Ðồng bằng sông Cửu Long: Thách thức trong chuyển đổi tư duy phát triển

Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu (BÐKH). Trong bối cảnh ấy, việc ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP 2017 được kỳ vọng tạo đột phá để vùng đất có đến 18 triệu dân và đóng góp tới 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phát triển bền vững. Tuy nhiên, sau gần tám tháng có hiệu lực, Nghị quyết này vẫn chưa có sự chuyển động thật sự đáng kể...

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại Bạc Liêu được đánh giá cao, không chỉ cho năng suất vượt trội mà còn sản xuất ra sản phẩm tôm sạch và hạn chế nguồn nước thải ra môi tr
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại Bạc Liêu được đánh giá cao, không chỉ cho năng suất vượt trội mà còn sản xuất ra sản phẩm tôm sạch và hạn chế nguồn nước thải ra môi tr

"Mạch sống" đang chịu nhiều đe dọa

Hiện nay ÐBSCL đang phải đối diện với ba thách thức lớn. Ðó là tác động của BÐKH kèm theo nước biển dâng; của thủy điện Mê Công và những vấn đề nội tại của đồng bằng. Vấn đề cấp bách đáng lo ngại nhất lúc này không phải là nguy cơ từ nước biển dâng mà chính là việc ÐBSCL đang bị sụt lún nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng. Dẫu lợi thế là nằm ở một trong những nơi có lượng nước ngọt dồi dào nhất hành tinh, nhưng chỉ trong mấy mươi năm phát triển nông nghiệp thâm canh, hệ thống sông ngòi ở ÐBSCL bị hủy hoại rất nhanh. Theo số liệu, mỗi năm ÐBSCL sản xuất khoảng 25 triệu tấn lúa, nhưng đất đai, sông ngòi phải gánh 2 đến 3 triệu tấn phân bón, nửa triệu tấn nông dược... Dòng chảy bị nhiều công trình cản trở dẫn đến tích tụ ô nhiễm. Thêm nữa, cũng vì sông ngòi ô nhiễm, người dân chuyển sang sử dụng nước ngầm nên tốc độ gây sụt lún càng nhanh.

Có thể nói, ÐBSCL đang đứng trước ngã ba đường cần có phương án chọn lựa. Một là duy trì cách cũ như lâu nay, hai là chuyển hướng theo tinh thần NQ 120.

Bởi cách mà ÐBSCL phát triển nông nghiệp lâu nay vẫn là ưu tiên cây lúa và hệ thống canh tác nước ngọt, đi đôi với đó là dùng nhiều biện pháp công trình lớn, can thiệp thô bạo vào quy luật tự nhiên để chống lũ, ngăn mặn. Việc phát triển thiếu điều phối liên ngành, thiếu liên kết vùng; thiếu chú trọng đến sức khỏe hệ sinh thái vùng nước biển ven bờ. Cách cũ là cách phù hợp cho giai đoạn xóa đói, phát triển ở trình độ thấp, theo số lượng. Nếu vẫn tiếp tục như thế trong giai đoạn mới thì khó làm giàu được mà còn sẽ phải trả nhiều giá đắt!

Nếu duy trì cách này, sản lượng nông nghiệp sẽ được tiếp tục duy trì ở mức cao trong 20 năm tới (lúa 25 triệu tấn, trái cây 3 triệu tấn) trước khi dinh dưỡng đất cạn kiệt hoàn toàn. Nhưng đi đôi với đó là chi phí canh tác sẽ tăng dần theo thời gian, còn lợi nhuận từ canh tác sẽ càng giảm. Thị trường sản phẩm vẫn là các thị trường thấp. Di dân khỏi ÐBSCL tiếp tục gia tăng. Sông ngòi tiếp tục gia tăng ô nhiễm. Nước ngầm sụt giảm nhanh, cạn kiệt. Sụt lún đất do khai thác nước ngầm sẽ gia tốc (có dự báo tổng sụt lún lên đến 0,88 m tính từ năm 1991 đến 2050)...

Còn nếu đổi mới theo hướng NQ 120, ÐBSCL vừa có thể giải quyết được nhiều vấn đề nội tại nêu trên, vừa tăng "sức khỏe", khả năng chống chọi với ba thách thức lớn để phát triển bền vững.

Bước chuyển căn bản

Có thể nói, NQ 120 lần này đã đưa ÐBSCL đến với cơ hội phát triển theo hướng làm kinh tế nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên để bảo đảm sản phẩm vươn tới thị trường giá trị cao hơn. Song việc thực hiện NQ 120 chắc chắn không hề đơn giản bởi phải đương đầu với những trở ngại ở tầm tư duy theo quán tính tư duy nông nghiệp cũ và những trở ngại ở thực địa…

Cho đến nay, độ lan tỏa của NQ 120 chưa cao, kể cả trong giới lãnh đạo các địa phương và cộng đồng... Muốn hiện thực hóa mục tiêu của NQ 120 sẽ phải đạt được sự đổi mới trong nhận thức để hóa giải bốn vấn đề quan trọng sau:

Thứ nhất là tư duy về an ninh lương thực. Thực tế mỗi năm ÐBSCL sản xuất ra 25 triệu tấn lúa nhưng xuất khẩu hơn một nửa. Nếu tiếp tục thâm canh liên tục như vậy, sau khoảng 20 đến 25 năm, sức sản xuất của đất suy giảm, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa. Hơn nữa, ngày nay khái niệm an ninh lương thực cần đi kèm với an ninh dinh dưỡng, tức là tính đến các thành phần thực phẩm khác chứ không chỉ có gạo. Do vậy, tư duy an ninh lương thực cần phải thay đổi từ việc chú trọng số lượng chuyển sang chất lượng nông nghiệp và làm kinh tế nông nghiệp.

Thứ hai, về tư duy chiến lược liên hoàn trong phát triển hàm chứa trong NQ 120 dễ bị hiểu đơn giản là "chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi" như cách làm lâu nay mà không tính đến chất lượng, thị trường, môi trường bị ảnh hưởng như thế nào và tác động xã hội, đến người nông dân phải bỏ xứ đi thành phố tìm việc làm như thế nào? Ðối với nông nghiệp, "liên hoàn kế" nên được hiểu là giảm thâm canh, tăng chất lượng, tăng giá trị thông qua chế biến và chuỗi giá trị, vươn tới thị trường giá trị cao. Cùng với việc xem nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên thì nên hạn chế ngăn mặn, cản trở dòng chảy để phục hồi thủy sản biển, phục hồi sông ngòi để giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún. Diễn tả một cách hình tượng, nếu chỉ dừng lại ở "chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi" thì giống như là một người vẫn ở trong căn phòng và loay hoay thay áo nọ sang áo kia, không đi đâu được xa cả. Thị trường vẫn như thế, vẫn bán sản phẩm thô, vẫn can thiệp thô bạo vào tự nhiên thì không cải thiện được nhiều.

Thứ ba, về tư duy thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên. Lâu nay tư duy quy hoạch phát triển ÐBSCL chỉ chú trọng ba điều: đất liền, nước ngọt cho sản xuất, và hệ canh tác nước ngọt, chủ yếu là lúa, bỏ qua môi trường nước sông ngòi và sự liên thông với biển; từ đó không ngại can thiệp thô bạo, trái quy luật tự nhiên bằng những công trình lớn ngăn dòng chảy, ngăn cách sông ngòi nội địa với biển, tách đồng ruộng ra khỏi nước lũ hằng năm... Chính hệ thống đê bao đã xây dựng ở khắp nơi ở đồng bằng; làm nước dâng cao hơn trong sông, nhưng không trao đổi được với ruộng vườn và gây thiếu nước trong mùa khô nhưng khó xả lũ vào trở lại được vì nhà cửa, vườn, ao bên trong các ô đê bao khép kín được xây dựng thấp, sẽ bị thiệt hại nếu xả lũ vào. Ðối với vùng ngọt hóa đang canh tác hai hay ba vụ lúa, việc phục hồi lại chế độ 6 tháng ngọt - 6 tháng mặn luân phiên như trước đây sẽ gây xáo trộn một lần nữa...

Thứ tư, cần dẹp bỏ được sự cát cứ trong quy hoạch theo ngành và cục bộ địa phương bỏ quên lợi ích tổng thể của cả vùng ÐBSCL.

Quá trình chuyển đổi để thực hiện NQ 120 nên diễn ra từng bước để tránh xáo trộn đột ngột và cần có lộ trình để tháo gỡ những vướng mắc ở cấp tư duy và trên thực tế.

Trước mắt cần có thêm nhiều cuộc thảo luận, hội thảo, tranh luận để làm rõ nội hàm của nghị quyết và những quan niệm về an ninh lương thực, phát triển bền vững, những quy luật tự nhiên của vùng đồng bằng châu thổ cần được hiểu và tôn trọng, như thế nào là tư duy quy hoạch tích hợp, thế nào là kinh tế nông nghiệp...

Vấn đề then chốt, để quá trình triển khai NQ 120 được nhanh chóng, thiết thực hơn, Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể và chương trình hành động dài hơi, chia thành giai đoạn: cái gì làm trước cái gì làm sau, để thực hiện những định hướng và mục tiêu của nghị quyết đề ra. Theo đó, chiến lược và các chương trình cần được xây dựng mang tính tích hợp, đa ngành, có sự tham gia một cách có ý nghĩa của người dân, các ngành, các cấp chính quyền, sự phản biện của các nhà khoa học... Ðặc biệt, sự đồng thuận của xã hội là yếu tố quyết định sự thành công của quyết sách mới.