Nông dân "đi chợ"… toàn cầu

Từ một nước phải nhập khẩu nông sản, đến nay Việt Nam đã đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản, thị trường được mở đến hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu được khơi thông thị trường, nông sản hoàn toàn có thể lập được những kỷ lục mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm qua. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng từ 16,484 tỷ USD năm 2009 lên mức 36,37 tỷ USD năm 2017 (trong đó, xuất khẩu nông sản tăng từ 8,75 tỷ USD năm 2008 lên 18,96 tỷ USD năm 2017) và năm 2018 tiếp tục lập kỷ lục mới ước đạt giá trị hơn 40 tỷ USD. Ðáng chú ý, trong giai đoạn từ 2008 đến 2017, Việt Nam luôn là nước xuất siêu nông sản với mức xuất siêu bình quân 8 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Nguyễn Ðỗ Anh Tuấn đã dẫn số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) để chỉ ra một nghịch lý vẫn tồn tại bấy lâu. Ðó là, trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến 80% hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. "Vấn đề nông sản Việt Nam chưa có một đơn vị cá nhân hay cơ quan chủ quản nào đứng ra để có thể xây dựng thương hiệu dưới một cái tên riêng nào đó. Ngoại trừ ngành lúa gạo, năm 2018, Bộ NN và PTNT đang chủ trì xây dựng thương hiệu gạo quốc gia" ông Tuấn cho biết.

Thêm nữa, nông sản Việt Nam mặc dù đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào dưới dạng nông sản thô. Nói như Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện mới chỉ là xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế đơn giản. Nguyên nhân lớn nhất chính là khâu chế biến, thương mại, tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu yếu...Một mắt xích yếu nữa là khâu kết nối cung-cầu, kết nối giữa sản xuất - tiêu thụ. Câu chuyện "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam cũng là bài học đáng nhớ khiến cơ quan chức năng, các DN Việt Nam và cả ngư dân đều đang nỗ lực hết mình để "gỡ".

Chính phủ xin hứa với bà con nông dân sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư và sẵn sàng "đi chợ" cùng bà con nông dân",đó là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ III với chủ đề "Khơi nguồn nông sản Việt".

Tiềm năng, sức sản xuất nông sản Việt Nam rất tốt, song vấn đề quyết định nhất vẫn là thị trường. Ðể tháo gỡ vấn đề này đòi hỏi ngành nông nghiệp, công thương cần tập trung các nhóm giải pháp mang tính chất chủ động để ngoài việc phát triển tốt tại các thị trường truyền thống thì còn có thể mở rộng sang thị trường mới, khai thác và sắp xếp thị trường cho hợp lý. Theo Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ NN và PTNT, các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài để giải quyết kịp thời những rào cản kỹ thuật, tranh chấp thương mại; thúc đẩy quan hệ, khâu kết nối xuất nhập khẩu nông sản...

Ðể nông sản Việt Nam đến với các phiên chợ toàn cầu, rõ ràng phải có sự vào cuộc, chung tay của Nhà nước, DN và nông dân. Ðồng thời cũng cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm kiểm soát quy trình, bảo đảm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và giảm giá thành sản phẩm… Ðã hết thời "áo gấm đi đêm", nông sản Việt cần được thiết kế những "tấm áo mới" làm tôn lên giá trị tự thân, cũng cần có những chiến lược marketing, truyền thông để cuộc xuất ngoại thêm phần giá trị.

Nông dân Việt Nam đi chợ toàn cầu, tại sao không?

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ nhấn mạnh: "Thị trường cho nông sản Việt Nam không chỉ là "chợ nội địa" dành cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam mà phải là chợ toàn cầu cho 7 tỷ người trên thế giới. Gốc rễ vấn đề là tổ chức sản xuất dựa vào khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương... và gắn chặt với nhu cầu, đòi hỏi của đầu ra".