Phải dám đi con đường chưa có ai khai phá

Nhìn nhận rằng, một trong những nguyên nhân khiến du lịch mạo hiểm ở Việt Nam vẫn ở dạng tiềm năng chính là do các doanh nghiệp có tâm lý ăn sẵn, ngại khai phá, PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, đề xuất, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.

Phải dám đi con đường chưa có ai khai phá

- Là một nhà nghiên cứu, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch mạo hiểm của Việt Nam hiện nay?

- Việt Nam có tiềm năng rất lớn về du lịch mạo hiểm. Đất nước ta có những dãy núi lớn, có địa hình núi đá vôi với hơn 50 nghìn km, trong hệ thống núi đá vôi có nhiều hang động. Thám hiểm hang động là một loại hình du lịch mạo hiểm hấp dẫn, Việt Nam đang ở trong tốp được thế giới công nhận. Tiềm năng thứ ba ở nước ta là chinh phục đại dương bằng thuyền bè. Ta có đường bờ biển dài, diện tích mặt nước biển 1 triệu km vuông và hệ thống hơn 3.000 hòn đảo, rất thuận lợi trong khai thác du lịch mạo hiểm. Hệ thống sông, suối, thác ở Tây Nguyên phù hợp phát triển du lịch vượt thác, kết bè mảng vượt sông…

Khai thác du lịch mạo hiểm rất hấp dẫn, nó vừa mạo hiểm nhưng vừa mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc biệt về con người, đất nước, văn hóa Việt Nam. Ngoài trải nghiệm vượt qua “nỗi sợ” trong mỗi con người, họ còn được trải nghiệm những điều rất bình dị, có giá trị về mặt tự nhiên và văn hóa.

- Với một tiềm năng rất lớn và hấp dẫn như thế nhưng du lịch mạo hiểm Việt Nam chưa khai thác hết các thế mạnh của mình, nếu không nói là còn dè dặt, manh mún.

Theo ông, nguyên nhân vì sao?

- Có nhiều lý do. Du lịch mạo hiểm liên quan đến sự an toàn của du khách, bắt buộc phải có đầu tư về con người và trang thiết bị khá tốn kém. Một vấn đề nữa là thị phần khách du lịch mạo hiểm rất nhỏ và quảng bá của chúng ta còn hạn chế để thu hút khách trong và ngoài nước.

- Thực tế, việc khai thác du lịch mạo hiểm sẽ có những tác động không nhỏ đến môi trường thiên nhiên, văn hóa bản địa. Theo ông, làm thế nào để cân bằng các khía cạnh này?

- Tác động đến thiên nhiên, văn hóa là vấn đề chung của du lịch. Chúng ta cần nghiên cứu những tác động ở hình thái nào để quản lý cho tốt. Du lịch mạo hiểm cũng vậy, sự xuất hiện của con người ở những nơi hoang vu, nhạy cảm thường để lại những tác động. Như hang động cũng là một thực thể sống bao gồm nhiều hệ sinh vật sống trong môi trường đặc biệt về ánh sáng, nhiệt độ, khi con người xuất hiện, ngay cả việc chiếu sáng của đèn cũng đã tác động đến môi trường chung quanh. Chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng đã có những cảnh báo như vừa qua, các công ty du lịch định khai thác hệ thống cáp treo vào Sơn Đoòng, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về những tác động không nhỏ đến môi trường, hệ sinh thái ở đó. Trong du lịch có khái niệm: sức chứa điểm đến, lượng khách tối đa ở một địa điểm nào đó nếu vượt qua, nó sẽ có tác động đến thiên nhiên, văn hóa và sự hài lòng của du khách. Tại sao Phi-li-pin, Thái-lan đóng cửa những bãi biển đẹp nhất của họ để phục hồi? Vì sự phát triển quá tải thời gian qua đã làm hỏng hệ sinh thái vùng biển đó. Ở Việt Nam, một số địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng cũng nhận ra điều đó. Cho nên, càng khai thác du lịch, chúng ta phải luôn chú ý đến sức chứa chứ không làm ào ào được.

- Vậy theo ông, có những giải pháp nào để du lịch mạo hiểm Việt Nam phát triển chuyên nghiệp hơn, thu hút nhiều khách du lịch?

- Hạn chế của các doanh nghiệp khai thác du lịch mạo hiểm ở Việt Nam là họ chỉ khai thác thị trường sẵn có, không muốn đầu tư vào những thị trường có rủi ro, họ không phát triển mà chỉ ăn sẵn. Trong du lịch, người làm tốt là dám đi con đường chưa ai đi, mặc dù khó khăn nhưng sẽ thành công và đem lại hiệu quả cao. Phân khúc thị trường của du lịch mạo hiểm hẹp nhưng khả năng chi trả rất cao, đó là cơ hội cho những doanh nghiệp dám dấn thân, khai phá. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu, đầu tư, trong giai đoạn đầu này có thể liên kết với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài cùng chia sẻ lợi nhuận với họ. Mặt khác, chúng ta cũng cần có những nghiên cứu sâu thành sản phẩm về du lịch mạo hiểm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để họ biết khai thác các sản phẩm du lịch ở đâu, nên làm gì, chỉ cho họ thị trường cụ thể. Đấy là điều chúng ta chưa làm được. Tôi đã làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ từ 2009 về “Cơ sở khoa học để phát triển du lịch mạo hiểm Việt Nam” nhưng không ai để tâm, đầu tư cho nghiên cứu không có. Các doanh nghiệp đang trong tình trạng tự bươn chải trong khi họ không có hiểu biết một cách tổng thể, hệ thống, điều đó cũng cản trở sự phát triển. Chúng tôi là các nhà khoa học, chỉ có những nghiên cứu và đề xuất thôi.

- Xin cảm ơn anh.