứu và phát huy giá trị của di tích, những nguy cơ tác động đến di tích… thì sẽ có cơ sở khoa học để xây dựng các dự án phát triển và thực hiện Luật Di sản văn hóa một cách đầy đủ và đúng luật. Đó sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng, tùy theo mức độ quan trọng, mà quyết định bảo tồn hay xóa sổ di chỉ, khi phải cân đối với mục tiêu phát triển.

Tương tự như thế, nếu có quy hoạch khảo cổ học chi tiết và đầy đủ thì việc nghiên cứu khảo cổ học sẽ được tiến hành một cách khoa học, hệ thống và bền vững, có nghĩa là có kế hoạch nghiên cứu khai quật hợp lý, áp dụng những phương pháp không xâm hại nhiều hơn… để bảo đảm còn chỗ, còn trữ lượng cho thế hệ mai sau.

Thế nhưng, suốt ngần ấy năm từ khi ra đời, quy hoạch khảo cổ vẫn chỉ là quy định trên giấy. Vậy nên, những cuộc khai quật “chữa cháy” kiểu như ở Vườn Chuối sẽ chưa hẳn là trường hợp sau cùng. Và ngay cả khi một bản quy hoạch có ý nghĩa quan trọng như vậy được xây dựng xong, cần phải có nhiều quy định và giải pháp đi kèm, để những nội dung ấy có thể phát huy giá trị, tác động tích cực đến sự phát triển của đời sống xã hội.