Ðổi mới, sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học

“Kiên quyết đóng cửa trường đại học yếu kém kéo dài”- đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập vấn đề đổi mới, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học (GDÐH) tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, trực tuyến 64 đầu cầu cả nước, sáng 6-8. Các chuyên gia cũng cho rằng, hệ thống GDÐH cần phải làm ngay một đợt tái quy hoạch toàn diện chứ không chỉ là sắp xếp, hay đổi mới lặt vặt.

Tăng nhanh số lượng đào tạo và quy mô sinh viên khiến cho mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay tồn tại không ít bất cập. Trong ảnh: Nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm của Viện Tiên tiến kho
Tăng nhanh số lượng đào tạo và quy mô sinh viên khiến cho mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay tồn tại không ít bất cập. Trong ảnh: Nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm của Viện Tiên tiến kho

Khắc phục những bất cập kéo dài

Sở dĩ không ít chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tái quy hoạch” là bởi, tính trong khoảng 25 năm trở lại đây, mạng lưới cơ sở (CS) GDÐH Việt Nam đã có tới ba lần được quy hoạch chính thức và một lần điều chỉnh. Theo đó, Ðề án Quy hoạch mạng lưới CSGDÐH Việt Nam lần thứ nhất được Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1995 thực hiện theo nội dung Quyết định số 255/CT ngày 31-8-1991 và Quyết định số 324/CT ngày 11-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Sau đó, Ðề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học (ÐH) và cao đẳng (CÐ) lần thứ hai, thứ ba và lần điều chỉnh gần đây nhất lần lượt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 47/2001/QÐ-TTg ngày 4-4-2001, số 121/2007/QÐ-TTg ngày 27-7-2007 và Quyết định số 37/2013/QÐ-TTg ngày 26-6-2013.

Trên thực tế, sau các lần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, số các CSGDÐH đã tăng lên nhanh chóng, từ 52 cơ sở năm 1995 lên 237 cơ sở (số liệu cập nhật đến tháng 8-2019). Cùng thời gian này, quy mô sinh viên (SV) đào tạo tăng từ 367.500 SV lên đến 1.707.000 SV. Số SV trên 100 nghìn dân bình quân tăng khoảng bốn lần, từ 460 lên 1.803. Trong khi, tỷ lệ SV ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề thường xuyên ở mức cao, thậm chí báo động (hàng trăm nghìn SV).

Ðánh giá một cách tổng quát, các chuyên gia giáo dục nhận định, quy hoạch mạng lưới CSGDÐH trong gần 25 năm qua đã góp phần làm chuyển biến nền GDÐH nước nhà, từ chủ yếu đào tạo số ít (tinh hoa) sang đào tạo số đông (đại chúng) đáp ứng yêu cầu đổi mới - chuyển biến nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, mạng lưới CSGDÐH hiện nay tồn tại không ít bất cập. Ðó là, quy hoạch đã làm tăng nhanh số lượng cơ sở đào tạo và quy mô SV nhập học, trong khi đầu tư phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa tương xứng, dẫn đến hiệu suất và hiệu năng của mạng lưới chưa cao. Thực trạng tri thức, kỹ năng cũng như năng lực làm việc sau khi tốt nghiệp của một số không nhỏ người học chưa bắt kịp yêu cầu của thị trường lao động.

Vẫn tồn tại số lượng đáng kể CSGDÐH chuyên ngành riêng rẽ với các chương trình đào tạo quá hẹp theo mô hình cũ. Tồn tại quá nhiều csGDÐH cùng đào tạo một hoặc một số ngành, chuyên ngành nên dẫn đến trùng lắp và lãng phí. Cơ cấu đào tạo giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, giữa khoa học kỹ thuật- công nghệ và khoa học quản lý… hoặc giữa các vùng, miền bị mất cân đối.

Tập trung đổi mới cơ chế quản lý và đại học vùng

Trước những bất cập của hệ thống GDÐH, Bộ GD&ÐT đã và đang huy động các nguồn lực và tập trung hoàn thiện hai đề án: Ðề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm; và Ðề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ÐH công lập, dự kiến trình Chính phủ trong quý III-2019.

Vấn đề đặt ra, hai đề án này cũng chỉ nên là tiền đề cho một đề án quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ, việc quy hoạch mạng lưới csGDÐH, đào tạo giáo viên phải thực hiện theo Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch. Cái khó ở chỗ, Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch mới được ban hành ngày 10-5 nên thời hạn trình quy hoạch cũng phải lùi lại và Bộ dự kiến sẽ trình Thủ tướng vào quý II-2020.

Phân tích những bất cập trong quản lý Nhà nước, TS Nguyễn Bá Cần, nguyên Phó Cục trưởng Cơ sở vật chất (Bộ GD&ÐT) cho rằng: Nhiều nội dung quản lý Nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, giảng dạy và học tập, hoặc liên quan đến việc ra quyết định những vấn đề thuộc về nhà trường như phân chia định hướng nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp, tuyển chọn giáo viên, sinh viên,… Trong khi đó, các công cụ kế hoạch hóa, phân bổ nguồn lực, cung cấp, cấp phát và kế toán, kiểm toán tài chính… được thiết kế và vận hành ngày một lỏng lẻo, bị xem nhẹ, hoặc chưa được quan tâm nghiên cứu đổi mới một cách có hệ thống.

Ðồng tình với quan điểm cần phải đổi mới trong cơ chế quản lý, một số chuyên gia cũng đánh giá cao vai trò vận động tự thân của các CSGDÐH, bởi, trong thập niên tới, sự phát triển bùng nổ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối internet, dữ liệu lớn và thế giới ảo đang và sẽ làm phong phú thêm nội dung dạy - học và làm thay đổi cách thức cung cấp các dịch vụ đào tạo ÐH. Phương thức đào tạo mở, đào tạo từ xa, đào tạo qua mạng (e-learning, teaching-online)… đang hình thành và mở rộng nhanh chóng. Việc học ngày càng được cá nhân hóa. Vì thế, những cơ cấu cứng nhắc theo truyền thống về mối quan hệ “không gian - thời gian - trật tự thang bậc” trong tổ chức đào tạo ÐH có thể sẽ bị phá vỡ hoặc có sự điều chỉnh.

Ðề xuất giải pháp cho quy hoạch, TS Nguyễn Bá Cần lưu ý, cần tập trung phát triển hệ thống CSGDÐH trọng điểm quốc gia, các trường ÐH xuất sắc và hệ thống ngành/lĩnh vực (khoa) trọng điểm; đồng thời cân nhắc thiết lập thêm một số ÐH vùng kết hợp giữa định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp, giữa đào tạo tinh hoa và đào tạo đại trà (ưu tiên cho đào tạo đại trà), trên cơ sở tổ chức lại các trường ÐH hiện hữu của các bộ, ngành và địa phương trong cùng vùng đặt trụ sở chính.

Tại một số cuộc hội thảo chuyên ngành, nhiều nhà nghiên cứu khi bàn đến cơ chế tự chủ cũng dành sự quan tâm tới việc đổi mới, sắp xếp lại các trường ÐH vùng, địa phương. Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ÐT), xét về tính cạnh tranh, các trường này có thể cung cấp các dịch vụ đào tạo thay cho các cơ sở giáo dục ở phân khúc thị trường cao hơn với mức chi phí thấp hơn. Ðồng thời, đây cũng là một giải pháp thay thế khả thi cho vấn đề gia tăng quá tải ở các trường lớn trong cùng hệ thống.

GDÐH là bậc học sau cùng trong hệ thống giáo dục quốc dân, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước trong tương lai. Vì thế, cuộc rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới CSGDÐH lần này cần phải được tiến hành khẩn trương, bài bản, khoa học. Các bộ, ban, ngành liên quan phải chịu trách nhiệm cao trước xã hội cho kết quả thực hiện.

Ba phương thức dự kiến của Bộ GD&ÐT nhằm tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các CSGDÐH:

Một, điều chỉnh quy mô đào tạo phù hợp với mức độ đạt chuẩn chất lượng của CS đào tạo. Hai, sáp nhập và tổ chức lại các CS không đáp ứng chuẩn tối thiểu để tăng cường năng lực đào tạo của các CS. Ba, giải thể trường: các trường không đạt quy chuẩn bảo đảm chất lượng tối thiểu, không có giải pháp khắc phục sẽ bị dừng tuyển sinh và tiến hành các thủ tục giải thể trường phù hợp với quy định.

Ngoài ra, xác định một số CSGDÐH có định hướng nghiên cứu và năng lực cạnh tranh quốc tế, một số trường ÐH sư phạm trọng điểm để nhà nước ưu tiên đầu tư. Khuyến khích phát triển các CSGDÐH thuộc doanh nghiệp; các trường ÐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, theo nguyên tắc không bị giới hạn bởi số lượng CSGDÐH theo vùng.