Ðộng lực cho sự khác biệt

Trong hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Bình Phước đóng vai trò điểm cuối - nơi tập kết nhân lực, vật lực để chuẩn bị cho cuộc tiến công vào sào huyệt của Mỹ - ngụy. Vùng đất chịu nhiều sự tàn phá của bom đạn địch năm xưa đã có nhiều đổi thay, với những nỗ lực và tư duy mới.

Tuyến đường Hồ Chí Minh được đầu tư, nâng cấp đã tạo ra sự phát triển khác biệt cho tỉnh Bình Phước.
Tuyến đường Hồ Chí Minh được đầu tư, nâng cấp đã tạo ra sự phát triển khác biệt cho tỉnh Bình Phước.

“Ðiểm cuối cho một khởi đầu”

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, thời gian đã phần nào làm nguôi đi những mất mát. Nhưng những chiến tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn lưu dấu sâu đậm trong lòng nhiều người dân Bình Phước. Hầu như huyện, thị xã nào trên mảnh đất Bình Phước cũng có di tích, căn cứ địa cách mạng.

Ông Lê Văn Tám, khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, một nhân chứng lịch sử cho biết: Trước năm 1975, khu vực thị trấn Chơn Thành (hiện nay) gọi là quận Chơn Thành, thuộc tỉnh Bình Long (nay là thị xã Bình Long) là ấp chiến lược do Mỹ - ngụy xây dựng. Bao quanh quận Chơn Thành toàn bộ là rừng già - địa bàn của quân giải phóng. Ngày đêm địch bắn phá dữ dội để cắt đứt con đường chi viện của miền bắc cho chiến trường miền nam. Vậy nhưng, những chuyến xe của Bộ đội Trường Sơn vẫn ngày đêm lăn bánh vận chuyển nhân lực, vật lực chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tại Nhà giao tế Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh đang trưng bày rất nhiều phương tiện phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn như xe đạp thồ, máy bơm xăng dầu. Trong đó, có một di vật rất đặc biệt là chiếc xe Zil 130, một trong những loại phương tiện vận chuyển được sử dụng nhiều của Bộ đội Trường Sơn. Chiếc xe này đã chạy 50 vạn km, tham gia nhiều chiến dịch trong những năm 1974, 1975. Sau chiến tranh, chiếc xe được đưa về trưng bày tại Nhà giao tế Lộc Ninh - vật chứng lịch sử của một thời hào hùng, cả dân tộc xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Vùng đất bazan chuyển mình

Tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh năm xưa đoạn đi qua tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 100 km, từ đoạn Cây Chanh (xã Phú Sơn, huyện Bù Ðăng) và kết thúc là tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Năm 2009, tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Ðoạn từ cầu 38 (xã Ðức Liễu, huyện Bù Ðăng) đến TP Ðồng Xoài được đầu tư theo hình thức BOT. Sau khi được nâng cấp, mở rộng, đoạn cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có hai làn xe ô-tô, nhiều đoạn cua gấp được nắn tuyến, dốc được hạ độ cao… trở thành trục kết nối Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Hiện tuyến đường Hồ Chí Minh (nối dài - đoạn Chơn Thành đi Ðức Hòa, tỉnh Long An) cũng được triển khai nhằm tạo lực cho Bình Phước kết nối với các tỉnh phía tây miền Ðông Nam Bộ. Tuyến đường Hồ Chí Minh đã tạo ra sự phát triển khác biệt của tỉnh: đường đi thuận lợi; rút ngắn khoảng cách với các tỉnh kinh tế trọng điểm phía nam; việc kêu gọi đầu tư về Bình Phước có nhiều thuận lợi.

Dành sự quan tâm đặc biệt với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, tập trung ở ba huyện biên giới Bù Ðăng, Bù Ðốp, Bù Gia Mập, cũng là những địa bàn căn cứ địa cách mạng, tỉnh Bình Phước đã đầu tư hệ thống giao thông kết nối thông suốt, tạo thuận lợi trong giao thương hàng hóa và đi lại của người dân, đặc biệt chú trọng huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM). Ðến nay, có khoảng 20% số xã vùng biên của Bình Phước đã cán đích NTM. Già làng Ðiểu Lên (xã Bình Minh, huyện Bù Ðăng) cho biết: Trong kháng chiến, đồng bào cùng bộ đội đánh Mỹ. Bây giờ, đồng bào cùng chính quyền hợp sức, đồng lòng xây dựng NTM, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng nông thôn. Cái mới nhất ở vùng nông thôn hiện nay là: điện, đường, trường, trạm đã hoàn thiện; thu nhập vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS có bước phát triển vượt bậc; không còn tình trạng du canh, du cư. Ðêm đến, đi từ trung tâm xã đến các thôn, ấp điện đường thắp sáng vùng quê, giúp hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự…

Dọc theo tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Phước hiện đã hình thành ba trung tâm kinh tế, chính trị đó là thị trấn Ðức Phong - trung tâm của huyện Bù Ðăng; TP Ðồng Xoài - trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước và thị trấn Chơn Thành - trung tâm của huyện Chơn Thành. Nhờ được mở rộng, lại đóng vai trò chính trong việc thông thương hàng hóa nên hiện nay dọc hai bên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Minh Hưng, Ðức Liễu (huyện Bù Ðăng); KCN Ðồng Xoài III, KCN Tân Thành với tỷ lệ lấp đầy trên 70%. Tại điểm cuối đường Hồ Chí Minh, tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp có thể nói là vượt bậc với các KCN Chơn Thành 1,2,3; KCN Minh Hưng, KCN Minh Hưng - Hàn Quốc. Ðặc biệt, nằm cạnh điểm cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là KCN và dân cư Becamex Bình Phước với tổng diện tích 4.633 ha, vốn đầu tư hạ tầng khoảng 21.000 tỷ đồng. Ðây là dự án tầm cỡ, tạo cú huých cho sự phát triển công nghiệp và hứa hẹn sẽ làm tăng thêm đáng kể nguồn thu cho tỉnh Bình Phước trong tương lai gần.