Phục hồi văn hóa - nghệ thuật thời “hậu Covid-19”

Chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, và cho đến thời điểm hiện tại vẫn phải chật vật thiết lập trạng thái “bình thường mới”, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật chưa nhận được sự hỗ trợ nào và đang phải “một mình vượt khó”.

Sau khi tạo nên “cơn sốt vé” trong năm 2019, vở ballet Hồ Thiên Nga (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) dự định lưu diễn toàn quốc, nhưng đã phải hoãn vô thời hạn do dịch Covid-19.
Sau khi tạo nên “cơn sốt vé” trong năm 2019, vở ballet Hồ Thiên Nga (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) dự định lưu diễn toàn quốc, nhưng đã phải hoãn vô thời hạn do dịch Covid-19.

Được hỗ trợ ở thế “cào bằng”


Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các tổ chức văn hóa - nghệ thuật do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện, tác động bởi Covid-19 hiện diện ở mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Điều đó được phản ánh qua tình trạng đóng cửa - dừng hoạt động của các thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng,... Trong khi, mọi hoạt động văn hóa - nghệ thuật như các chương trình biểu diễn nghệ thuật, dự án làm phim hay chiếu phim, liên hoan, sự kiện văn hóa - nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật,… bị hủy hoặc dừng không thời hạn; các chương trình/khóa đào tạo, giáo dục về văn hóa - nghệ thuật bị hoãn hoặc hủy; nghệ sĩ, nhà làm phim, giám tuyển, chuyên gia văn hóa, các cá nhân thực hành văn hóa và nghệ thuật, giảng viên và đào tạo viên... bị cắt giảm lương/thù lao hoặc nghỉ việc...

Dịch Covid-19 đã vượt quá mức độ của một cuộc khủng hoảng thông thường, đặt toàn bộ các tổ chức văn hóa - nghệ thuật lớn, nhỏ trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng, vốn đã luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trước tình trạng sống còn. Trong khi các ngành đã ước tính được mức độ thiệt hại, có ngành đã trình ra được kế hoạch “cấp cứu”, phục hồi thì tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có công bố, một đánh giá toàn diện nào về thiệt hại cũng như một kế hoạch nào cho sự hồi phục của văn hóa - nghệ thuật thời hậu dịch. Ngay cả số liệu tổng kết thiệt hại toàn ngành cũng mới dừng ở mức chung chung, đó là “thiệt hại chưa đo đếm được”.

Trong buổi làm việc của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo các đơn vị khối nghệ thuật, trao đổi về những giải pháp tổ chức các hoạt động sau dịch Covid-19 vào sáng 19-5 vừa qua, những đánh giá, số liệu cũng mới chỉ được nêu ra một cách chung chung. Một số giải pháp mới chỉ đả động đến các đơn vị trực thuộc Bộ.

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ban hành các quyết định như Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong số các đối tượng thụ hưởng, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình và cá nhân là các lao động có hợp đồng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và sáng tạo có thể nhận được sự hỗ trợ dưới hai hình thức trợ cấp thất nghiệp, mất thu nhập, giảm thu nhập… trực tiếp và trợ cấp qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Chính phủ. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nhân lực của ngành văn hóa.

Việt Nam hiện có gần 47 nghìn doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo, phần lớn là có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nguồn lực tài chính lớn, chủ yếu thuê nhà đất/văn phòng/nhà xưởng từ tư nhân... Các tổ chức văn hóa - nghệ thuật độc lập cùng lúc cũng đối diện với nhiều khó khăn tương tự như chi phí thuê địa điểm của tư nhân không được miễn, giảm; không có hoạt động dẫn đến không có nguồn thu, tư cách pháp nhân chưa có và lao động tự do là chủ yếu, không có mối ràng buộc nào vào cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp.

Văn hóa - nghệ thuật và sáng tạo là một ngành có nhiều đặc thù, lại đang chịu những hậu quả nặng nề không kém những ngành khác. Vì thế, cần những sự hỗ trợ đặc thù và lâu dài hơn từ Chính phủ; song đến nay, ngành vẫn đang nằm trong gói hỗ trợ chung theo kiểu “cào bằng”.

Thiết lập hệ thống hỗ trợ ứng phó với khủng hoảng


Khi dịch bùng phát, bên cạnh các chính sách, các gói cứu trợ về kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyên biệt cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa - nghệ thuật. Có thể kể ra một số thí dụ như: Singapore (1,6 tỷ SGD), Vương quốc Anh (160 triệu bảng Anh), Pháp (22 triệu Euro), Đức (50 tỷ Euro), Italia (130 triệu Euro), Mỹ (75 triệu USD), Canada (60 triệu CAD)… Ngoài ra, còn có nhiều chiến dịch, nhiều hành động kết nối các cộng đồng, các tổ chức văn hóa - nghệ thuật, các nhà hảo tâm quan tâm tới văn hóa - nghệ thuật nhằm duy trì hoạt động của ngành trong tình trạng lockdown (phong tỏa nhằm phòng, chống dịch).

Trong khi đó, ở ta sợi dây cố kết trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giải trí, sáng tạo, vốn lỏng lẻo lâu nay, càng trở nên lỏng lẻo hơn trong đại dịch. Chúng ta thiếu những tổ chức văn hóa - nghệ thuật mạnh, cũng thiếu một cộng đồng văn hóa mạnh. Vì thế, hoạt động văn hóa - nghệ thuật thiếu chủ động và rơi vào trạng thái “cố thủ trong nhà”. Cũng có một số trường hợp nỗ lực xoay trở để vượt thoát khỏi khủng hoảng, nhưng nhìn chung chưa tạo được sức bật.

Về phương diện quản lý nhà nước, theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ khu vực văn hóa - nghệ thuật ứng phó đại dịch Covid-19 cho thấy một điểm thống nhất chung về hướng tiếp cận của các chính phủ là việc nhanh chóng thiết lập một hệ thống hỗ trợ văn hóa - nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng một cách tổng thể, toàn diện và bền vững.

Một khi “xương sống” đó được tạo lập, ta không chỉ ứng phó được với Covid-19 mà còn đủ năng lực chống chịu được tác động của các cuộc khủng hoảng khác. Thế chủ động đó, sẽ quyết định sức mạnh nội tại của chính nền văn hóa đó.