Phải để người dân thật sự là chủ thể

Đó là chia sẻ của TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, khi ông chia sẻ về những tồn tại, bất cập của hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số.

Phải để người dân thật sự là chủ thể

- Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số luôn là vấn đề được nhà nước quan tâm, đầu tư. Nhiều chương trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đã được triển khai. Tuy nhiên, không ít đề án khi đi vào thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập và không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Ông có thể chia sẻ góc nhìn về vấn đề này?

- Ðó là thực tế. Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do khảo sát dự án chưa chuẩn, cho nên có những chương trình, như Dự báo bảo tồn ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ba Vì, Hà Nội). Người Dao không có nhà thờ. Vậy nhưng người ta lại xây ở đó cái nhà thờ, nhà văn hóa. Thế thì hỏng rồi. Bảo tồn văn hóa vật thể thì phải nguyên trạng. Nếu bảo tồn nghề thủ công mà gắn được với du lịch thì rất tốt. Phải thay đổi tư duy. Bảo tồn không phải là xây dựng cơ sở vật chất mà là bảo tồn cái hồn của làng, bản. Ðể làm sao người dân sống được nhờ cái hồn đó.

Nguyên nhân thứ hai là phương pháp bảo tồn còn yếu. Bảo tồn văn hóa phi vật thể (VHPVT) thì phải chú ý mấy đặc trưng: Thứ nhất, vai trò chủ thể là cộng đồng. Cộng đồng quyết định chứ đừng cái gì cũng trông cậy vào nhà nước. Rất nhiều nơi khôi phục lễ hội nhưng chính quyền đứng ra mở, mà không phân cấp cho người dân, như thế thì người dân không làm chủ. Nhà nước chỉ đứng ra quản những khâu mà người dân không làm được. Thí dụ như quản lý về trật tự an ninh, vệ sinh thực phẩm. Thứ hai là đặc trưng tổng thể nguyên hợp (tức sự kết dính ngay từ ban đầu) chưa đạt. Ðặc trưng thứ ba là phải bảo tồn môi trường sản sinh ra cái văn hóa đó. Nếu không bảo tồn được môi trường thì khó có thể bảo tồn được di sản văn hóa.

Nguyên nhân thứ ba, còn nhiều nơi không làm tốt việc gắn di sản với du lịch. Nhất là ở khu vực miền núi, những nơi có tài nguyên du lịch thì phải gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, phát huy cái di sản đó trở thành nguồn lực của du lịch, thì người dân mới được xóa đói, giảm nghèo, lúc đó di sản mới được bảo tồn.

- Trong các đề án bảo tồn, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau và thường không được đặt đúng vị trí. Xin ông cho biết ý kiến?

- Hầu hết chính quyền cấp cơ sở đều nghĩ vấn đề bảo tồn là việc của nhà nước. Thí dụ tổ chức Lễ hội xuống đồng người ta lại đề cái băng-rôn là UBND xã A tổ chức lễ hội xuống đồng năm Y. Ðứng ra tổ chức thì phải là cộng đồng chứ. Tất nhiên phải có vai trò giám sát của nhà nước. Giám sát chứ không phải làm thay. Hãy cứ để cộng đồng người ta sắm vai vào lễ hội. Ông thầy cúng, trưởng làng, trai thanh gái tú chung tay vào tổ chức, coi lễ hội là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời người ta. Ở đồng bằng, ngay cả Hội Gióng mà nhà nước cũng làm thay. Nhưng cũng không thể nói lễ hội là của dân thì trả hết cho dân. Phải phân cấp, vai trò nhà nước quản lý, còn chủ thể là người dân.

Theo tôi, chủ nhân của VHPVT phải là cộng đồng, là nghệ nhân. Ðặc biệt, nghệ nhân là người nắm giữ di sản VHPVT. Không có nghệ nhân thì không thể có di sản VHPVT. Nên phát huy vai trò của nghệ nhân.

-Vậy theo ông, đâu là giải pháp hiệu quả để giúp bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của các tộc người dân tộc thiểu số?

- Người làm công tác bảo tồn phải đi thực tế, ăn ở với họ, hiểu họ. Sau đó muốn người dân tự hào về văn hóa dân tộc, hào hứng và muốn bảo tồn thì phải giúp họ có lợi ích, cả vật chất và tinh thần.

Tiếp theo đừng cái gì cũng muốn bảo tồn. Phải chọn lọc và có những điểm nhấn. Trong một huyện chọn lấy vài xã, trong vài xã đó chọn lấy vài làng, bản, có những nét độc đáo nhất để đầu tư trọng điểm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nên tận dụng và lồng ghép với các chương trình của Bộ Công thương. Bởi kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn khá hạn hẹp, nên sự kết hợp sẽ giúp hạn chế chi phí. Thí dụ hai bộ có thể kết hợp bảo tồn làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ, vừa giúp họ có đầu ra, vừa xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và Hội Phụ nữ cấp xã rất có uy tín với người dân tộc thiểu số. Các cơ quan chức năng cần huy động được sự tham gia của các tổ chức này, để họ giúp người dân nêu cao tinh thần tự hào về văn hóa dân tộc mình, kích thích niềm hứng khởi muốn được bảo tồn. Người dân là chủ thể, nếu họ không muốn gìn giữ, bảo tồn thì tất cả các nỗ lực khác sẽ chẳng có nghĩa gì.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!