Quản lý nghiêm từ sản xuất đến tiêu dùng

Làm thế nào để xây dựng chuỗi nông sản thực phẩm an toàn (TPAT)? Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, cần sớm hoàn thiện thể chế và cải cách mạnh mẽ ngành nông nghiệp.

Quản lý nghiêm từ sản xuất đến tiêu dùng

-Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn trên cơ sở gia tăng cả ba tiêu chí: số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và số điểm bán sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng chưa tăng được bao nhiêu. Vì sao vậy, thưa ông?

- Mặc dù định hướng đã rõ và đã có những chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã và liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NÐ-CP của Chính phủ, nhưng số chuỗi, sản lượng và sản phẩm chuỗi được xác nhận còn ít; bao bì, nhãn mác, thông tin truy xuất chưa đa dạng; việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chuỗi đến người dân chưa thường xuyên, liên tục… Trong việc xây dựng chuỗi vẫn còn các tồn tại, hạn chế như: Kinh phí đầu tư, đặc biệt tại các địa phương cho phát triển hạ tầng vùng sản xuất tập trung và hỗ trợ liên kết, phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn còn hạn chế. Việc kết nối giữa các khâu trong chuỗi (giữa hộ sản xuất với nhau và với doanh nghiệp (DN) chế biến, kinh doanh) còn lỏng lẻo, chưa cùng chung mục tiêu và ràng buộc liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp, lâu dài...

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể tập trung vào mấy yếu tố chính: Sản xuất, chế biến nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, suất đầu tư thấp, chưa đủ điều kiện cơ bản bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, phân chia trách nhiệm, lợi nhuận giữa các tác nhân trong chuỗi chưa cụ thể, rõ ràng và hợp lý. Chi phí sản xuất, bao bì, nhãn mác đủ thông tin truy xuất và xác nhận sản phẩm chuỗi cao so với sản xuất, kinh doanh truyền thống. Người tiêu dùng chưa được thông tin đầy đủ, thường xuyên để dễ tiếp cận, ủng hộ sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT.

- Thưa ông, Bộ NN&PTNT sẽ làm gì để tháo gỡ những khó khăn trên?

- Theo kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng, TPAT trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019, Bộ NN&PTNT tập trung nhóm giải pháp, như: Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn, giá trị cao; tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm cho các đối tượng tham gia chuỗi giá trị nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá các sản phẩm nông sản TPAT.

Bộ cũng chỉ đạo, đôn đốc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn, giá trị cao gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng đó, quản lý nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn nông sản TPAT cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Làm sao để các địa phương cũng "xắn tay" vào việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản TPAT, thưa ông?

- Ðiều quan trọng lúc này là các địa phương cần tập trung vào việc ban hành các chính sách cụ thể hóa chính sách chung của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác xã và liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NÐ-CP, trọng tâm là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng và tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bảo đảm chất lượng, an toàn.

Cũng cần tăng cường hỗ trợ tập huấn áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tại khâu sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến GMP, HACCP, ISO 22000... tại khâu chế biến, kinh doanh cùng với phát triển HTX, tổ hợp tác,
trang trại... liên kết với DN kinh doanh, phân phối. Hỗ trợ xây dựng mạng lưới điểm bán, khu vực kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm chuỗi nông sản
TPAT. Ðẩy mạnh tuyên truyền,
quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, được kiểm soát theo chuỗi
.

Các địa phương, cơ sở, DN cần thiết phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai mạnh mẽ kế hoạch thực hiện Chương trình "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản TPAT vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020".

-Trân trọng cảm ơn ông!

Trong năm 2018 đã có 1.845 cơ sở trồng trọt được cấp Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 80.000 ha (tăng 61.000 ha so năm 2017), khoảng hơn 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 2.618 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 313 trang trại và 2.502 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP.