Ðón sóng chuyển đổi số

Với việc đem lại những giá trị vô cùng ý nghĩa trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu, ảnh hưởng sâu sắc đến hầu hết sự phát triển của các doanh nghiệp (DN), tổ chức trên toàn cầu. Việt Nam cần có chiến lược như thế nào để không bỏ lỡ cơ hội từ kỷ nguyên số?

Quảng Ninh là thí dụ điển hình về thành công trong xây dựng chính quyền số. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Quảng Ninh là thí dụ điển hình về thành công trong xây dựng chính quyền số. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Vấn đề sống còn

Hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Theo một khảo sát gần đây của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG, gần 90% số DN đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới triển khai, thực hiện. Hơn 30% số lãnh đạo DN được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả nhãn tiền đem lại nhờ chuyển đổi số trên nhiều khía cạnh: sự vượt trội trong thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, bảo đảm giá thành cạnh tranh cũng như tăng tốc sáng tạo. Nếu DN, tổ chức nào chậm chân trong việc chuyển đổi số sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như năng suất lao động thua kém, chậm trễ ra quyết định, thiếu nhạy bén nắm bắt cơ hội và gắn kết không chặt chẽ với khách hàng. Thực tế, có những DN lớn với lịch sử phát triển hàng trăm năm nhưng đã không bắt kịp thời “số hóa”, hoặc mong muốn chuyển đổi số nhưng chưa thành công, đã tụt lại phía sau, thậm chí có nguy cơ đi tới phá sản như GE, Sears.

Trong khi đó, nhiều DN nhờ nhanh chóng chuyển đổi số đã đạt được những kết quả vượt trội như trường hợp của Dupont, một hình mẫu tiên phong sử dụng công nghệ tạo nên thế mạnh kinh doanh. Dupont đi đầu trong sử dụng Office 365 thay thế cho Lotus Notes đã lỗi thời, đồng thời cũng là DN đầu tiên tung ra mô hình E-commerce giúp giảm chi phí, cải tiến dịch vụ khách hàng ở Brazil, Singapore và phát triển ra hơn 20 nước khác trên toàn cầu. Với chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và tích hợp, Dupont đã tiết kiệm được hơn 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, giảm 80% thời gian xử lý đơn hàng, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích.

Việt Nam đã sẵn sàng cho chuyển đổi số

Trước sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng chuyển đổi số, Chính phủ, các tổ chức, DN tại Việt Nam cũng đã chủ động đón nhận và có những động thái tích cực tham gia để không bỏ lỡ chuyến tàu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Chính phủ đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế số thông qua một loạt các cơ chế chính sách, và đặc biệt chủ trương này gần đây đã được củng cố thêm nhờ Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư.

Hiện nay, chuyển đổi số xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính - ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển. Khảo sát từ 180 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2018 cho thấy, các DN Việt Nam nắm bắt rất nhanh các vấn đề chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp CNTT như FPT, Viettel, VNPT… đều đã có những đầu tư mạnh mẽ để phát triển những công nghệ lõi của chuyển đổi số như Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Ðiện toán đám mây… “Chúng tôi đã sẵn sàng và tự tin chinh phục đỉnh cao chuyển đổi số, hướng đến tương lai trở thành các công ty hàng đầu về tư vấn chuyển đổi số như Accenture, Deloite DX…, một lần nữa đưa tên tuổi Việt Nam vươn lên sánh ngang với các cường quốc công nghệ toàn cầu”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HÐQT FPT tuyên bố tại Ðại hội đồng cổ đông FPT 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ðón sóng chuyển đổi số ảnh 1

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Ảnh: NGUYỄN HUẾ

Không chỉ có các công ty công nghệ mà các DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đã nhanh chóng có những bước đi ban đầu về chuyển đổi số và bước đầu có những kết quả khả quan. Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit là một thí dụ. Trong bối cảnh vay tiêu dùng chủ yếu vẫn áp dụng quy trình thủ công thông qua nhiều bước, thường mất từ 4-5 ngày, FE CREDIT đã ứng dụng nền tảng cho vay kỹ thuật số “$NAP”. Do được lập trình hoàn toàn tự động mang đến một quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín mà không cần đến sự can thiệp của con người, nền tảng này giúp rút ngắn toàn bộ quá trình vay chỉ còn 10-15 phút và khách hàng được giải ngân tiền trong vòng vài giờ. Kết quả, chỉ trong hai tháng sau khi triển khai, số lượng đăng ký vay và số khoản vay được giải ngân qua ứng dụng $NAP tăng trung bình 280%. Ngoài ra, nhờ các thuật toán trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu chuyên sâu trong quá trình xác minh khách hàng, FE CREDIT đã thành công trong việc nắm bắt được nhu cầu của phân khúc khách hàng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Trong lĩnh vực chính quyền số, một số địa phương cũng đã có những dịch chuyển mạnh mẽ, trong đó Quảng Ninh là một thí dụ điển hình. Với việc triển khai thành công hệ thống chính quyền điện tử, Quảng Ninh đã tiết kiệm thời gian, giảm chi phí hành chính cho các cơ quan hành chính nhà nước khoảng 50 tỷ đồng. 100% số các thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết và thủ tục hành chính được máy tính hóa trên môi trường mạng cùng sự vận hành 15 Trung tâm Hành chính công trên toàn tỉnh đã làm thay đổi căn bản hình ảnh, môi trường, cách thức tương tác với người dân, doanh nghiệp; Giúp giảm hơn 40% thời gian và số lần đi lại, giao dịch cho người dân, DN, giúp tiết kiệm chi phí xã hội hơn 70 tỷ đồng/năm. Tháng 11-2018, Quảng Ninh đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Công nghiệp Ðiện toán châu Á - châu Ðại Dương vinh danh ở hạng mục Chính quyền số xuất sắc. Mục tiêu trước mắt mà Quảng Ninh đang hướng tới là số hóa, tập trung và chia sẻ dữ liệu, tiết kiệm thời gian cho người dân.

Với sự thay đổi nhanh chóng đó, cùng với những lợi ích to lớn mang lại, có thể thấy chuyển đổi số là câu chuyện không của riêng ai. Ðây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu mà ở đó, nếu DN, tổ chức hay cá nhân nào không nhanh chóng nắm bắt thì khả năng bị bỏ lại phía sau sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Ðể thúc đẩy chuyển đổi số, tận dụng được ưu thế của các công nghệ của cuộc CMCN 4.0, các chuyên gia khuyến cáo từng ngành, từng lĩnh vực, từng DN cần nhanh chóng tập trung xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó trước mắt cần thay đổi cách tư duy, cách tiếp cận phù hợp tình hình mới.

Theo FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, DN là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang số hóa, bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Ðiện toán đám mây… Chuyển đổi số giúp thay đổi cung cách điều hành, quản lý, qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao.