Ðô thị, đến hẹn lại ngập...

Những ngày cuối tháng 9-2019, TP Cần Thơ - thủ phủ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) ngập lụt nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Nếu không kịp thời có những giải pháp ứng phó cấp bách, việc ÐBSCL bị nhấn chìm trong nước bởi nhiều nguyên nhân không chỉ là nguy cơ nữa.

Các đô thị đồng bằng bị ngập không chỉ vì triều cường, nước biển dâng, mà còn bởi sụt lún đất và các dòng sông không có không gian để thoát nước. Trong ảnh: Triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đườn
Các đô thị đồng bằng bị ngập không chỉ vì triều cường, nước biển dâng, mà còn bởi sụt lún đất và các dòng sông không có không gian để thoát nước. Trong ảnh: Triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đườn

Không phải do “mùa nước nổi” dâng cao

Cuối tháng 9, các đô thị ÐBSCL như Ngã Bảy, Cần Thơ, Vĩnh Long ngập lênh láng trong nước. Trong khi đó, chỉ hai tháng trước, vào ngày 19-7, Ủy hội Mê Công quốc tế đã phát hành bản Thông cáo báo chí rằng, mực nước sông Mê Công thấp kỷ lục. Thậm chí, còn có cảnh báo, mùa nước nổi có thể không về ÐBSCL và đỉnh điểm tháng 3-2020, ÐBSCL có thể sẽ lại bị một đợt hạn mặn lịch sử gay gắt hơn hồi mùa khô 2016. Thế nhưng, sang tháng 9, dù muộn và thấp, nước lũ đã dâng lên tràn đồng ở ÐBSCL và nay các đô thị miền Tây ngập lênh láng - vì sao?

Trong thời gian này, mưa lớn ở phía cực nam của Lào đã khiến cho mực nước sông Mê Công từ Paksé dâng cao liên tục và tràn về Cam-pu-chia và ÐBSCL. Thế nhưng, cùng thời gian đó, mực nước sông Mê Công từ Paksé trở lên phía bắc qua Viêng Chăn, Luông Phra-băng cho tới Cảnh Hổng (biên giới Lào - Trung Quốc) vẫn giảm. Do đó, “mùa nước nổi” trong tháng 9 vừa qua ở ÐBSCL chỉ là tạm thời và ngắn hạn bởi mực nước sông Mê Công chỉ dâng ở đoạn phía nam Lào mà không được hỗ trợ bởi lượng nước ở bắc Lào xuống. Ðiều này củng cố cho nhận định, tình trạng ngập lụt tại các đô thị ÐBSCL vào cuối tháng 9 không phải do “mùa nước nổi”.

Cần nhấn mạnh rằng, nếu trong tháng 10 này, ở Lào không có mưa lớn đột biến làm cho nước dâng lên một lần nữa thì coi như mùa nước nổi năm nay đã đi qua. Nỗi lo hạn mặn đầu năm sau vẫn còn nguyên đó!

Không chỉ là “triều cường”

Muốn lý giải được cặn kẽ chuyện con nước ở ÐBSCL không chỉ căn cứ vào lịch dương mà còn cần tính đến sự lên xuống theo lịch âm. Và nếu chỉ dùng một từ mang tính kỹ thuật là “triều cường” thì khó lý giải cặn kẽ. Sông ngòi ÐBSCL có đặc tính mỗi ngày nước lên xuống hai lần, gọi là “nước lớn” và “nước ròng”. Nhưng trong một tháng âm lịch, có “nước rong” vào khoảng ngày rằm và 30 âm lịch; sau mỗi kỳ nước rong khoảng 8-10 ngày thì sẽ đến con “nước kém” xen giữa hai kỳ “nước rong”. Thông thường mỗi năm, con nước rong ngày 30-8 và ngày rằm tháng 9 sẽ đạt mực nước cao nhất. Trong những ngày nước rong, nước càng dâng cao hơn vào những giờ nước lớn trong ngày. Chính việc dòng nước lũ Mê Công, dù là cuối mùa nhưng vẫn còn cao, từ trên chảy xuống, đụng với con nước rong ngày 30-8 âm lịch dội lại, dềnh lên, làm tăng mực nước ở vùng hạ nguồn ÐBSCL ở dải đất từ Hậu Giang qua Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang khiến cho đô thị ngập sâu như giai đoạn cuối tháng 9 dương lịch, tức 30-8 âm lịch vừa qua. Nếu so với thời điểm cùng kỳ của năm 2018 sẽ thấy tình trạng ngập cũng diễn ra tương tự. Từ đó, có thể thấy vấn đề ngập các đô thị ÐBSCL có thể lặp lại hằng năm theo chu kỳ này, vào những dịp con nước rong 30-8 hay rằm tháng 9 âm lịch.

Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt này còn có những nguyên nhân khác nữa. Ðó là do mực nước biển trung bình vẫn liên tục dâng. Tuy mức dâng chỉ khoảng 3-4 mm/năm, nhưng sự tích lũy theo thời gian cũng trở nên đáng kể khiến cho tình trạng ngập lụt các đô thị càng ngày càng trầm trọng hơn.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do sụt lún đất. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan trong giai đoạn 1991-2015, trung bình toàn ÐBSCL đã sụt lún tích lũy 18cm, có những điểm nóng đến mức 35cm. TP Cần Thơ nằm trong vùng bị sụt lún khoảng 20cm trong thời gian 25 năm đó. Do vậy, giả sử mực nước thủy triều năm 1991 và bây giờ như nhau thì các đô thị ÐBSCL vẫn bị ngập sâu hơn.

Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi mà không gian của sông ngòi càng ngày càng bị thu hẹp, không có không gian để phân phối nước vì đê bao khắp nơi. Sự tương phản thấy rõ giữa đô thị ngập úng trong khi các miệt vườn, bên trong vườn cây ăn trái và ruộng lúa vùng nông thôn lại không ngập nói lên điều đó. Hầu hết các sông ngòi ở vùng này, kể cả những sông rạch nhỏ đều có hai con lộ hai bên bờ sông như hai con đê ngăn nước. Do đó, khi nước dâng thì không được dẫn vào ruộng vườn mà chỉ chảy trong các lòng sông nên mực nước dâng cao và làm ngập các đô thị và lộ giao thông.

Ðô thị, đến hẹn lại ngập... ảnh 1

Dự báo phạm vi ngập thường xuyên của TP Hồ Chí Minh đến năm 2050 trong tình huống không có các biện pháp kiểm soát ngập. Nguồn: ADB

Giải pháp “thuận thiên”

Thực trạng phân tích ở trên cho thấy hàng loạt những nghịch lý. Nghịch lý khi mà thành phố bì bõm trong nước còn ruộng vườn lại không ngập. Nghịch lý là ở nơi có con sông thuộc hàng lớn nhất thế giới, nhưng người dân lại phải trông vào khai thác nước ngầm dẫn đến hệ lụy sụt lún đất vẫn còn tiếp tục. Nếu không có những giải pháp cấp bách tình hình sẽ chỉ càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước mắt lúc này cần phải cứu các thành phố bằng các đê bao chống ngập khi triều cường, nhưng về lâu dài, gốc rễ vấn đề vẫn là phải giảm sụt lún và tạo không gian cho nước trên bình diện đồng bằng.

Muốn giảm sụt lún, phải giảm sử dụng nước ngầm. Nhưng muốn bớt sử dụng nước ngầm thì phải phục hồi nước sông để người dân có thể sử dụng được như trước đây khi chưa phát triển nông nghiệp thâm canh và sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu.

Như vậy, gốc của vấn đề phải là nhanh chóng chuyển hướng nền nông nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðó là, giảm thâm canh, chú trọng chất lượng hơn số lượng để giảm bớt lượng phân bón thuốc trừ sâu đang bị thải ra hệ thống sông ngòi gây nên những hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường.

Cũng theo tinh thần Nghị quyết 120, cây lúa không phải ưu tiên hàng đầu nữa mà nông nghiệp sẽ phát triển với chiến lược ưu tiên vào nuôi trồng thủy sản, đa dạng giống cây trồng khác rồi mới tới lúa. Nghị quyết cũng xác định, nguồn nước mặn, nước lợ, nước ngọt là tài nguyên. Do đó nếu chuyển đổi canh tác theo hướng này thì nên giảm bớt việc ngăn sông ngòi bằng công trình, để sông ngòi thông thoáng hơn thì mới giảm ô nhiễm được. Khi giảm được canh tác lúa trong mùa lũ, sông ngòi sẽ có không gian để phân chia nước, giúp giảm áp lực nước đổ về các đô thị.

Cần nói thêm, Nghị quyết 120 của Chính phủ kêu gọi tinh thần “thuận thiên” là chính, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Chúng ta cần hiểu rằng thuận thiên không có nghĩa là không làm gì, là phó mặc cho trời đất. Thuận thiên phải được hiểu rằng trước hết cần hiểu đúng quy luật tự nhiên trước khi can thiệp vào, nhất là tránh can thiệp thô bạo để tránh phải trả giá đắt.

Tổ chức chuyên đề: Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Hoàng Nghĩa Nam