Quảng Bình trong nắng lửa

Nắng rát mặt, nóng nung người. Ðất Quảng Bình khát cháy suốt mấy tháng qua. Một trận mưa quý như vàng mới đổ xuống, song cũng mới chỉ đủ làm dịu bớt chút khắc nghiệt, chứ chưa thay đổi được gì nhiều. Mùa nắng hạn ở Quảng Bình thường kéo tới tận tháng 9...

Quảng Bình trong nắng lửa

Những vạt đồng cháy sém

Cuối năm 2018, do lượng mưa ít nên các hồ, đập ở Quảng Bình chỉ đạt mức dự trữ thấp so với dung tích thiết kế. Từ đầu năm đến nay, nắng nóng gần 40 độ kéo dài, lượng nước ít ỏi ấy lại càng eo hẹp. Theo Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phụng, lượng nước bình quân của 151 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 40-60% dung tích thiết kế, thậm chí có những hồ dung tích dưới 20%. Chỉ hai tháng sau Tết Nguyên đán 2019, một số hồ đã ở mức "nước chết", hoặc trơ cạn đáy.

Huyện Quảng Trạch có ba hồ chứa nước lớn là Vực Tròn, Tiên Lang và Trung Thuần phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho toàn vùng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6, chỉ hồ Vực Tròn đủ khả năng tưới tiêu nước cho các xã vùng Roòn, còn hai hồ Tiên Lang và Trung Thuần mực nước chỉ đạt 10 - 15% dung tích, không thể cung cấp đủ nước tưới cho vụ hè - thu của các xã vùng trung và phía tây Quảng Trạch. Anh Phan Văn Trí, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Trạch "vò đầu bứt tai": "Sản xuất nông nghiệp nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào các hồ chứa. Nhưng năm nay hồ cạn khô, nên ruộng đồng vừa xuống giống đã nứt nẻ, cây lúa bạc đầu, sắp cháy khô cả rồi!".

Ở nhiều xã như Quảng Lưu, Quảng Thạch nhiều diện tích trồng lúa phải bỏ hoang vì không có nước. Tuyến kênh Kênh Kịa dài hơn 10 km, có nhiệm vụ thoát lũ và dẫn nước phục vụ cho các trạm bơm tưới, giờ cũng phơi đáy.

Tuyên Hóa và Minh Hóa là hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình. Ở đây không có các hồ chứa nước lớn, nên sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước khe, suối và vài ba hồ nước nhỏ. Vụ hè - thu này, toàn huyện xuống giống 1.183 ha lúa. Song, hiện nay, dù các địa phương đã chủ động khơi thông kênh mương và tiết kiệm nước nhưng bởi nắng hạn dài ngày, "lúa thiếu nước bắt đầu cháy khô" - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuyên Hóa Nguyễn Tri Phương bất lực xác nhận.

Những thành giếng khô rêu

Không chỉ cung cấp nguồn nước cho sản xuất, các hồ chứa tại Quảng Bình còn là nơi cấp nước sinh hoạt và tạo mạch nước ngầm để người dân sử dụng, thông qua hệ thống giếng khơi hoặc giếng khoan. Bởi vậy, khi nước tại các hồ, đập xuống thấp, nước sinh hoạt cũng bắt đầu trở thành "xa xỉ", đối với hàng nghìn hộ dân.

Tuyên Hóa những ngày qua nắng nóng như rang, gió phơn thổi mạnh suốt ngày đêm, không khí đặc quánh, nhiệt độ "đứng" ổn định ở mức 41-41,5 độ C. Thượng nguồn sông Gianh, nhiều đoạn đã cạn trơ đáy, chỉ còn một vài lạch nhỏ. Lần đầu sau 30 năm, do khô hạn, sông Gianh bị nhiễm mặn lên đến thượng nguồn Rào Trổ.

Thiếu nước, người dân quay cuồng tìm nguồn nước để phục vụ những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Nơi còn lạch nước giữa sông thì ra gánh nước về dùng, bất kể chất lượng như thế nào; nơi sông trơ đáy thì đến các khe suối sâu dùng can đưa nước về. Không có nữa ư? Thôi thì đành bấm bụng mua nước bình dùng dè xẻn.

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Quảng Bình Bùi Thái Nguyên xác nhận những con số choáng váng: Toàn bộ 113 công trình cấp nước tập trung trong tỉnh đều không bảo đảm cung cấp đủ số lượng và chất lượng nước cho người dân. Một số công trình nước bị nhiễm phèn hoặc xâm nhập mặn. Trong đó, 18 công trình tại hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa đã ngừng hoạt động; 27 công trình nguồn nước đầu vào sụt giảm mạnh, lượng nước cung cấp hằng ngày chỉ đạt từ 15% - 40% công suất thiết kế; ba công trình lấy nước nguồn từ sông Gianh bị nhiễm mặn.

Mà nắng hạn vẫn sẽ còn kéo dài…

Và một cuộc chiến đấu trường kỳ

Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình để vận hành hợp lý, tăng cường các giải pháp tích trữ và tưới nước hợp lý. Tỉnh cũng trích ngân sách hơn 30 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương chống hạn.

Trạm cấp nước Tiến Hóa, công suất 2.200 m3/ngày-đêm, cấp nước cho ba xã Tiến Hóa, Châu Hóa và Văn Hóa hiện giảm còn 400m3/ngày-đêm. Theo trạm trưởng Nguyễn Ðình Quang, đơn vị đã phải áp dụng biện pháp cấp nước luân phiên theo khu vực hoặc theo giờ. Còn tại công trình cấp nước Mai Hóa, do nước đầu vào ở thượng nguồn sông Rào Trổ nhiễm mặn nên công nhân vận hành phải lựa chọn thời điểm triều xuống thấp nhất để lấy nước đầu vào.

Khan nước, Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình phải lắp các trạm bơm dã chiến ngay trong lòng hồ, để bơm nước lên kênh dẫn về đồng ruộng. Rồi ngay trên cánh đồng cũng phải đặt máy bơm cơ động bơm nước từ ở các hói, kênh, mương vào tưới cho lúa. Từng xã cũng tổ chức các trạm bơm dã chiến, để vét những giọt nước vô giá còn lại trong kênh, mương đưa vào ruộng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân, giải pháp hiệu quả nhất để chống hạn là nâng cấp và đầu tư thêm các hồ chứa tại các vùng khó khăn về nước. Song, nguồn thu ngân sách của địa phương còn thấp, nên hướng đi này cũng không dễ dàng gì.

Liệu còn cách nào khác, để giảm bớt nỗi khốc liệt mà thời tiết cực đoan đang giáng xuống Quảng Bình nói riêng, và cả "khúc ruột miền trung"?

Tỉnh Quảng Bình có 151 đập, hồ chứa nước và một hồ thủy điện với tổng dung tích chứa khoảng 560 triệu m3, phục vụ tưới cho hơn 55.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt, trong đó có 130 hồ đập, hồ chứa quy mô vừa và nhỏ chủ yếu do cấp xã quản lý. Nhiều hồ, đập có tuổi thọ 30 - 40 năm, lại chịu tác động của mưa bão, lũ lụt nên đã xuống cấp, hư hỏng, khả năng tích nước bị hạn chế.