Phòng chống tham nhũng chính sách

LTS- Sau hơn 30 năm đổi mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, một số chính sách, pháp luật vẫn còn không ít chồng chéo, mâu thuẫn; có biểu hiện bị chi phối bởi cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm”. Làm thế nào để ngăn chặn tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách? Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu góc nhìn của TS Nguyễn Sĩ Dũng về vấn đề thời sự trên.

Nếu thiếu đi những “chốt chặn” trong quy định đối với phương thức đầu tư xây dựng, chuyển giao (BT) sẽ tạo nên nguy cơ phát sinh tham nhũng. Ảnh: ĐĂNG ANH
Nếu thiếu đi những “chốt chặn” trong quy định đối với phương thức đầu tư xây dựng, chuyển giao (BT) sẽ tạo nên nguy cơ phát sinh tham nhũng. Ảnh: ĐĂNG ANH

Tham nhũng chính sách là việc lạm dụng quyền ban hành chính sách, pháp luật để phục vụ lợi ích của cá nhân hoặc phe nhóm. (Pháp luật chứa đựng rất nhiều chính sách nên pháp luật cũng cần phải được nhắc đến ở đây).

Với định nghĩa trên, chúng ta thấy chủ thể của hành vi tham nhũng chính sách chỉ có thể là những cán bộ có quyền ban hành chính sách, pháp luật. Đội ngũ này là rất lớn bao gồm cả các cán bộ của Đảng và Nhà nước, ở cả trung ương và địa phương. Để tiện cho việc phân tích, bài viết này chỉ đề cập đến các cán bộ của Nhà nước.

Các cán bộ Nhà nước có quyền ban hành chính sách có thể chia thành hai loại. Loại thứ nhất là những người có quyền hoạch định chính sách, và loại thứ hai là các cán bộ có quyền thẩm định và thông qua chính sách. Các cán bộ của Chính phủ, các bộ/ngành, các Ủy ban nhân dân, các sở, phòng… thuộc loại thứ nhất. Các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp thuộc loại thứ hai.

Tham nhũng chính sách mang lại lợi ích siêu lớn hơn cho những kẻ tham nhũng, đồng thời cũng để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho đất nước. Một chính sách phát triển ngành méo mó được thông qua có thể làm lợi không thể kể xiết cho một số người, nhưng đồng thời cũng làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước. Một quyền năng không chính đáng được cài vào trong luật có thể hợp pháp hóa sự nhũng nhiễu vô tận của một số người, nhưng đồng thời cũng làm cho đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp hết sức khó khăn. Như vậy, tham nhũng chính sách có thể thể hiện dưới hai hình thức: Một là, ban hành một chính sách có lợi cho cá nhân và phe nhóm; Hai là, luật hóa các quyền năng không chính đáng để dễ bề nhũng nhiễu.

Phòng chống tham nhũng chính sách ảnh 1

Trong phiên thảo luận về dự Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, vấn đề tham nhũng chính sách đã được đặt ra. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Hậu quả to lớn của tham nhũng chính sách là điều rất dễ cảm nhận. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng chính sách lại không phải là điều dễ nhận biết. Có hai lý do cơ bản ở đây. Thứ nhất, ban hành chính sách là một công việc mang tính chính trị rất cao. Một chính sách được coi là tốt đẹp từ một góc nhìn này, vẫn có thể bị coi là tồi tệ từ một góc nhìn khác. Thí dụ, chính sách hạn chế nhập khẩu hàng hóa trong nước đã sản xuất được sẽ rất tốt đẹp cho những người sản xuất hàng hóa, nhưng chưa chắc đã tốt đẹp cho những người tiêu dùng. Chính sách bắt các xe ô-tô con phải có bình cứu hỏa sẽ rất tốt đẹp cho các doanh nghiệp sản xuất bình cứu hỏa, nhưng chưa chắc đã tốt đẹp cho những người có xe ô-tô. Chính vì thế khó có thể có một chuẩn mực khách quan, trung lập để nhìn nhận về một chính sách.

Thứ hai, hệ lụy của chính sách là điều rất khó nhận biết ngay từ đầu. Năng lực phân tích chính sách, năng lực đánh giá tác động của chính sách là những thứ chúng ta còn đang thiếu hụt khá nghiêm trọng trong quá trình lập pháp, cũng như trong quá trình ban hành chính sách.

Để chống lại nạn tham nhũng chính sách, nhiều người cho rằng phải giao lại công việc soạn thảo chính sách, pháp luật cho Quốc hội (và HĐND). Để các cơ quan quản lý soạn thảo chính sách, pháp luật là xung đột lợi ích. Các cơ quan này rất dễ cài cắm các quyền năng, các lợi ích của mình vào trong các chính sách, pháp luật. Thoạt nghe, ý kiến này không phải là không có lý. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì vấn đề lại không đơn giản như vậy.

Trước hết, Quốc hội, HĐND không điều hành thì không thể nhận biết vấn đề kịp thời và không thể đưa ra phản ứng chính sách kịp thời.

Thứ hai, chính sách, pháp luật liên quan đến những lĩnh vực chuyên môn rất sâu, mà Quốc hội và HĐND sẽ không bao giờ có đủ nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn sâu như vậy cả.

Thứ ba, khi các cơ quan điều hành soạn thảo chính sách thì Quốc hội và HĐND sẽ là các cơ quan thẩm định. Thế nhưng, nếu Quốc hội, HĐND soạn thảo chính sách thì ai sẽ thẩm định? Nếu không có sự thẩm định thì chất lượng chính sách làm sao có thể bảo đảm được?!

Cuối cùng, không có gì bảo đảm là lợi ích nhóm sẽ không tác động khi chính sách được soạn thảo ở Quốc hội và HĐND.

Để chống lại tham nhũng chính sách, bảo đảm sự minh bạch của quy trình chính sách và bảo đảm trách nhiệm giải trình có lẽ là cách làm hiệu quả hơn.
Tính minh bạch bắt đầu từ nguyên tắc chính sách chỉ có thể được ban hành để xử lý một vấn đề quan trọng của đất nước, không thể ban hành vì ý thích của các nhà hoạch định. Phải có công cụ để nhận biết vấn đề và xác lập ưu tiên của việc xử lý vấn đề. Phải có năng lực nghiên cứu để xác định đúng nguyên nhân của vấn đề và đề ra phản ứng chính sách phù hợp. Phải có năng lực phân tích chính sách để thấy rõ những được, mất của chính sách và các hệ quả có liên quan.

Trách nhiệm giải trình bắt đầu từ việc cơ quan hoạch định chính sách cam kết chịu trách nhiệm về chính sách đã được đề ra. Nếu chính sách được đề ra không mang lại kết quả mong muốn, người đứng đầu cơ quan này sẽ từ chức để nhận trách nhiệm.

Ngoài ra, năng lực thẩm định chính sách, pháp luật của Quốc hội và HĐND cũng phải được nâng cao. Nếu tham nhũng chính sách, nếu lợi ích nhóm được cài cắm vẫn có khi được phê chuẩn, thì quả thực, năng lực thẩm định ở đây còn chưa được như mong muốn.

Đẩy lùi và tiến tới loại bỏ “tham nhũng chính sách” là một thách thức lớn đòi hỏi sự thống nhất cao trong toàn hệ thống. Những người có thẩm quyền ban hành chính sách không thể “vô can” khi cơ chế, chính sách, dự án luật có nguy cơ tham nhũng được thông qua.