Nông sản Việt tiến vào "đường cao tốc" EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA) được ví von như "con đường cao tốc" dẫn hàng hóa Việt, trong đó có nông sản tiến vào thị trường EU rộng lớn và đầy tiềm năng với tâm thế nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, để đi trên "con đường cao tốc" đó, chúng ta phải chuẩn bị một "cỗ xe" bảo đảm các điều kiện cần và đủ theo tiêu chuẩn châu Âu.

Với thuế suất còn 0%, xuất khẩu gạo của Việt Nam được kích hoạt để chinh phục thị trường EU. Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Biểu đồ: ĐĂNG PHI
Với thuế suất còn 0%, xuất khẩu gạo của Việt Nam được kích hoạt để chinh phục thị trường EU. Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Biểu đồ: ĐĂNG PHI

Con đường không chỉ trải… hoa

Kể từ ngày 1-8-2020, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu nông sản được đánh giá là lĩnh vực có điều kiện thụ hưởng ưu đãi thuế quan lớn nhất, đặc biệt là với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, như: thủy sản, rau quả, gạo, cà-phê, hồ tiêu, các sản phẩm đồ gỗ... Ðơn cử, mặt hàng cà-phê xuất khẩu sang EU trước đây đã phải chịu thuế 7,5-11,5%, nhưng sau khi cánh cửa EVFTA đã mở, thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu cà-phê vào thị trường tiềm năng này... Thêm nữa, EVFTA còn mang lại lợi thế về việc nông sản sẽ không bị hạn chế về mặt hàng và kim ngạch nên Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau, quả nào sang EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất trong nước và đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng chỉ rõ, không nên quá hồ hởi với việc giảm thuế quan, thay vào đó, cần có sự chuẩn bị chiến lược đối với hàng rào kỹ thuật mới được thị trường nhập khẩu dựng lên một cách khắt khe hơn trước. Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích, EU vốn là một trong những thị trường "khó tính" đòi hỏi về tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Ðồng thời, cũng là một thị trường đứng đầu thế giới trong việc chống lại khai thác tài nguyên bất hợp pháp, khắt khe về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng cao... Cùng quan điểm, theo TS Ðinh Viết Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho rằng, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy định không chỉ nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, giới…

Nông sản Việt tiến vào
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ðiều mà Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo lắng nhất, không phải là những yếu tố rào cản bên ngoài. Sản xuất manh mún chính là vấn đề tồn tại bấy lâu khiến cho nông nghiệp Việt Nam khó lòng giảm giá thành, cải thiện quy mô và năng lực canh tác, cũng như gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Một đất nước có 8,6 triệu hộ nông dân, 10 triệu ha đất canh tác, song lại quen với việc sản xuất tự cung tự cấp thay vì liên kết chặt chẽ với DN để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, khiến cho xuất khẩu khó khăn, thiếu bền vững.

Ðiều đó được minh chứng bằng con số: hơn 70% nguyên liệu nông sản được thu mua từ nông dân, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là từ DN tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại của Nhà nước. Trong bối cảnh ấy, vai trò vĩ mô của các cơ quan chức năng trong hoạt động quy hoạch sản xuất vẫn còn yếu; thiếu các vùng quy hoạch sản xuất tập trung...

Tạo nên "cỗ xe tam mã"

Làm gì để nền nông nghiệp Việt Nam vừa có thể tăng sức đề kháng ngay trên sân nhà và nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu đến những thị trường lớn như EU? Trả lời câu hỏi này, TS Ðinh Viết Tú cho rằng, trước hết các DN, HTX và các đơn vị liên quan cần xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, phải tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp địa phương, cơ sở sản xuất và DN; tăng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong sản xuất; quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững…

Mấu chốt của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn là phải vận động được hộ nông dân tham gia vào HTX hay liên kết cùng DN. Từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung có diện tích lớn, áp dụng phương thức trồng trọt an toàn theo các quy chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… Ðiều này đã được một số địa phương như Sơn La, Hưng Yên, Ðồng Tháp... triển khai trên thực tế và hiệu quả thu về phần nào cho thấy tính đúng đắn của giải pháp trên. Rõ ràng, việc thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến từng hộ dân trong việc tích cực chuyển đổi sản xuất từ lượng sang chất đã giúp các tỉnh tìm ra con đường phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng với đó, không thể thiếu sự chủ động của DN, HTX... trong việc tìm tòi ra cách thức phát triển sản phẩm vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Muốn vậy, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản khuyến cáo, trước hết các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP, nhất là năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với đòi hỏi từ EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam. Thứ hai, các DN sẽ phải phát triển các sản phẩm có sự chế biến tốt, bảo quản dài ngày, kể cả trái cây lẫn thủy sản để có thể chinh phục được thị trường này.

Ðể tận dụng cơ hội từ EVFTA, ngành nông nghiệp cần tiếp tục thúc đẩy sự hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao. Trong đó các địa phương có sản phẩm cấp quốc gia cần khẩn trương rà soát, xác định rõ quy hoạch ổn định lâu dài các vùng, tiểu vùng và địa bàn sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung bảo đảm đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam và đáp ứng đúng yêu cầu, quy định của thị trường nước ngoài đối với sản phẩm đã, đang và sẽ xuất khẩu. Trên cơ sở đó, thực hiện cấp mã vùng sản xuất, các số liệu cơ bản để đưa vào thông tin truy xuất nguồn gốc…

Xét toàn diện, EVFTA chỉ là điều kiện cần, nông sản Việt phải đáp ứng các điều kiện đủ còn lại mới có thể tận dụng được hiệu quả miếng bánh thị trường được đánh giá là vô cùng lớn mà hiệp định này mang lại. Nếu tận dụng tốt, xuất khẩu nông sản Việt không chỉ là "bệ đỡ" cho nền kinh tế vào những thời điểm khó khăn chung. Mà quan trọng hơn, nông nghiệp bền vững còn là tấm "giấy thông hành" để tiếp cận các thị trường tiềm năng khác.

BẢO LÂM

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ sau hơn một tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8-2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng 17% so với tháng 7-2020. Trong đó, gạo, rau quả tươi, cà-phê… là những mặt hàng điển hình được đề cập tới khi tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU nhờ EVFTA. Về trị giá xuất khẩu cả năm 2020, dự kiến trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt kế hoạch hơn 40 tỷ USD.

Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương, Lê Ðức Nghĩa.